Mối quan hệ giữa 3 siêu cường Mỹ – Trung – Nga vừa hợp tác, vừa cạnh tranh lẫn nhau. Họ có thể là đối thủ của nhau trong vấn đề này, nhưng lại là đối tác của nhau trong vấn đề khác. Lợi ích chính là động lực đằng sau của mọi hợp tác và cạnh tranh.
Ông Kim Jong-un quan sát vụ phóng tên lửa hôm 29/5
Trung Quốc dùngTriều Tiên làm con bài mặc cả?
Trung Quốc là đồng minh cuối cùng còn lại của Triều Tiên, là nhà cung cấp quan trọng các mặt hàng thiết yếu như nhiên liệu và lương thực. Tuy nhiên Bắc Kinh dường như rất miễn cưỡng sử dụng ảnh hưởng của mình để gây sức ép với Bình Nhưỡng, vì sợ thúc đẩy một sự đổ vỡ hoặc bất ổn ở miền Bắc bán đảo.
Sự kiện chỉ vài giờ sau khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa, ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc đặt chân xuống Nhật Bản. Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida sẽ bàn bạc với ông Dương Khiết Trì về vai trò “rất quan trọng” của Trung Quốc trong việc gây sức ép lên Bình Nhưỡng trong cuộc họp này.
Thủ tướng Shinzo Abe cũng nêu vấn đề Triều Tiên khi hội kiến với ông Dương Khiết Trì. Câu chuyện này còn được tiếp tục đưa ra bàn bạc khi ông gặp Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề cuộc họp G-20 tại Đức tháng Bảy tới.
Chuyến công du Nhật Bản của ông Dương Khiết Trì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hội nghị thượng đỉnh Tập Cận Bình – Shinzo Abe. Mặc dù có tranh chấp lãnh thổ và các vấn đề lịch sử, Trung Quốc và Nhật Bản ngày càng tăng thêm sự đồng thuận trong vấn đề Triều Tiên.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vẫn luôn có lối nói chung chung: về Bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc luôn chủ trương giải quyết các vấn đề thông qua biện pháp hòa bình. Nó bao gồm đàm phán và đối thoại trên cơ sở thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Quân sự không bao giờ là một giải pháp có thể giải quyết được vấn đề, nó chỉ mang lại những rắc rối lớn hơn, thậm chí là hậu quả nghiêm trọng. Cho dù trong quá khứ hay tương lai, giải pháp quân sự không bao giờ nên là lựa chọn đối với bất cứ quốc gia nào. Trung Quốc và Nga đã đạt được sự nhất trí cao trong vấn đề này.
Như vậy, giữa Bắc Kinh và Moscow đã có sự thỏa thuận, bằng mọi giá không để nổ ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên và phải giải quyết vấn đề thông qua đàm phán.
Tương lai bán đảo Triều Tiên nói chung, Bình Nhưỡng nói riêng đang nằm trên bàn mặc cả giữa 3 siêu cường thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Mỹ chưa muốn giải quyết triệt để vấn đề Triều Tiên vì còn có nhiều giá trị lợi dụng, Trung Quốc và Nga có lẽ cũng thế, không khác.
Một thành công của Trung Quốc khi sử dụng con bài Triều Tiên chính là việc đổi lấy sự im lặng của chính quyền mới tại Hoa Kỳ trên Biển Đông suốt mấy tháng qua. Khi nào Biển Đông căng thẳng và cần phân tán sự chú ý cũng như binh – hỏa lực của Hoa Kỳ, với Trung Quốc có lẽ không gì tốt bằng nước cờ Triều Tiên.
Đây có lẽ là lý do chủ yếu khiến Trung Quốc vẫn sẽ tìm cách hà hơi tiếp sức cho láng giềng, dù có bị chính Triều Tiên công khai chỉ trích. Sau khi xây xong 7 đảo nhân tạo và quân sự hóa bất hợp pháp ở Biển Đông, Trung Quốc vẫn còn nhiều toan tính và kế hoạch cho tương lai.
Gần đây người ta thấy truyền thông Trung Quốc nói nhiều đến “khai thác” Biển Đông, từ khai thác băng cháy cho đến lắp đặt hệ thống quan trắc, thu thập thông tin (tình báo) đáy biển.
Tam cường “ràng” chiến lược, Triều Tiên khó thoát thân
Mối quan hệ giữa 3 siêu cường Mỹ – Trung – Nga vừa hợp tác, vừa cạnh tranh lẫn nhau. Họ có thể là đối thủ của nhau trong vấn đề này, nhưng lại là đối tác của nhau trong vấn đề khác. Lợi ích chính là động lực đằng sau của mọi hợp tác và cạnh tranh.
Cả 5 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đều có vũ khí hạt nhân. 3 nước Mỹ – Nga – Trung theo thứ tự là những nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, thu về hàng trăm tỉ USD.
Những điểm nóng, xung đột toàn cầu hiện nay gần như đều có bóng dáng của 3 quốc gia này, nếu không phải đang trong hiện tại thì cũng đã từng trong quá khứ. Nếu thế giới đều hòa bình và không còn xung đột, vũ khí Mỹ – Nga – Trung sẽ đi về đâu?
Cho nên, những mâu thuẫn quốc tế nhân danh công lý, những liên minh liên kết chống khủng bố hay những cuộc trừng phạt lẫn nhau giữa các siêu cường, hầu như đều có liên quan đến lợi ích kinh tế, trong đó có lợi ích từ bán vũ khí.
Nói cách khác, khi 3 siêu cường Washington – Moscow – Bắc Kinh liên thủ với nhau, thì dù Triều Tiên có tiếp tục theo đuổi kế hoạch phát triển tên lửa đạn đạo hay vũ khí hạt nhân, vẫn không thoát khỏi “bàn tay Mỹ – Trung – Nga”.
Đấy là lý do tại sao Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói rằng, vũ khí Triều Tiên đe dọa cả Nga – Trung chứ đâu riêng Mỹ – Nhật – Hàn?
Điều này cũng giúp lý giải tại sao Ngoại trưởng Nga Lavrov dẫn cảnh báo của tướng James Mattis về hậu quả thảm khốc nếu chiến tranh nổ ra trên bán đảo. Có lẽ hiện nay, cả Mỹ – Trung – Nga đều không muốn chiến tranh xảy ra ở Triều Tiên hay xảy ra chiến tranh với nhau vì Triều Tiên.
Muốn thoát khỏi bế tắc này và tránh ngày càng lún sâu vào vòng xoáy bàn cờ chiến lược của tam cường ở Đông Bắc Á, với Triều Tiên không có cách nào khác ngoài việc mở cửa hội nhập, phát triển kinh tế, hòa bình, hòa giải và hòa hợp dân tộc.
Sức mạnh quân sự Triều Tiên hiện nay có lẽ đã đủ đảm bảo cho sự an toàn của chế độ trước nguy cơ tấn công quân sự từ bên ngoài trong một cuộc chiến tranh quy ước.
Còn phát triển kinh tế, nâng cao nội lực và vị thế đối ngoại mới thực sự là kế sách lâu dài.
Quá tập trung vào việc theo đuổi các mục tiêu quân sự như hiện nay để ngày càng bị cô lập, đương nhiên sẽ khó tránh khỏi sự tụt hậu ngày càng xa về kinh tế.
Mọi sự hà hơi tiếp sức chỉ có thể giúp Triều Tiên duy trì, chứ không thể phát triển cường thịnh.
Bất chấp những căng thẳng, Bình Nhưỡng và Washington vẫn duy trì liên lạc và đối thoại. Chỉ có điều càng kéo dài tình trạng hiện nay, bất lợi càng nghiêng về Bình Nhưỡng.
Một bước đột phá về đối thoại là điều cần thiết và có thể mở ra một tương lai mới không chỉ cho miền Bắc bán đảo, mà cho cả dân tộc Triều Tiên.
Bởi kẻ thù lớn nhất, khó vượt qua nhất chính là những rào cản định kiến ngay từ trong nhận thức, khiến mình đánh giá sai tình hình, đánh mất đi cơ hội, tạo thêm kẻ thù.