Tổng thống Rodrigo Duterte đề nghị Nga cung cấp một khoản vay để mua vũ khí sau khi Mỹ dừng hợp đồng bán súng trường cho Philippines.
Hãng thông tấn Philstar đưa tin, Tổng thống Duterte đã hỏi thẳng người đồng cấp Nga Vladimir Putin về khoản vay trên khi hai người gặp nhau ở Kremlin ngày 23/5, vài giờ trước khi ông vội vã trở về Manila để kiểm tra tình hình Marawi bị “chân rết” của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tấn công.
i nhà lãnh đạo Nga và Philippines gặp nhau ở Moscow ngày 23/5. (Ảnh: AP)
“Liệu ông (Putin) có thể cấp cho tôi một khoản vay mềm ngay bây giờ không… Thỏa thuận vũ khí với Mỹ đã bị hủy rồi”, Tổng thống Duterte nói với ông Putin.
Trong thông điệp công khai của mình, nhà lãnh đạo Nga không trả lời ngay. Hiện chưa rõ liệu Chính phủ Nga có chấp thuận đề nghị này hay không.
Năm ngoái, Bộ Ngoại giao Mỹ dừng hợp đồng bán khoảng 27.000 khẩu súng trường cho cảnh sát quốc gia Philippines, sau khi Thượng nghị sĩ Ben Cardin của đảng Dân chủ nêu quan ngại về chiến dịch chống ma túy của chính quyền Duterte.
Chính quyền Barack Obana khi đó liên tục chỉ trích chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy mạnh tay của ông Duterte, và Tổng thống Philippines mô tả đó là sự can thiệp vào công việc nội bộ của Manila.
Tháng 11, ông Duterte thông báo đã ra lệnh cho cảnh sát quốc gia Philippines hủy hợp đồng mua súng trường của Mỹ. Ông tuyên bố sẽ tìm nguồn cung cấp vũ khí khác rẻ hơn và bền hơn.
Trong cuộc gặp ở Moscow, ông Duterte nói với ông Putin rằng ông muốn tăng cường sự hợp tác kinh tế giữa Philippines và Nga. “Tôi đến để tìm kiếm tình bạn và để trao đổi, thiết lập thương mại và kinh tế với đất nước các bạn”, Tổng thống Philippines nhấn mạnh.
Phía Tổng thống Nga bày tỏ rằng, ông rất vui khi đón tiếp ông Duterte. Tuy vậy, người đứng đầu chính quyền đề cập thực tế rằng trao đổi thương mại giữa hai nước “không quá cao” dù đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ hơn 41 năm trước.
Tổng trao đổi thương mại giữa Philippines và Nga đạt 422 triệu USD năm ngoái. Trong năm 2015, Nga là đối tác thương mại thứ 31 của Philippines, là thị trường xuất khẩu thứ 44 và là nguồn cung nhập khẩu thứ 27 của quốc gia Đông Nam Á.