Giới chuyên gia vừa đưa ra đáp án cho câu hỏi “Trung Quốc lập hệ thống giám sát ở Biển Đông giá 292 triệu USD với mục đích gì?”.
Trung Quốc giám sát đáy biển vì mục đích khoa học?
Theo báo Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) ngày 31/5 đưa tin cho biết, các nhà chức trách Trung Quốc đã thông qua kế hoạch lập hệ thống giám sát tình hình ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, nhằm phục vụ trong lĩnh vực “nghiên cứu khoa học”.
Theo đó, Trung Quốc sẽ đầu tư 2 tỷ nhân dân tệ (khoảng 292 triệu USD) cho việc xây dựng mạng lưới cho phép có thể theo dõi và cung cấp hình ảnh dưới đáy biển và trên mặt nước ở định dạng HD, trong mọi điều kiện thời tiết và trong thời gian thực tế.
Theo Global Times, nền tảng này sẽ cho phép các nhà khoa học thu thập dữ liệu về tình hình môi trường và sự phát triển của thực vật và động vật trong khu vực Biển Đông. Trung tâm thu thập và phân tích thông tin cho hệ thống sẽ được đặt tại Thượng Hải.
Theo tuyên bố của một số chuyên gia quân sự nước ngoài và ngay cả Trung Quốc, cơ sở hạ tầng được xây dựng phục vụ cho mục đích dân dụng này cũng có thể được sử dụng cho các mục đích quân sự.
Tuy nhiên, một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cho rằng, hệ thống thiết bị dưới nước này liên quan với sự phát triển cơ sở hạ tầng quân sự và xuất phát từ vị trí địa lý cực kỳ quan trọng của Biển Đông và biển Hoa Đông, hệ thống sẽ được quân đội tăng cường sử dụng.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời nhà phân tích quân sự Trung Quốc Lý Kiệt cho rằng, giới quân sự nước này hoàn toàn có thể sử dụng các hệ thống có khả năng thu thập thông tin đáy biển phạm vi xa, độ nét cao này trong nhiệm vụ phòng chống xâm nhập
“… nếu các tàu ngầm và tàu lặn nước ngoài tiếp cận vùng biển của Trung Quốc, Trung Quốc sẽ buộc phải sử dụng thông tin từ hệ thống dưới nước để xác định, theo dõi, và thậm chí đuổi các thiết bị đó để bảo vệ an ninh lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và chủ quyền quốc gia của mình” – Lý Kiệt nói.
Ngoài ra, trong thời gian qua Trung Quốc cũng trang bị trái phép cho các đảo ở Quần đảo Trường Sa mà nước này xâm chiếm trái phép của Việt Nam, các tổ hợp súng phóng lựu để phòng chống người nhái xâm nhập.
Do đó, rất có thể Bắc Kinh cũng sẽ sử dụng các thông tin thu thập được qua các hệ thống giám sát tình hình dưới đáy biển để phục vụ mục đích chống xâm nhập cho các lực lượng Trung Quốc đồn trú trên các đảo mà nước này chiếm đóng trái phép ở Trường Sa.
Hồi giữa năm 2016, Trung Quốc cũng công khai một kế hoạch có tính chất tương tự là lập các trạm nghiên cứu khoa học đặt ở độ sâu 3000m dưới đáy biển và rải các các phao “cảnh báo sóng thần” dưới đáy Biển Đông, nhưng thực chất là các hệ thống phát hiện tàu ngầm.
Thực chất là hệ thống săn tàu ngầm?
Theo các nhà phân tích của tạp chí quốc phòng IHS Jane’s, đây thực chất là kế hoạch mang tên “Vạn Lý Trường Thành dưới đáy biển”, xây dựng một mạng lưới các thiết bị cảm biến dưới đáy biển, để phát hiện tàu ngầm của các nước hoạt động ở Biển Đông.
Hệ thống này nằm trong khuôn khổ một kế hoạch tuyệt mật mang mật danh “Kế hoạch 861” trong “Chiến lược hải dương quốc gia”, nhằm phát triển các công nghệ giám sát biển, mà trọng tâm của nó là trinh sát, phát hiện và giám sát tàu ngầm, được Trung Quốc bắt tay thực hiện vào năm 1996.
Theo giới truyền thông, Trung Quốc đã lợi dụng một cuộc tập trận đổ bộ lập thể được tổ chức từ ngày 22 đến 31/7/2015 để thực hiện việc rải hệ thống thiết bị ngầm dưới đáy biển dưới đáy Biển Đông.
Trái tim của mạng lưới này là “Hệ thống phát hiện, đo đạc âm thanh dưới nước mạng lưới cáp quang ven bờ”, hay còn gọi là “Hệ thống kiểm tra, phân tích, đánh giá âm thanh dưới nước”, bao gồm hàng nghìn, hàng vạn sonar thu nhận sóng âm dưới đáy biển.
Hệ thống dạng này bao gồm hàng nghìn thiết bị thu nhận âm thanh dạng sonar được rải khắp 1 vùng biển hay các vùng biển trên thế giới, được liên kết bởi hệ thống cáp điện hay cáp quang.
Bất cứ một âm thanh nào lọt vào khu vực phủ sóng của chúng đều sẽ được thu nhận, lọc và chuyển về trạm gốc. Đây là các trạm phân tích số liệu, với cơ sở dữ liệu âm thanh của nhiều loại tàu ngầm khác nhau, tại các vùng biển khác nhau.
Căn cứ vào thời gian và vị trí truyền tín hiệu về, các trạm này sẽ phân tích, so sánh mẫu và xác định nguồn âm thanh, vị trí và cự ly của chúng tới thiết bị cảm biến.
Mô hình hệ thống săn tàu ngầm dưới đáy biển của Trung Quốc |
Sau khi đã xác định đúng âm thanh hoặc là những xung động từ chân vịt, động cơ… của tàu ngầm, các trạm này sẽ truyền dẫn số liệu đến trung tâm điều phối để chỉ huy, điều động phương tiện săn ngầm phù hợp nhanh chóng đến khu vực đó, bắt tàu ngầm “phải hiện nguyên hình”.
Trung Quốc sẽ thành lập một mạng lưới trinh sát, giám sát trên không, trên biển và trên đất liền, lấy hệ thống giám sát đáy biển làm nòng cốt, cùng với các vệ tinh trinh sát, đo đạc và trạm tiếp nhận thông tin vệ tinh trên mặt đất, bao trùm toàn bộ cả các vùng biển sâu.
Hiện nay, Trung Quốc có thừa khả năng để thực hiện điều này với các tàu lặn siêu sâu như Giao Long (lặn sâu tới 7000m). Trong khi đó, với độ sâu tới 3000m, các nước quanh Biển Đông không có bất cứ phương tiên nào để theo dõi, giám sát xem Trung Quốc đang làm gì.
Do đó, nước này sẽ ung dung triển khai các hệ thống cảm biến tàu ngầm núp dưới danh nghĩa nghiên cứu khoa học mà không ai làm gì được.
Đây là điều mà các nước Đông Nam Á và cộng đồng quốc tế hế sức lo ngại bởi Bắc Kinh đã lợi dụng danh nghĩa nghiên cứu khoa học để kiểm soát Biển Đông.
Do đó, rất có thể dự án “giám sát đáy Biển Đông phục vụ nghiên cứu khoa học” có thể cũng sẽ được sử dụng cho mục đích này, nhằm tăng cường khả năng trinh sát, phát hiện tàu ngầm của các nước hoạt động trong vùng biển huyết mạch của khu vực và thế giới.