Tuesday, January 14, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiMỹ từ bỏ vị trí số 1 thế giới, TQ đã sẵn...

Mỹ từ bỏ vị trí số 1 thế giới, TQ đã sẵn sàng đảm nhận?

Việc Mỹ rút khỏi Hiệp định khí hậu Paris đã tạo ra cả cơ hội và thách thức cho Trung Quốc trong tham vọng vươn lên giành vị trí số 1 thế giới.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos, Thụy Sĩ hồi tháng Một. 

Liệu Trung Quốc có thể thay thế Mỹ giữ vị thế số 1 thế giới? Đây là câu hỏi mà nhiều chuyên gia phân tích đặt ra sau khi Tổng thống Donald Trump quyết định rút tên Mỹ khỏi hiệp định Paris hôm 1/6.

“Hiện giờ dưới sự lãnh đạo của ông Trump, nước Mỹ đang từ bỏ nhiều trách nhiệm, liệu Trung Quốc có sẵn sàng và có đủ năng lực để nắm vai trò là người đứng đầu thế giới”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời Giáo sư Xiaoyu Pu tại Đại học Nevada Reno.

Cũng theo ông Pu, việc Mỹ rút tên khỏi Hiệp định Paris sẽ tạo thêm cơ hội để Trung Quốc nâng vị thế trên trường quốc tế song điều này đồng nghĩa với việc Bắc Kinh “sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn”. Ông Pu còn nhận định Trung Quốc hiện chưa sẵn sàng đảm nhận vị thế số 1 thế giới bởi điều này sẽ đặt lên vai Bắc Kinh nhiều trách nhiệm hơn nữa.

“Trung Quốc cần phải tính toán thận trọng giữa một bên là vị thế và một bên là trách nhiệm cũng như sự kỳ vọng giữa trong và ngoài nước”, ông Pu nói. 

Phần lớn các nhà phân tích cũng đồng tình với quan điểm rằng, quyết định không tham gia Hiệp định Paris của ông Trump sẽ làm ảnh hưởng tới uy tín và vị trí của một cường quốc như Mỹ. Ngoài ra, quyết định này còn tác động lớn tới mối quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh chủ chốt, đối tác thương mại và cả cơ hội kinh tế trong ngành năng lượng sạch với các quốc gia khác. Nói cách khác, quyết định của ông Trump sẽ đẩy Trung Quốc vào thế lấp đi khoảng trống số 1 thế giới mà Mỹ từ bỏ.

“Ông Donald Trump đã hoàn toàn nhường vị trí lãnh đạo của Mỹ trong các vấn đề chủ chốt liên quan tới thế giới cho Trung Quốc”, SCMP dẫn lời Giáo sư David Zweig tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong.

Còn theo Giáo sư Jessica Chen Weiss tại Đại học Cornell, quyết định từ bỏ Hiệp định Paris của Tổng thống Trump “chính là biểu tượng cho việc Mỹ từ bỏ vị trí số 1 thế giới và là món quà ngoại giao dành cho Trung Quốc”. Với Trung Quốc, tình trạng biến đổi khí hậu và môi trường thực sự là vấn đề đáng quan tâm.” “

Theo Hiệp định khí hậu Paris, Mỹ đồng ý cắt giảm 28% mức khí thải so với năm 2005 vào năm 2025. Đây là một trong nỗ lực toàn cầu nhằm giảm tình trạng khí hậu ngày càng ấm lên. Song theo ông Trump, việc làm này sẽ ảnh hưởng lớn tới ngành công nghiệp than và công ăn việc làm tại Mỹ. 

Về phần mình, vào năm 2007, Trung Quốc đã giành lấy vị trí là quốc gia phát thải khí nhà kính nhiều nhất từ Mỹ. Theo Hiệp định Paris, Trung Quốc sẽ giảm thiểu phát thải khí carbon từ năm 2030 và vào cuối năm 2030, 1/5 năng lượng mà nước này sử dụng sẽ không phải từ nguồn hóa thạch. 

Trái với quyết định từ bỏ Hiệp định Paris của Mỹ, Trung Quốc lại nhiều lần tái khẳng định cam kết thực thi kế hoạch cắt giảm khí phát thải nhà kính. Thậm chí, tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos, Thụy Sĩ hồi tháng Một, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình còn gọi Hiệp định Paris là “một thành tựu giành được một cách vô cùng khó khăn”. Theo đó, Trung Quốc đang nỗ lực cho đóng cửa các nhà máy điện đốt than và đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo. Cụ thể, Trung Quốc đã cho ngừng xây dựng 103 nhà máy điện đốt than mới đồng thời thông báo kế hoạch chi hơn 360 tỷ USD cho lĩnh vực năng lượng tái tạo cho tới cuối thập niên này.

Giới chuyên gia cho rằng tuyên bố từ bỏ Hiệp định Paris của ông Trump đã chứng minh Mỹ tình nguyện từ bỏ vị thế lãnh đạo thế giới đối với một trong những vấn đề nhận được sự ủng hộ từ các đồng minh châu Âu, trong khi lại tạo ra sức cạnh tranh ngày càng lớn ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng như với các nước đối đầu như Triều Tiên và Iran.

Cũng theo giới chuyên gia, việc ông Trump cho rằng Mỹ cần rút khỏi trường quốc tế trong nhiều lĩnh vực như thiết lập quy định đầu tư, thương mại và môi trường, đã tạo cơ hội cho Bắc Kinh mở rộng tầm ảnh hưởng. Việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris cũng khiến ngày càng có nhiều quốc gia nghiêng về phía Trung Quốc trong các vấn đề mang tính quốc tế cũng như ủng hộ các sáng kiến của Bắc Kinh.

Một trong những ví dụ điển hình cho thấy hàng loạt sáng kiến của Trung Quốc đã được cộng đồng quốc tế nhiệt liệt ủng hộ là “Diễn đàn Hợp tác kinh tế Một vành đai, một con đường” được Trung Quốc tổ chức hồi tháng trước. Một vài ví dụ khác như việc Trung Quốc cho ra đời Qũy Con đường Tơ lụa trị giá 40 tỷ USD vào năm 2013 hay Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) được hình thành vào tháng 10/2014 và Ngân hàng Phát triển mới trị giá 50 tỷ USD hồi tháng 7/2015. 

Ngoài ra, giới phân tích cho rằng sự rút lui của Mỹ còn là cơ hội để Trung Quốc tăng cường và mở rộng mối quan hệ với các đồng minh lớn của Washington ở châu Âu và nhiều khu vực khác. Đây được xem là món quà chiến lược lớn nhất mà Mỹ trao cho Trung Quốc kể từ khi Tổng thống Donald Trump thi hành chính sách đối ngoại cô lập và chính sách thương mại bảo hộ.

“Đầu tiên là vấn đề an ninh và giờ là khí hậu, các quốc gia châu Âu tự nhận thấy rằng, họ không còn thể dựa vào đối tác lâu đời là Mỹ và buộc chuyển sang hợp tác với Trung Quốc để thực thi các cam kết chống biến đổi khí hậu”, ông Zweig chia sẻ. 

RELATED ARTICLES

Tin mới