Friday, November 15, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTổng thống Pháp lần đầu 'thử lửa'" với ông Putin

Tổng thống Pháp lần đầu ‘thử lửa'” với ông Putin

Quan hệ Pháp-Nga đang bị khủng hoảng. Ông Macron lúc tranh cử từng cáo buộc Nga tấn công mạng, can thiệp bầu cử.

Tân Tổng thống Pháp Macron (trái) sắp có cuộc gặp khó khăn, không khoan nhượng với Tổng thống Nga Putin (phải). Ảnh: LEADERSHIP

Tại Pháp ngày 29-5, tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ có cuộc gặp dự kiến sẽ rất khó khăn với Tổng thống Nga Vladimir Putin, theo Reuters. Ông Macron vừa trở về sau các cuộc gặp với lãnh đạo phương Tây tại các hội nghị NATO ở Bỉ và G7 ở Ý.

Jacques Audibert, cựu cố vấn ngoại giao của Tổng thống Hollande, nhận xét ông Macron khá thông minh khi sắp xếp tiếp ông Putin ngay sau khi hội nghị G7 kết thúc. Nga vốn là thành viên của G7 nhưng đã rời khỏi nhóm này sau sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.

Nói với báo chí sau khi kết thúc hội nghị G7 ngày 27-5, ông Macron cho rằng đối thoại với Nga là điều sống còn trong giải quyết một số bất đồng quốc tế: “Không thể bỏ qua đối thoại với Nga dù là khó khăn, vì nhiều vấn đề quốc tế sẽ không giải quyết được”.

Tuy thế, ông Macron cũng tuyên bố sẽ nói chuyện cứng rắn, không khoan nhượng với Nga. Tại hội nghị G7, các lãnh đạo nhóm đã thống nhất sẽ xem xét các lệnh trừng phạt mới với Nga nếu tình hình Ukraine không tiến triển.

Thực tế chưa cần đến cuộc gặp giữa ông Macron và ông Putin thì Pháp và Nga cũng đang bị khủng hoảng niềm tin trầm trọng. Quan hệ giữa Pháp và Nga vốn đã xấu đi dưới thời Tổng thống Pháp Francois Hollande.

Pháp và Nga ủng hộ hai bên đối lập trong nội chiến Syria và Ukraine, trong khi Nga ủng hộ chính phủ Syria thì Pháp lại ủng hộ phe nổi dậy. Tháng 10 vừa rồi, Tổng thống Putin từng hủy cuộc gặp với Tổng thống Hollande sau khi ông Hollande nói sẽ chỉ gặp nếu ông Putin chịu nói về Syria.

Pháp cũng đứng đầu trong nỗ lực trừng phạt Nga của Liên minh châu Âu khi Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine năm 2014. Năm 2015, Pháp cũng từng hủy bỏ bán tàu chiến cho Nga trị giá 1,3 tỉ USD.

Về phần ông Macron, lúc còn chạy đua tổng thống, đội tranh cử của ông Macron đã cáo buộc Nga tấn công mạng, truyền thông Nga – trong đó có hãng tin Sputnik và đài Russia Today – cố tình tung ra các thông tin sai lệch, can thiệp vào tiến trình dân chủ, vào cuộc bầu cử của Pháp.

Hai ngày trước ngày bỏ phiếu thứ hai 7-5, đội tranh cử của ông Macron cho biết hàng ngàn email của mình bị tấn công lấy cắp và rò rỉ trên mạng. Theo một nhà phân tích ở New York (Mỹ) thì thủ phạm có thể là một nhóm tin tặc có liên hệ với tình báo quân đội Nga.

Lúc tranh cử, ông Macron ủng hộ mở rộng trừng phạt nếu Nga không thực hiện hiệp ước hòa bình ở Đông Ukraine. Điện đàm với ông Putin sau khi thắng cử, ông Macron có vẻ hạ giọng, tuy nhiên xác nhận hai ông vẫn còn nhiều bất đồng quan điểm.

Về phần Nga, Tổng thống Putin từng tiếp bà Marine Le Pen – ứng viên cực hữu và là đối thủ của ông Macron – một tháng trước kỳ bầu cử.

Trong thông điệp chúc mừng ông Macron thắng cử, ông Putin nói muốn cùng ông Macron gác bỏ mọi nghi ngờ và hợp tác. Nói với báo chí ngày 26-5, một quan chức Nga cho rằng cuộc gặp là cơ hội cho hai bên xây dựng thiện cảm với nhau và Nga hy vọng hai bên sẽ nói chuyện thẳng thắn về Syria.

RELATED ARTICLES

Tin mới