Định vị chính trị cứng rắn và chức năng mềm “nhân văn, đáng sống” của Bắc Kinh đã giúp Thái Kỳ và Trần Cát Ninh nhận được sự trọng dụng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Từ trái sang phải: Ông Trần Cát Ninh, ông Tập Cận Bình và ông Thái Kỳ.
Ngày 27/5, trung ương đảng cộng sản Trung Quốc quyết định bổ nhiệm Phó Bí thư thành ủy Bắc Kinh Thái Kỳ vào vị trí Bí thư thành ủy Bắc Kinh, thay thế cho người tiền nhiệm Quách Kim Long.
Buổi chiều cùng ngày, hội nghị lần thứ 39, Ủy ban thường vụ nhân đại khóa 14 thành phố Bắc Kinh quyết định bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Bảo vệ môi trường Trần Cát Ninh vào vị trí Phó Thị trưởng kiêm Quyền Thị trưởng Bắc Kinh.
Theo giới chuyên gia, việc ĐCSTQ bất ngờ công bố thông tin bổ nhiệm hai nhân sự then chốt, đứng đầu đảng và chính phủ tại Bắc Kinh trong cùng một ngày đã “nằm ngoài sức tưởng tưởng” của dư luận Trung Quốc.
Bởi Bắc Kinh vốn được coi là khu vực chính trị trọng yếu trên chính trường Trung Quốc, theo đó hai vị trí Bí thư thành ủy và Thị trưởng được xem là tiêu chuẩn chính trị quan trọng đối với các quan chức nước này.
“Bất ngờ” từ Thái Kỳ
Theo thông lệ, người nhận chức Bí thư thành ủy Bắc Kinh đều phải là Ủy viên Bộ chính trị, trong khi Thái Kỳ chưa phải là ủy viên Bộ chính trị hay ủy viên dự khuyết Bộ chính trị.
Nếu không ngoại lệ, do đã trở thành Bí thư thành ủy Bắc Kinh nên có khả năng sau Đại hội 19 được tổ chức vào mùa thu tới, Thái Kỳ sẽ trực tiếp được bầu vào Bộ chính trị. Hiện tượng “vượt ba cấp” này là sự kiện “cực kỳ hiếm thấy” trên chính trường Trung Quốc.
Trước đó, vào tháng 10/2016, Bí thư thành ủy Bắc Kinh đương nhiệm Quách Kim Long – người tiến cử Thái Kỳ đã nói, “Thái là người có khả năng nhạy cảm chính trị mạnh mẽ và trung thành với đảng”.
Quách Kim Long đã truyền tải thông điệp trên sau khi “lĩnh hội được dụng ý” của tầng lớp lãnh đạo cấp cao, Đa chiều nhận định.
Bởi đằng sau việc bổ nhiệm lãnh đạo địa phương của ĐCSTQ luôn mang hàm ý vô cùng sâu sắc, trong đó, yêu cầu quan trọng nhất đối với vị trí trưởng quản Bắc Kinh chính là “lập trường chính trị cứng rắn”.
Do đó, cấp dưới thân tín của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình – ông Thái Kỳ đã trở thành nhân vật “đắc lực, quen thuộc và yên tâm” đối với đội ngũ lãnh đạo cấp cao Trung Nam Hải khi nắm chức Bí thư thành ủy Bắc Kinh.
Đặc biệt, khi mới đây, ĐCSTQ tuyên bố dự án Quận mới Hùng An trở thành kế hoạch “đại kế nghìn năm”, “đánh thức” tiềm năng liên kết then chốt của Bắc Kinh – Thiên Tân – Hà Bắc dưới nhiệm kỳ của ông Tập thì việc bổ nhiệm Thái Kỳ vào vị trí Bí thư thành ủy Bắc Kinh là tính toán thông minh của nhà lãnh đạo Trung Quốc
Bởi Thái Kỳ từng là cộng sự 14 năm tại Phúc Kiến và 4 năm tại Chiết Giang với ông Tập nên ông này đã nhận được sự tín nhiệm cao độ của “lãnh đạo hạt nhân” Trung Quốc.
Một luồng ý kiến khác cho rằng, việc bổ nhiệm Thái Kỳ hoàn toàn phù hợp với yêu cầu chính trị cũng như “hiện đại hóa” môi trường chính trị của thủ đô Bắc Kinh.
“Bất ngờ hơn” từ Trần Cát Ninh
Giới chuyên gia cho rằng, so với trường hợp của Thái Kỳ, việc bổ nhiệm Trần Cát Ninh vào vị trí Quyền Thị trưởng Bắc Kinh còn khiến dư luận bất ngờ hơn.
Bởi trước khi Trần nhậm chức, hoàn toàn không có động thái liên quan nào được tiết lộ. Trước đó vào năm 2015, khi được điều chuyển từ Hiệu trưởng đại học Thanh Hoa sang vị trí Bộ trưởng Bộ Bảo vệ môi trường, Trần chỉ mất ba năm để trở thành Bộ trưởng trẻ nhất tại Trung Quốc.
Hiện nay, một lần nữa ông được “thăng chức” tại kinh đô Bắc Kinh, điều đã vượt xa ngoài sức tưởng tượng của dư luận nước này.
Một số ý kiến cho rằng, việc nhậm chức Quyền Thị trưởng Bắc Kinh của Trần Cát Ninh có liên quan đến “thân phận bảo vệ môi trường” của ông này.
Trong tương lai, ĐCSTQ kỳ vọng công việc chủ yếu của Trần Cát Ninh chính là hướng sự phát triển trọng tâm của Bắc Kinh vào lĩnh vực “môi trường sinh thái văn hóa” với mục tiêu xây dựng Bắc Kinh trở thành thành phố đáng sống, nhân văn.
Giới phân tích chỉ ra, trên thực tế, đa số dư luận Trung Quốc không thể nghĩ đến bộ đôi lãnh đạo Bắc Kinh: Thái Kỳ và Trần Cát Ninh.
Định vị chính trị cứng rắn và chức năng mềm “nhân văn, đáng sống” của Bắc Kinh đã giúp hai ông Thái, Trần được trọng dụng, Đa chiều bình luận.
Ngoài ra, trong chiến lược nhất thể hóa Bắc Kinh – Thiên Tân – Hà Bắc thuộc “đại kế nghìn năm” của Tập Cận Bình, việc triển khai hài hòa các vị trí lãnh đạo đứng đầu ba tỉnh thành này cho thấy kỳ vọng vào sự phát huy “hội nhập” để nhất thể hóa chiến lược trên.
“Lấy việc lựa người, lựa người vào vị trí phù hợp, phát triểu mục tiêu tập thể, phá vỡ thói quen, cách thức đề bạt thông thường” đã trở thành điểm mới trong quá trình thay đổi nhân sự của Bắc Kinh nhưng đây cũng là “động thái phù hợp với dụng ý lựa chọn nhân sự của ông Tập”.
Sau khi lên nắm quyền, song song với tham vọng thực hiện Giấc mộng Trung Hoa, Tập Cận Bình đồng thời cần xây dựng đội ngũ tinh anh để trở thành những cộng sự đắc lực dưới quyền. Đây là mấu chốt quan trọng cũng chính là logic chính trị “đằng sau sự bất ngờ” trong bổ nhiệm nhân sự của nhà lãnh đạo Trung Quốc.