Hôm 27/5, hội nghị thượng đỉnh G7 đã ra tuyên bố chung đề cập tới một loạt vấn đề quan trọng, trong đó bao gồm tình hình Biển Đông.
Tàu Trung Quốc quanh đá Vành Khăn, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ảnh: Reuters
Tuyên bố khẳng định các thành viên Nhóm những quốc gia công nghiệp phát triển (G7) cam kết “duy trì trật tự dựa trên pháp luật trong lĩnh vực hàng hải dựa trên nguyên tắc luật pháp quốc tế,” cũng như bày tỏ quan ngại về tình hình ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Lãnh đạo G7 kêu gọi giải quyết tranh chấp hàng hải thông qua ngoại giao cũng như phương tiện pháp lý, bao gồm toà trọng tài. Nhóm cũng nhất trí hối thúc tất cả các bên phi quân sự hoá trên “các thực thể tranh chấp”, phản đối mạnh mẽ mọi hoạt động đơn phương có thể làm gia tăng căng thẳng.
Sáng 28/5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết Bắc Kinh phản đối mạnh mẽ tuyên bố trên, nói rằng nước này cam kết giải quyết tranh chấp, thắt chặt hợp tác, bảo vệ hòa bình, ổn định ở Biển Hoa Đông, Biển Đông qua đối thoại và tham vấn trực tiếp với các bên liên quan.
Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của các quốc gia láng giềng Đông Nam Á.
Cũng trong tuyên bố hôm 27/5, G7 nói rằng sẵn sàng tăng cường các biện pháp để đối phó với vấn đề Triều Tiên, nếu như Bình Nhưỡng không từ bỏ các chương trình hạt nhân của mình. G7 cho rằng Triều Tiên đã gây ra mối đe dọa ngày càng tăng đối với hòa bình và ổn định thế giới.
Về thương mại, G7 tái cam kết mở cửa thị trường và “chống chủ nghĩa bảo hộ” cũng như các hoạt động thương mại không công bằng. Bên cạnh đó, G7 cũng khẳng định giảm bất cân bằng toàn cầu nhằm hỗ trợ tăng trưởng, nhắc lại các cam kết về tỷ giá hối đoái đã được các bộ trưởng tài chính G7 nhất trí tại thành phố Bari (Italy) trước đó.