Saturday, November 16, 2024
Trang chủBiển nóng20 năm xây dựng lá chắn phòng thủ tên lửa trên đất...

20 năm xây dựng lá chắn phòng thủ tên lửa trên đất Mỹ

Hệ thống phòng thủ giai đoạn giữa trên mặt đất (GMD) được Mỹ phát triển từ năm 1997 nhằm vô hiệu hóa mối đe dọa tên lửa đạn đạo từ ngoài không gian.

Lầu Năm Góc ngày 30/5 lần đầu tiên thử nghiệm thành công một tên lửa đánh chặn tầm xa trên Thái Bình Dương, trong một nỗ lực nhằm đối phó với nguy cơ Triều Tiên sở hữu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).

Quả tên lửa đánh chặn này là một phần của Hệ thống phòng thủ giai đoạn giữa trên mặt đất (GMD), lá chắn cuối cùng bảo vệ Mỹ trước mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo đối phương. Vụ thử nghiệm được coi là một bước ngoặt quan trọng trong quá trình 20 năm Lầu Năm Góc xây dựng lá chắn tên lửa này, theo Missile Threat.

Tháng 4/1997, Tổ chức Phòng thủ Tên lửa Đạn đạo (BMDO) thành lập Phòng Chương trình Liên quân để phát triển hệ thống Phòng thủ Tên lửa Quốc gia (NMD), với mục tiêu tiến hành vụ thử nghiệm đầu tiên vào năm 1999 và đưa vào triển khai tác chiến trong năm 2003. Đây được coi là khởi đầu của lá chắn phòng thủ toàn cầu Mỹ hiện nay.

Lần thử nghiệm đầu đạn đánh chặn phóng từ mặt đất đầu tiên được thực hiện vào năm 1997, nhưng tới hai năm sau, cuộc đánh chặn thành công đầu tiên mới diễn ra.

Đến năm 2002, Lầu Năm Góc quyết định đổi tên NMD thành GMD để phân biệt với các hệ thống khác của Bộ Quốc phòng Mỹ. Dự án này được Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ (MDA) quản lý, còn quá trình vận hành do lục quân Mỹ đảm nhiệm với sự hỗ trợ từ không quân. 

GMD đóng vai trò chính trong chiến lược phòng thủ tên lửa của Mỹ, chuyên đánh chặn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mang đầu đạn hạt nhân, hóa học, sinh học và thông thường khi chúng đang trong không gian.

Cấu trúc của GMD bao gồm hệ thống đánh chặn phóng từ mặt đất (GBI), các thiết bị hỗ trợ dưới mặt đất và tổ hợp điều khiển hỏa lực.

GBI là tên lửa đẩy nhiên liệu rắn nhiều tầng được trang bị đầu đạn đánh chặn ngoài khí quyển (EKV). Sau khi phóng, tên lửa đẩy sẽ đưa EKV tiếp cận đầu đạn của tên lửa đạn đạo đối phương đang bay tới.

Ở giai đoạn này, EKV tách khỏi tên lửa đẩy, sử dụng dữ liệu từ cảm biến tích hợp và hệ thống dẫn bắn mặt đất để xác định mục tiêu rồi lao thẳng vào đầu đạn ICBM đối phương theo cơ chế va chạm để tiêu diệt. Động năng từ vụ va chạm sẽ phá hủy đầu đạn ICBM đối phương ngoài khí quyển Trái Đất.

Tổ hợp điều khiển hỏa lực và hỗ trợ bao gồm các trạm chỉ huy, cơ sở hạ tầng hỗ trợ phóng đạn và mạng lưới thông tin liên lạc. Trung tâm điều khiển hỏa lực (GFC) nhận dữ liệu từ vệ tinh và radar mặt đất, sau đó chuyển tham số mục tiêu cho GBI, dẫn đường cho đầu đạn đánh chặn. GFC cũng có thể tăng cường khả năng nhận định tình hình nhờ yếu tố chỉ huy, kiểm soát chiến đấu và liên lạc.

Lầu Năm Góc ban đầu dự tính chương trình GMD tiêu tốn khoảng 30,7 tỷ USD ngân sách quốc phòng. Tới năm 2013, con số này tăng lên mức 40,9 tỷ USD. Từ đó tới nay, GMD ngốn thêm khoảng 4,4 tỷ USD từ ngân sách quốc phòng Mỹ.

Lá chắn GMD của Mỹ hiện sở hữu 36 tên lửa đánh chặn, trong đó 32 quả đặt ở căn cứ Greely, Alaska, 4 quả còn lại bảo vệ căn cứ không quân Vandenberg, California. Lầu Năm Góc dự kiến tăng số lượng tổ hợp đánh chặn của GMD lên 44 vào cuối năm nay.

Trong hai thập kỷ phát triển GMD, Mỹ đã tiến hành tổng cộng 18 vụ thử nghiệm, trong đó có 10 lần thành công, đạt tỷ lệ tiêu diệt mục tiêu 55%. Nhiều chuyên gia quân sự Mỹ cho rằng đây là tỷ lệ đánh chặn quá thấp, không thể bảo vệ nước Mỹ trước mối đe dọa từ ICBM, đặc biệt là tên lửa của Triều Tiên.

Tuy nhiên, các tướng lĩnh Mỹ khẳng định GMD vẫn đang phát triển theo quá trình hình thành của mối đe dọa từ ICBM Triều Tiên, tuyên bố đây sẽ là lá chắn hữu hiệu nhất bảo vệ nước Mỹ trước bất cứ vụ tấn công bằng tên lửa đạn đạo nào.

RELATED ARTICLES

Tin mới