Wednesday, December 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiÔng Moon Jae-in thực sự bị "qua mặt" vụ triển khai THAAD...

Ông Moon Jae-in thực sự bị “qua mặt” vụ triển khai THAAD hay là một màn dàn dựng tinh tế?

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc mới đây bị cáo buộc “cố tình” không đề cập thông tin việc triển khai thêm 4 dàn phóng THAAD khi báo cáo với Tổng thống Moon Jae-in.

Các container được cho là chứa trang thiết bị liên quan đến THAAD, được đặt tại sân golf ở Seongju, phía Đông Nam thủ đô Seoul, Hàn Quốc (Ảnh: EPA)

Không lâu sau khi tân tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ra lệnh tiến hành điều tra việc không được thông tin về 4 dàn phóng thuộc Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ triển khai trên lãnh thổ nước này, Nhà Xanh cho biết Bộ Quốc phòng nước này đã cố tình không báo cáo đầy đủ cho tổng thống.

Trong dự thảo báo cáo đầu tiên có liệt kê đầy đủ, nhưng trong báo cáo trình ông Moon thì phần liên quan lại bị loại bỏ.

Theo thông tin chính thức đã được công bố thì Mỹ đã triển khai hai dàn phóng tên lửa THAAD. Trên thực tế, 6 dàn đã được triển khai. Để có thể hoạt động được, hệ thống THAAD bao gồm ít nhất từ 6 đến 8 dàn phóng, mỗi dàn có 8 quả tên lửa.

Mỹ và Hàn Quốc – từ thời chính phủ cũ ở cả hai nước – đã thỏa thuận triển khai hệ thống vũ khí hiện đại này từ năm ngoái sau khi Triều Tiên tiếp tục liên tục phóng tên lửa và lại thử hạt nhân.

Khi ấy, ở Hàn Quốc chưa bùng phát cuộc khủng hoảng chính trị quyền lực dẫn đến kết cục là tổng thống Park Geun-hye bị phế truất. Cuộc bầu cử tổng thống trước thời hạn được tiến hành hôm 9/5 vừa qua và ông Moon Jae-in đắc cử, chính thức nhậm chức 1 ngày sau đó.

Thật khó tin khi 4 dàn phóng với 32 quả tên lửa được triển khai mà Nhà Xanh không hay biết, bởi việc bố trí THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc không phải là bí mật quân sự, mà được công khai.

Công khai lại còn là một trong những mục đích của Mỹ và Hàn Quốc vì như thế vừa có được tác động cảnh báo nhằm vào Triều Tiên mà chưa cần phải phóng đi quả tên lửa nào, lại vừa bớt khó xử với Trung Quốc và Nga, đồng thời có thể tỏ ra minh bạch trước dân chúng ở xứ Hàn.

Việc triển khai lá chắn tên lửa được bắt đầu từ thời bà Park Geun-hye, cho nên tổng thống mới không thể biết rõ ngọn ngành đầy đủ, mà chỉ biết ở chừng mực được phía Mỹ và Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết.

Ông Moon Jae-in đã khai thác tối đa tác động nhạy cảm về chính trị nội bộ của chuyện này trong vận động tranh cử, cụ thể là cam kết sẽ xem xét lại toàn bộ vụ việc. Ông hiểu rất rõ rằng cho dù có theo đuổi chính sách mới nào đối với Triều Tiên, kể cả chính sách Ánh dương khi xưa hay chính sách khác, thì Hàn Quốc cũng vẫn phải dựa vào Mỹ để đảm bảo an ninh và đối phó với chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Hai giả thuyết vụ ông Moon bị Bộ quốc phòng “qua mặt”

THAAD là vũ khí sách lược đắc dụng với tác động tâm lý và ý nghĩa chính trị rất lớn. Làm gì có chuyện ông Moon Jae-in chủ trương hủy bỏ thỏa thuận với Mỹ về THAAD. Nhưng cam kết xem xét lại, minh bạch hóa vụ việc và chứng tỏ pháp luật Hàn Quốc được tuân thủ thì sẽ xoa dịu được lo ngại của cử tri và hạn chế được sự phản đối từ Trung Quốc và Nga.

Cho nên ở đây chỉ có thể là một trong hai khả năng. Khả năng thứ nhất là giới quân sự ở Hàn Quốc không cho vị tổng thống mới biết toàn bộ sự thật và đã tạo sự đã rồi từ trước khi ông đắc cử và chính thức nhậm chức.

Họ lo ngại ông Moon Jae-in đắc cử tổng thống sẽ lật ngược thỏa thuận với Mỹ về THAAD. Họ có thể bưng bít thông tin vì ông Moon hiện vẫn sử dụng toàn bộ nhân sự của chính quyền tiền nhiệm, tức là toàn bộ đội ngũ trong các cơ quan chính phủ của bà Park Geun-hye, trong khi tổng thống mới và tổng thống cũ đâu có cùng đảng phái hay phe cánh chính trị ở Hàn Quốc.

Nếu đúng như vậy thì thật chẳng hay ho chút nào, thậm chí cả nguy hiểm nữa đối với ông Moon Jae-in, có nghĩa là tổng thống không kiểm soát được và không thể tin được giới quân sự trong khi lẽ ra phải kiểm soát được hoàn toàn và phải tin cậy hoàn toàn giới quân sự.

Nếu bị giới quân sự qua mặt thì tổng thống không thể vận hành được theo ý mình trong cả mối quan hệ của Hàn Quốc với Mỹ lẫn với Triều Tiên và Trung Quốc.

Khả năng thứ hai là ông Moon Jae-in biết nhưng làm như không được thông báo cho biết. Việc Bộ Quốc phòng nước này lúc đầu dự thảo đầy đủ, nhưng khi gửi báo cáo cuối cùng lên tổng thống lại loại bỏ thông tin về 4 dàn phóng, tạo cảm nhận như một màn kịch được dàn dựng để giúp tổng thống có động tác nhằm trúng tâm lý dân chúng và bớt khó xử với Trung Quốc, hay nói cho đúng hơn là để Trung Quốc không có cớ tiếp tục làm găng với Hàn Quốc về THAAD.

Theo giả thuyết này, việc giả vờ là có lợi cho ông Moon. Tình hình chính trị an ninh ở bán đảo tiếp tục diễn biến theo chiều hướng hiện tại thì vai trò của THAAD sẽ ngày càng quan trọng cả về chiến lược lẫn sách lược đối với Mỹ và Hàn Quốc.

Vì vậy, không có gì là khó hiểu và cũng chẳng hề bất ngờ gì khi tổng thống đã nhanh chóng khẳng định là không thay đổi thỏa thuận về THAAD đã ký với Washington.

RELATED ARTICLES

Tin mới