Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiLiệu TQ có thể vượt qua Mỹ ở châu Á?

Liệu TQ có thể vượt qua Mỹ ở châu Á?

Ý kiến về việc Trung Quốc có thể thay thế Mỹ ở châu Á không hẳn là viển vông vì Trung Quốc đang nỗ lực vươn lên bằng cả kinh tế và quân sự. Điều quan trọng là Mỹ có làm gì để ngăn hoặc làm chậm tiến trình đó hay không?

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Chính sách của Mỹ với Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào lăng kính của lãnh đạo và giới hoạch định chính sách của Mỹ nhìn nhận về thách thức từ sự nổi lên của Trung Quốc. Giới chức Mỹ thường cho rằng Trung Quốc đang lên có thể thách thức vị trí lãnh đạo của Mỹ nhưng Mỹ vẫn duy trì được vị thế cường quốc toàn cầu và ảnh hưởng ở châu Á vẫn mạnh mẽ. Tuy nhiên, giới hoạch định chính sách của Mỹ cần phải soi lại lăng kính của mình để có chính sách phù hợp vì Trung Quốc đang nỗ lực thay đổi điều đó về cả kinh tế và quân sự.

Về kinh tế, ý kiến cho rằng châu Á thế kỷ 21 sẽ chứng kiến sự chuyển giao quyền lực từ Mỹ sang Trung Quốc không phải là không có lý. Qua hơn 30 năm tăng trưởng cao, nền kinh tế Trung Quốc được cải cách, mở cửa theo hướng thị trường tự do hơn. Từ năm 2010, Trung Quốc vượt qua Nhật Bản trở thành nền kinh tế thứ 2 thế giới. Đặc biệt, trong lúc Mỹ dưới chính quyền Obama tỏ vẻ co cụm lại bảo vệ lợi ích của Mỹ thông qua khẩu hiệu “nước Mỹ trên hết” gây lo ngại cho các nước châu Á về bảo hộ mậu dịch của Mỹ thì Trung Quốc của Tập Cận Bình mở rộng cửa, tích cực đẩy tự do hóa thương mại và tăng cường kết nối. Điểm nhấn trong các nỗ lực đó của Trung Quốc là việc đẩy sáng kiến “vành đai con đường”, dần trở thành một đại chiến lược của Trung Quốc nhằm mở rộng ảnh hưởng ra toàn châu Á và thế giới. Nhiều nước châu Á tích cực tham gia, có nước e ngại nhưng không muốn bỏ qua cơ hội, tính việc tham gia vì lợi ích về kinh tế và hạ tầng. Trung Quốc ý định chi 1,3 nghìn tỷ USD cho chương trình đầu tư để tạo ra một mạng lưới cơ sở hạ tầng gồm đường bộ, đường sắt, viễn thông, đường ống và cầu cảng kết nối về kinh tế và thúc đẩy phát triển cho 60 quốc gia ven 2 tuyến đường của sáng kiến này (Vành đai kinh tế con đường tơ lụa trên bộ và Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21). Sáng kiến “vành đai con đường” sẽ làm tăng giá trị của Trung Quốc lên như là một bên cấp vốn mà không đòi điều kiện mềm đi kèm (như dân chủ nhân quyền hoặc minh bạch chính sách), cái mà đa phần các chính phủ ở châu Á ưa thích. Theo đó, ảnh hưởng của Trung Quốc với các nước châu Á sẽ tăng lên đáng kể.

Về quân sự, việc Trung Quốc mạnh lên về kinh tế kéo theo việc đầu tư cho phát triển năng lực quốc phòng. Từ thập kỷ 1990, Trung Quốc đầu tư hiện đại hóa đồng bộ các loại vũ khí. Trung Quốc đã phát triển các loại tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình, gồm cả tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể bắn tới lục địa Mỹ và tên lửa chống tàu sân bay của Mỹ. Trung Quốc đồng thời đầu tư mạnh vào hải quân. Năm 2003, Trung Quốc chỉ có khoảng 14% khu trục hạm và 24% tàu khu trục được coi là hiện đại, nhưng tỷ lệ này tăng lên tương ứng là 65% và 69% vào năm 2015. Nhiều khu trục hạm của Trung Quốc được trang bị hệ thống phòng không hiện đại, tên lửa tầm xa và tên lửa chống hạm. Trung Quốc tự đóng được tàu sân bay nội địa, biên chế nhiều tàu ngầm chạy diesel có tốc độ nhanh vào hạng nhất thế giới và phát triển tàu ngầm hạt nhân có thể phóng tên lửa đạn đạo. Trung Quốc cũng đầu tư mạnh vào không quân, phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư có sức mạnh và kỹ thuật tương đương với các loại máy bay F-15, F-16 và F/A-18 của Mỹ.

Đồng thời, Trung Quốc cũng tập trung cải thiện khả năng thông tin liên lạc chỉ huy tác chiến kết nối hải lục không quân và tên lửa để tìm và tiêu diệt mục tiêu. Hiện nay Trung Quốc nhiều khả năng có thể kiểm soát được khu vực trong phạm vi “chuỗi đảo thứ nhất”. Quân đội Trung Quốc hiện nay có thể phát huy sức mạnh khắp Hoa Đông, Biển Đông và ngày càng tăng ở Ấn Độ Dương.

Trong khi đó, sức mạnh quân sự của Mỹ có dấu hiệu giảm sút. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ không lo lắng gì về việc mất kiểm soát trong “chuỗi đảo thứ nhất” hoặc một lực lượng thù địch nào đó hoạt động ở khu vực Tây Thái Bình Dương có thể đe dọa Guam và Hawaii. Tuy nhiên, sau Chiến tranh Lạnh, sức mạnh quân sự của Mỹ giảm đi tương đối. Hải quân Mỹ cho dừng hoạt động 3 hàng không mẫu hạm, giảm sự hiện diện ở Trung Đông và Tây Thái Bình Dương. Quân chủng thủy quân lục chiến của Mỹ mất đi 8 tàu đổ bộ (từ 39 xuống còn 31). Chỉ gần 50% máy bay ném bom và máy bay chiến đấu của Mỹ có thể hoạt động ở mức tối đa. Số lượng tàu ngầm của hải quân Mỹ giảm xuống còn 59 chiếc (từ con số 82) và đến 2030 còn giảm tiếp.

Việc suy giảm lực lượng hải quân và không quân của Mỹ giảm ảnh hưởng lớn đến hoạt động quân sự của nước này ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Chất lượng không quân có thể tăng lên đôi chút vì Mỹ mua máy bay thế hệ thứ năm như F-35A nhưng sự suy giảm về số lượng tác động đến khả năng răn đe và phòng thủ của Mỹ. Trong thập kỷ 1990, hải quân Mỹ có hơn 400 tàu chiến nhưng đến năm 2015 chỉ còn khoảng trên dưới 270 tàu có thể điều động được và còn có thể giảm xuống còn từ 240-260 tàu. Chính vì lẽ đó, Tổng thống Trump đưa ra ý tưởng tăng quân số tàu chiến của Mỹ lên 350 tàu, song khả năng này còn tùy vào tiến trình tiếp theo và sức mạnh kinh tế Mỹ đến đâu và đấu tranh nội bộ giữa hành chính (Bộ Quốc phòng) và Quốc hội. Nếu không có tiến triển gì, sức mạnh quân sự Mỹ sẽ tiếp tục giảm đi.

Với khoảng cách về kinh tế và quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng thu hẹp như vậy, viễn cảnh Trung Quốc thay thế Mỹ ở châu Á chưa hẳn là viển vông. Nhưng, Mỹ có hành động gì để ngăn chặn hoặc làm chậm tiến trình đó hay không mới là vấn đề quan trọng cần các lãnh đạo và giới hoạch định chính sách của Mỹ phải suy tính.

RELATED ARTICLES

Tin mới