Wednesday, December 25, 2024
Trang chủĐiểm tinKho vũ khí hạt nhân Ấn Độ đáng gờm như thế nào?

Kho vũ khí hạt nhân Ấn Độ đáng gờm như thế nào?

Chừng nào phương tiện răn đe hạt nhân của Ấn Độ còn đáng tin cậy thì các đối thủ của họ sẽ phải suy nghĩ thận trọng trước khi tiến tới ngưỡng cửa hạt nhân.

Minh họa lò phản ứng hạt nhân Apsara của Ấn Độ. Nguồn: Indian Defence News

Trong bài viết trên tạp chí National Interest, nhà phân tích Kyle Mizokami cho biết:

Ấn Độ, quốc gia đông dân nhất nhì thế giới, đang nắm giữ một vị trí chiến lược vô song nhưng cũng bị đe dọa bởi các đối thủ mạnh. Vì thế, 1,3 tỷ người dân nước này đang được khoảng 100 vũ khí hạt nhân triển khai trên bộ/không/biển bảo vệ.

Mặc dù đứng ngoài cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh nhưng rồi chính Ấn Độ cũng buộc phải tự phát triển thứ vũ khí hủy diệt ấy.

Vì sao Ấn Độ phát triển vũ khí hạt nhân?

Chương trình hạt nhân Ấn Độ bắt đầu từ năm 1948, chỉ 1 năm sau khi họ giành được độc lập. Chính phủ thủ tướng Nehru khi ấy xem năng lượng hạt nhân là nguồn năng lượng không mấy đắt đỏ đối với một quốc gia còn non trẻ.

Ủy ban năng lượng hạt nhân Ấn Độ được thành lập vào cùng năm đó để giám sát các nỗ lực phát triển hạt nhân của New Delhi.

Do thiếu uranium nên Ấn Độ phải chuyển sang sử dụng plutonium. Apsara – lò phản ứng hạt nhân đầu tiên của Ấn Độ, được chế tạo với sự hỗ trợ của Anh và đã đạt đến trạng thái phản ứng hạt nhân tự ổn định vào tháng 8/1956.

Ban đầu, Ấn Độ chỉ định sản xuất thiết bị hạt nhân, không chế tạo vũ khí, nhưng sau đó họ lại cho ra đời thứ gọi là “chất nổ hạt nhân ôn hòa”, giúp xây dựng bến cảng, khai quật khí gas tự nhiên, tiến hành các dự án khai thác mỏ và xây dựng quy mô lớn.

Mặc dù về mặt chức năng, chất nổ này giống hệt vũ khí hạt nhân nhưng kế hoạch phát triển khi đó cho thấy Ấn Độ vẫn chưa hẳn thấy cần một phương tiện răn đe hạt nhân thực sự.

Với tư cách là thành viên sáng lập phong trào không liên kết, Ấn Độ đứng ngoài cơn sốt của cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô.

Tuy nhiên, cuộc chiến tranh với Trung Quốc năm 1962 đã thay đổi điều đó. Cuộc tấn công với quy mô hạn chế nhằm vào lãnh thổ Ấn Độ có thể trở nên tồi tệ hơn nếu quy mô mở rộng thành chiến tranh tổng lực, đặc biệt là nếu Trung Quốc liên thủ với Pakistan.

Mặc dù vào thời điểm đó, Trung Quốc chưa phải là cường quốc hạt nhân nhưng vị thế của họ đã được lường trước.

Với vũ khí hạt nhân, Trung quốc có thể đe dọa Ấn Độ, buộc New Delhi phải nhượng bộ về lãnh thổ khi đứng trước nguy cơ bị hủy diệt bằng vũ khí nguyên tử. Và thế là cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân của Ấn Độ bắt đầu.

Ấn Độ tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân đầu tiên vào ngày 18/5/1974 tại bãi thử nghiệm Pokhran ở sa mạc Rajastan. Thiết bị thử nghiệm, được gọi là “Smiling Buddha”, có đương lượng nổ từ 6-15 kiloton (bom hạt nhân Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản có đương lượng nổ ước tính khoảng 16 kiloton).

Cuộc thử nghiệm được tiến hành trong một hầm phóng dưới lòng đất để hạn chế bức xạ. Ấn Độ mô tả đây là cuộc thử nghiệm thông thường, nhưng nếu xét tới vị thế hạt nhân mà Trung Quốc đạt được vào năm 1964 thì thiết bị này gần như chắc chắn được thiết kế để làm vũ khí.

Cuộc thử nghiệm đưa đẩy Ấn Độ gia nhập “câu lạc bộ hạt nhân” với các thành viên trước đó gồm Mỹ, Liên Xô, Anh, Pháp và Trung Quốc.

Song phải 24 năm sau đó, New Delhi mới tiếp tục thử nghiệm thiết bị hạt nhân, vào hai ngày 11/5/1988 và ngày 13/5/1988. Mỗi cuộc thử nghiệm bao gồm 3 thiết bị.

Phần lớn các thiết bị thử nghiệm trong năm này có đương lượng nổ thấp, trong khoảng 200-500 tấn, cho thấy chúng có vẻ được thiết kế để làm bom hạt nhân chiến thuật.

Tuy nhiên, có 1 thiết bị được xác định là thiết bị nhiệt hạch, mặc dù nó không được thử nghiệm thành công và chỉ có đương lượng nổ từ 4-5 kiloton.

Hiện nay, ước tính Ấn Độ có ít nhất 520kg plutonium. Theo Hiệp hội kiểm soát vũ khí, lượng plutonium này đủ cho “100-120 thiết bị hạt nhân”.

New Delhi cho rằng đó là mức độ tối thiểu để mang lại hiệu quả răn đe trước các cường quốc hạt nhân láng giềng như Trung Quốc và Pakistan.

Để so sánh thì Trung Quốc hiện có đủ vật liệu có khả năng phân rã cho 200-250 thiết bị hạt nhân. Trong khi đó, Pakistan được cho là đang có 110-130 thiết bị trong kho vũ khí.

Ấn Độ áp dụng chính sách Không sử dụng vũ khí hạt nhân trước, cam kết không bao giờ trở thành bên đầu tiên sử dụng vũ khí hạt nhân trong bất cứ cuộc xung đột nào, mà chỉ triển khai chúng để tấn công trả đũa.

Bộ ba hạt nhân

Hiện Ấn Độ đã xây dựng được bộ 3 hạt nhân trên bộ/không/biển. Đầu tiên là vũ khí hạt nhân chiến thuật dành cho máy bay tấn công của Không quân Ấn Độ.

New Delhi đang có trong trang bị hơn 200 máy bay chiến đấu 2 động cơ Su-30MKI, 69 tiêm kích MiG-29 và 51 chiếc Mirage 2000. Có vẻ một số máy bay trong số này đã được cải tiến và huấn luyện để mang bom hạt nhân trọng lực tấn công mục tiêu.

Tiếp theo là lực lượng tên lửa trên bộ, bao gồm tên lửa đạn đạo chiến thuật Prithvi.

Prithvi được đưa vào sản xuất từ cuối những năm 1990, ban đầu chỉ có tầm bắn 150km nhưng các phiên bản mới đã được tăng tầm bắn tới 600km.

Dẫu vậy, Prithvi vẫn chỉ là vũ khí chiến thuật. Gia đình tên lửa Agni (với các phiên bản từ I-V, tầm bắn từ 700km – 8.000km) mới là vũ khí hạt nhân chiến lược của Ấn Độ, có khả năng tấn công Trung Quốc.

Cuối cùng là một lực lượng khá mới – tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo lớp Arihant. Ấn Độ có kế hoạch đóng 4 tàu loại này, mỗi tàu có khả năng mang 12 tên lửa đạn đạo tầm ngắn K-15 Sagarika (“Oceanic”) với tầm bắn đối đa 700km hoặc tên lửa đạn đạo tầm trung K-4 với tầm bắn 3.500km.

Khi lấy vịnh Bengal làm pháo đài và được phương tiện khác bảo vệ (như tàu sân bay INS Vikramaditya của Ấn Độ) thì tàu ngầm Arihant mới có thể vừa vặn vươn tới Bắc Kinh.

Theo nhà phân tích Mizokami, chương trình hạt nhân của Ấn Độ tương đối đáng tin cậy và chính sách Không sử dụng trước của Ấn Độ sẽ đóng vai trò làm chậm tốc độ leo thang trong bất cứ cuộc xung đột nào để tránh nguy cơ bùng phát thành chiến tranh hạt nhân.

Chừng nào phương tiện răn đe hạt nhân của Ấn Độ còn đáng tin cậy thì các đối thủ của họ sẽ phải suy nghĩ thận trọng trước khi tiến tới ngưỡng cửa hạt nhân.

Tuy nhiên, xét tới mối quan hệ bất ổn với Pakistan – quốc gia không áp dụng chính sách Không sử dụng trước và đã nghĩ tới kế hoạch chiến tranh chớp nhoáng để chống lại các nước láng giềng – thì Ấn Độ vẫn không thể loại trừ nguy cơ bùng nổ chiến tranh hạt nhân.

RELATED ARTICLES

Tin mới