Saturday, November 16, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiKhả năng tên lửa của Triều Tiên vẫn chỉ là sách vở?

Khả năng tên lửa của Triều Tiên vẫn chỉ là sách vở?

Việc Triều Tiên phóng thử một tên lửa tầm ngắn, hoặc tầm trung về phía biển Nhật Bản không có nghĩa là tên lửa của Bình Nhưỡng đã đủ khả năng vươn tới khu vực tây bán cầu mà cụ thể là Mỹ.

Truyền thông Hàn Quốc đưa tin về một vụ phóng thử tên lửa từ tàu ngầm của Triều Tiên.

Chia sẻ với tạp chí National Interest, Phó Giáo sư chuyên ngành các mối quan hệ quốc tế tại Đại học quốc gia Pusan ở Hàn Quốc, ông Robert E. Kelly nhận định, chính phủ phương Tây lại một lần nữa phóng đại mối đe dọa từ lực lượng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên nhất là sau khi Bình Nhưỡng cho phóng thử tên lửa Hwasong-12 hôm 14/5.

Nỗi lo sợ về sức mạnh tấn công từ tên lửa Triều Tiên không chỉ khiến giới chức phương Tây quan ngại mà ngay cả Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte từng nhận định hồi đầu năm nay rằng, nhà lãnh đạo Kim Jong-un “muốn xóa sổ cả thế giới”. 

Nhà phân tích David Wright thuộc Chương trình An ninh toàn cầu và Markus Schiller thuộc công ty tư vấn ST Analytics ở Đức cho rằng, tên lửa Triều Tiên chỉ mất vài phút đã có thể vươn tới các mục tiêu ở Nhật Bản và 30 phút để tấn công Mỹ. Trong đó, tên lửa Hwasong-12 mà Triều Tiên cho phóng thử hôm 14/5 được cho có tầm bắn khoảng 4.500 km. Với tầm bắn này, chỉ mất 15 phút, Hwasong-12 hoàn toàn có thể tấn công các mục tiêu ở đảo Guam, căn cứ quân sự chủ chốt của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Cũng theo ông Schiller, thời gian để tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) bay hết quãng đường dài 5.500 km là chưa đầy 20 phút. Do đó, nếu ICBM được phóng ở khoảng cách xa mục tiêu tấn công là 10.000 km, nó sẽ mất khoảng 30 phút để chạm đến mục tiêu. 

Tuy nhiên, theo ông Kelly, bang California của Mỹ cách Triều Tiên 5.500 km nhưng chưa một ai được tận mắt chứng kiến loại tên lửa nào của Triều Tiên có tầm bắn vươn xa như vậy. Còn quân đội Hàn Quốc xác nhận tên lửa Hwasong-12 mà Triều Tiên phóng hôm 14/5 chỉ là tên lửa tầm trung. Nói tóm lại, việc bắn một tên lửa tầm ngắn tới trung về phía biển Nhật Bản không có nghĩa là tên lửa Triều Tiên đã đủ khả năng vươn tới khu vực tây bán cầu.

Ông Kelly nhấn mạnh về cơ bản, công nghệ mà Triều Tiên ứng dụng trong chương trình phát triển tên lửa vẫn là công nghệ có từ thời Liên Xô cũ. Tuy nhiên, công nghệ này lại vấp phải vấn đề điều hướng. Trong thập niên 70, chính quyền Mỹ từng lo ngại về việc Liên Xô nhanh chóng mở rộng kho tên lửa. Nhưng mối lo này được giải tỏa khi giới chức quân sự Mỹ cho biết phần lớn tên lửa của Liên Xô đều không thể bắn chính xác mục tiêu.

Trở ngại trong quá trình phát triển ICBM với Triều Tiên không chỉ nằm ở việc quốc gia này phải phát triển một loại động cơ đủ mạnh để đẩy tên lửa vượt quãng đường xa tới tây bán cầu mà còn cả độ chính xác tấn công của tên lửa. Ví dụ, nếu muốn tấn công một thành phố của Mỹ ở dãy núi Rocky, Triều Tiên cần phân tích thông tin và vi tính hóa. Đáng nói là hoạt động này cần phải thông qua một hệ thống liên kết chính trị. Trong khi đó, Triều Tiên lại đang phải đối mặt với hàng loạt lệnh trừng phạt còn công nghệ của Liên Xô mà nay là Nga đã có nhiều thay đổi. Điều đó có nghĩa là Triều Tiên đang phải tự khắc phục những điểm yếu của công nghệ tên lửa mà không có nước ngoài giúp đỡ.

Giới chuyên gia nước ngoài cũng chưa có thông tin nào cho thấy Triều Tiên đã giải quyết được vấn đề kỹ thuật và việc tên lửa Triều Tiên phóng vào các mục tiêu vô định trên biển là minh chứng rõ nhất. Đây chính là lý do Triều Tiên đang đặc biệt đầu tư vào chương trình phát triển tên lửa phóng từ tàu ngầm. Bởi tên lửa phóng từ tàu ngầm có tầm bắn ngắn hơn trong khi độ chính xác tấn công lại được cải thiện. 

Thực tế, Triều Tiên coi năng lực phòng thủ hạt nhân là cách tốt nhất để bảo đảm an ninh quốc gia. Bao vây bởi các đối thủ không ưa gì mình như Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như thi thoảng bị Mỹ đe dọa, Triều Tiên đã coi phát triển hạt nhân và tên lửa là lựa chọn chiến lược để vừa duy trì an ninh vừa đảm bảo chế độ cầm quyền. Nói cách khác, Triều Tiên xem mục tiêu phát triển hạt nhân và tên lửa là để “chống thù trong, giặc ngoài”. 

Một số chính trị gia hiếu chiến thì cho rằng Bình Nhưỡng có thể sử dụng vũ khí để ngăn kế hoạch thống nhất hai miền Triều Tiên. Còn theo ông Kelly, nếu Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến này, liên minh quân sự Mỹ – Hàn đủ năng lực để ngăn chặn. Ngay cả Bắc Kinh, đồng minh thân thiết của Bình Nhưỡng, cũng sẽ có hành động để ngăn chặn Triều Tiên dùng vũ khí hạt nhân bởi cuộc chiến này sẽ ảnh hưởng lớn tới an ninh khu vực biên giới Trung Quốc. Còn trên thực tế, Triều Tiên chỉ đơn giản muốn dùng vũ khí hạt nhân như một lựa chọn cuối cùng để tồn tại.

Theo ông Kelly, điều đó không có nghĩa là kế hoạch giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên bị trì trệ. Còn trong thời điểm hiện tại, kế hoạch này khó lòng thành công.

Còn Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã quen chung sống với mối đe dọa từ Triều Tiên suốt hàng thập niên qua. Về phần mình, sau khi trải qua cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba, Mỹ cũng đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm khi chung sống với việc vũ khí hạt nhân của Liên Xô và Trung Quốc có thể tấn công quốc gia này bất cứ lúc nào. Câu hỏi đặt ra hiện nay, liệu Mỹ có chấp nhận việc ICBM của Triều Tiên sẽ trở thành một trong những vấn đề địa chính trị lớn nhất mà quốc gia này phải đau đầu tìm cách giải quyết trong thập niên tới.

RELATED ARTICLES

Tin mới