Sunday, November 17, 2024
Trang chủĐiểm tinHai siêu cường quân sự chung lập trường ở Biển Đông

Hai siêu cường quân sự chung lập trường ở Biển Đông

Hai siêu cường quân sự hàng đầu thế giới – Mỹ và Ấn Độ vừa thể hiện lập trường chung trong vấn đề Biển Đông. Điều này đã khiến Trung Quốc lo ngại.

Ảnh minh họa.

Tại cuộc Đối thoại Shangri-La diễn ra ở Singapore hồi cuối tuần vừa rồi, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã tiếp tục lên tiếng ủng hộ cho tự do hàng hải ở khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Trước đó, Ấn Độ cũng đưa ra lập trường tương tự. Giới chuyên gia Trung Quốc ngay lập tức phản pháo, nói rằng tự do hàng hải nên được duy trì trên khắp thế giới chứ không chỉ riêng Biển Đông.

Lập trường mà Tướng Mattis đưa ra tại cuộc Đối thoại Shangri-La – một diễn đàn an ninh thường niên quan trọng của Châu Á, giống với lập trường mà Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi từng tuyên bố. Ông Modi miêu tả các tuyến đường biển ở Biển Đông chiến lược là “những con đường huyết mạch chính” cho giao dịch thương mại toàn cầu. Vì thế, tự do hàng hải và tôn trọng luật quốc tế ở khu vực này cần phải được duy trì.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á lần thứ 11 hồi tháng 9 năm ngoái, Thủ tướng Modi đã nói, “việc đe dọa hay sử dụng vũ lực” để giải quyết tranh chấp trong khu vực sẽ làm phức tạp vấn đề, gây ảnh hưởng đến hòa bình và sự ổn định.

Hồi cuối tuần vừa rồi, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis đã nhấn mạnh: “Tôn trọng sự tự do hàng hải và tuân thủ luật pháp quốc tế là điều vô cùng quan trọng đối với hòa bình và sự tăng trưởng kinh tế trong môi trường địa lý liên kết nhau giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương”.

“Mỹ không thể chấp nhận các hành động của Trung Quốc xâm phạm đến lợi ích của cộng đồng quốc tế, làm phương hại đến trật tự dựa vào pháp quyền – một trật tự đang làm lợi cho tất cả các nước đang có mặt tại đây ngày hôm nay, trong đó có Trung Quốc”, ông Mattis đã phát biểu như vậy trước 500 đại biểu tham dự Đối thoại Shangri-La – một diễn đàn tập trung vào các vấn đề an ninh và quốc phòng trong khu vực.

Phản ứng trước những phát biểu trên, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, những gì ông Mattis nói thể hiện “sự vô trách nhiệm”. Trung Quốc tiếp tục khẳng định chủ quyền ở Biển Đông dựa trên yêu sách không được cộng đồng quốc tế chấp nhận.

Giới chuyên gia Trung Quốc cũng lên tiếng phản pháo lập trường của Mỹ và Ấn Độ trong vấn đề Biển Đông.

“Trung Quốc ủng hộ sự tự do hàng hải trên tất cả các khu vực biển và đại dương của thế giới chứ không giới hạn ở Biển Đông. Trên thực tế, chúng tôi phải bảo vệ sự tự do hàng hải ở Biển Đông bởi điều đó là vì lợi ích của chúng tôi. Trung Quốc là nước có giao dịch thương mại lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, sự tự do hàng hải không nên được xem là tương đồng với các quyền lợi kinh tế ở các khu vực đặc quyền kinh tế”, ông Long Xingchun, một giáo sư ở trường Đại học China West Normal ở Nanchong, tỉnh Sichuan, đã nói như vậy.

Ở Biển Đông, Trung Quốc đang có tranh chấp với 4 nước láng giềng gồm Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Vùng lãnh thổ Đài Loan.  Đường 9 đoạn, nhiều lúc được gọi thành “đường 10 đoạn” hay là “đường 11 đoạn”, là yêu sách mà Trung Quốc dựa vào đó để đòi chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông chiến lược và giàu tài nguyên. Nhiều khu vực nằm trong bản đồ đường 9 đoạn phi lý của Trung Quốc cách xa nơi gần nhất thuộc đại lục Trung Quốc đến cả hơn 1.000km và nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng. Chính vì thế, đường 9 đoạn của Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của cộng đồng quốc tế.

Mỹ đang thực hiện chiến dịch tự do hàng hải để thách thức đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Hoạt động này của Mỹ được nhiều nước ủng hộ nhưng vấp phải phản ứng dữ dội của Trung Quốc.

Biển Đông được xem là một trong những những điểm nóng nhất ở Châu Á hiện giờ. Các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở đây mang theo nguy cơ có thể vượt ra khỏi tầm kiểm soát bất kỳ lúc nào, và có thể leo thang thành xung đột.

RELATED ARTICLES

Tin mới