Các nước châu Á đang đua nhau mua tàu ngầm công nghệ hiện đại, đặt ra mối lo ngại về nguy cơ an toàn trên các tuyến đường biển.
Tờ Thời báo Tài chính ngày 17/5 cho biết, theo Bộ Quốc phòng Singapore, chỉ trong 8 năm trở lại đây, số lượng tàu ngầm trong khu vực tăng thêm 50 chiếc, nâng tổng số tàu ngầm của khu vực lên tới 250 chiếc. Bộ này đã đưa ra cảnh báo rằng, việc có quá nhiều tàu ngầm hoạt động trong khu vực sẽ dẫn đến nguy cơ cao trong việc “tính toán giao thông trên biển bị nhầm lẫn”.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Singapore Mohamad Maliki đã kêu gọi các nước trong khu vực tôn trọng những quy định đã được cam kết giữa các nước để tránh xảy ra “đối đầu không chủ định và những tai nạn trên biển”.
Tại cuộc triển lãm quốc phòng hàng hải mới đây được tổ chức ở Singapore, giới phân tích cho biết, những chiếc tàu ngầm gần như không có tiếng động được trang bị súng bắn tầm xa đã tạo ra thách thức đối với những người lập kế hoạch để giữ cho các làn đường giao thông trên biển được thông thoáng.
Brett Reed – người phụ trách việc bán tàu quốc phòng cho khu vực Đông Nam Á thuộc tổ hợp đóng tàu Australia – cho biết hiện nay, đây là khu vực có tốc độ gia tăng mua sắm tàu ngầm nhanh nhất trên thế giới.
Năng lực hàng hải của khu vực được minh chứng bằng việc trong tuần qua, Singapore – nước có ngân sách quốc phòng lớn nhất Đông Nam Á – vừa công bố sẽ mua hai chiếc tàu ngầm ThyssenKrupp của Đức. Bộ Quốc phòng Singapore cho biết, những chiếc tàu ngầm mới của họ có các hệ thống chiến đấu hiện đại, là loại tàu ngầm công nghệ tiên tiến khiến những chiếc tàu này khi di chuyển phát ra ít tiếng động hơn và có thể ở dưới nước lâu hơn.
Paul Burton thuộc IHS Jane nhận định rằng, nếu việc mua những loại tàu ngầm này nằm trong kế hoạch phát triển quốc phòng hàng hải thì đây sẽ là một bước thay đổi lớn trong bức tranh toàn cảnh hoạt động tàu ngầm của cả khu vực. Sợi chỉ chung xuyên suốt các hoạt động mua sắm này là sẽ xuất hiện loại tàu ngầm chiến đấu năng lực cao và ngày càng tối tân hơn tại châu Á.
Hội đồng Quân sự Thái Lan hồi tháng trước đã thông qua kế hoạch chi 393 triệu USD để mua chiếc đầu tiên trong tổng số 3 chiếc tàu ngầm của Trung Quốc. Những ý kiến chỉ trích đặt ra câu hỏi về sự cần thiết phải mua những chiếc tàu ngầm hay không khi mà Bangkok không liên quan gì đến cuộc tranh chấp lãnh hải quan trọng nào và Vịnh Thái Lan vốn không sâu.
Các nước Australia, Ấn Độ, Pakistan, Hàn Quốc và Indonesia cũng có kế hoạch tăng thêm số lượng tàu ngầm và hiện đại hóa đội tàu ngầm của họ.
Thậm chí, Myanmar – nước nghèo nhất trong số các nước thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) – cũng tuyên bố kế hoạch sẽ mua một chiếc tàu ngầm nếu như ngân sách cho phép. Thứ trưởng Quốc phòng Myanmar, Trung tướng Myint Nwe, hồi tháng trước từng tuyên bố: “Những nước láng giềng của chúng ta đều có tàu ngầm và chúng ta mong các nước đều tốt”.
Ông Rob Hewson thuộc Tập đoàn Quốc phòng Sabb của Thụy Điển cho biết, “khả năng phát hiện, theo dõi và đối chọi lại được tàu ngầm của đối phương là một chủ đề nóng tại khu vực này hiện nay”. Ông Hewson nói rằng, các nước châu Á đang gia tăng mối quan tâm đến các hệ thống cảnh báo sớm và tuần tra hàng hải.
Trong những hệ thống trưng bày tại triển lãm Hải quân IMDEX, hệ thống của Sabb nhằm theo dõi các tàu ngầm loại “cực ít phát tiếng động” đã thu hút được sự chú ý của Ấn Độ trong kế hoạch hiện đại hóa đội tàu ngầm của nước này.
Ông Hewson cho biết hiện nay, Ấn Độ có những tàu ngầm do Pháp sản xuất. Nước này đang tìm kiếm lựa chọn loại tàu ngầm cho đợt trang bị tới đây của họ và Sabb hy vọng họ sẽ có thể là đối thủ nặng ký có thể bán được cho Ấn Độ trong thời gian tới.
Theo phân tích của Lầu Năm Góc, Hải quân Trung Quốc có kế hoạch tăng số lượng tàu ngầm của họ từ 62 chiếc hồi năm ngoái lên tới 78 chiếc vào cuối thập kỷ này. Trong khi đó, theo cuốn sách Jane’s Fighting Ships được xuất bản năm 2017, các nước ASEAN hiện có tổng cộng 16 tàu ngầm.