Friday, December 27, 2024
Trang chủĐiểm tinNhật Bản đối đầu TQ: Sức mạnh quân sự vượt trội

Nhật Bản đối đầu TQ: Sức mạnh quân sự vượt trội

Nhật Bản có đủ căn cứ sức mạnh trên cả 3 lĩnh vực kinh tế, khoa học kỹ thuật và quân sự trong cuộc đối đầu với một Trung Quốc đang lên.

Binh sĩ Nhật Bản không có bề ngoài “hầm hố” như một số nước.

Trong phần trước, các con số thực tế đã chỉ ra sức mạnh vượt trội nhưng rất âm thầm của Nhật Bản trong lĩnh vực kinh tế và khoa học kỹ thuật.

Về quân sự, người Nhật dường như cũng đang giấu mình. Họ ít khi khoa trương bằng lời nói cũng như các hoạt động bề nổi mà tập trung phát triển quân đội một cách thực chất, có chiều sâu.

Âm thầm phát triển 

Sau Thế chiến II, do sự phát triển của lực lượng quân sự Nhật Bản bị Mỹ kiểm soát chặt chẽ, sự ràng buộc của Hiến pháp hòa bình và chiến lược phát triển coi nhẹ quốc phòng, coi trọng kinh tế nên quân số trong lực lượng quân sự Nhật Bản tăng chậm.

Tuy nhiên, Nhật Bản đã thực hiện sách lược “gửi quân vào dân” để “lách luật” và phát triển nền quốc phòng độc đáo.

Số lượng binh lĩnh và sĩ quan tại ngũ của ba lực lượng phòng vệ Nhật Bản luôn duy trì ở mức trên dưới 250 nghìn.

Lực lượng phòng vệ trên đất liền của Nhật Bản được chia làm hai loại sư đoàn và lữ đoàn. Một loại là sư đoàn, lữ đoàn hiện đại ứng phó trong trường hợp khẩn cấp được trang bị vũ khí hạng nặng và coi trọng tính cơ động; một loại sư đoàn và lữ đoàn hiện đại tổng hợp có khả năng tác chiến đa dạng ứng phó với tình huống bị xung đột, tổng cộng có 15 sư đoàn và lữ đoàn, khoảng 148 nghìn người, triển khai ở 15 địa điểm thuộc 5 quân khu phân định theo khu vực.

Ngoài ra, lực lượng phòng vệ trên đất liền còn có đơn vị ứng phó tình trạng khẩn cấp trực thuộc trung ương. Đơn vị này có 910 xe chiến đấu, 950 xe bọc thép, 660 khẩu pháo, 500 máy bay…

Lực lượng phòng vệ trên biển có khoảng 44 nghìn người, do hạm đội tự vệ đảm nhận nhiệm vụ tác chiến cơ động và 5 tổ chức quân địa phương đảm nhiệm cảnh giới gần bờ, trang bị vũ khí chủ yếu bao gồm tàu hộ vệ, tàu ngầm, tàu tuần tra, tàu vận tải…, tàu huấn luyện, tàu tiếp viện…, tổng cộng có 151 tàu, lượng giãn nước 42 nghìn tấn, máy bay khoảng 310 chiếc.

Tàu có lượng giãn nước trên 5 nghìn tấn có tổng cộng 28 chiếc, trong đó có 4 tàu hộ vệ cho trực thăng lên xuống, thực tế là tàu sân bay hạng nhẹ: Kurama DDH-184, JS Hyuga (lượng giãn nước 13 nghìn tấn) và JS Ise (19 nghìn tấn), JS Izumo (lượng giãn nước 19,5 nghìn tấn, dài 248m, rộng 38m), hai tàu Kaga (27 nghìn tấn), có thể cho 14 máy bay trực thăng lên xuống.

Theo quy định của “Đại cương quy hoạch phòng vệ” được xây dựng tháng 12/2013, số tàu hộ vệ sẽ tăng từ 48 chiếc lên 54 chiếc, tàu ngầm từ 16 chiếc tăng lên 22 chiếc. Biên chế của Lực lượng phòng vệ trên không là 45 nghìn người, lực lượng tác chiến chủ yếu là 3 sư đoàn sở hữu 370 máy bay chiến đấu.

Kỹ thuật và sản xuất vũ khí của Nhật Bản tuy bị Mỹ kiểm soát nhưng do Nhật Bản thực hiện phương thức “gửi quân vào dân” nên không hề bị lơi lỏng phát triển, tiềm lực rất hùng hậu.

Người Nhật Bản cũng tự cho rằng năng lực kỹ thuật của họ trong lĩnh vực vũ khí cũng đứng vào hàng đầu thế giới: xe tăng (K74, K90 và K10), tên lửa (đất đối không tầm trung K3, không đối hạm K93) đều là sản phẩm nội địa.

Tàu chiến lắp đặt hệ thống phòng không FCS-3A cũng là do Nhật Bản chế tạo. Thân tàu chiến Aegis cũng là do Nhật Bản sản xuất, chỉ hệ thống vũ khí là nhập khẩu.

Ưu tiên tên lửa

Năm 2003, trong nhiệm kỳ hai của mình, Thủ tướng Koizumi đã quyết định mua Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo phiên bản Nhật Bản (BMD). Bắt đầu từ năm 2004, mỗi năm Nhật Bản tiêu tốn từ 100 – 200 tỷ yên để nghiên cứu và sản xuất hệ thống phòng thủ tên lửa.

Các thành tố của hệ thống đánh chặn trong hệ thống phòng thủ tên lửa (như biện pháp ngăn chặn, biện pháp trinh sát dẫn đường, biện pháp chỉ huy điều khiển, vận dụng pháp luật, tiếp nhận tin tức tình báo vệ tinh…) đã hoàn thành kết nối. Hiện nay, trong bối cảnh hợp tác chặt chẽ với Bộ Tư lệnh vũ trụ Bắc Mỹ của Mỹ, Nhật Bản đang nghiên cứu hệ thống phòng thủ với chức năng cao hơn.

Ban nghiên cứu kỹ thuật thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản lấy năm 2025 làm mục tiêu, tự nghiên cứu phát triển hệ thống cảnh báo sớm của nước này (hệ thống cảnh báo tên lửa). Hệ thống này có thể trinh sát nhanh chóng từ xa tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và máy bay chiến đấu tàng hình. Hệ thống này đã tích hợp kỹ thuật cảm biến sóng điện từ với cảm biến của tia hồng ngoại và có khả năng là của radar tự động tìm mục tiêu. 

Ngoài ra, Nhật Bản còn đang nghiên cứu hệ thống radar quản lý cảnh báo tự động mới – J/FPS 5 và hệ thống cảnh giới tự động của mạng lưới phòng thủ tên lửa JADGE, hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis để cho tàu Aegis BMD của Lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản sử dụng.

Phiên bản Nhật Bản của hệ thống vũ khí Aegis BMD 3.6 của quân đội Mỹ là BMD 3.6J, cũng đang trong quá trình nghiên cứu sản xuất. BMD 3.6J Aegis đã được lắp đặt vào 4 tàu hộ vệ Kongo. Khi có được kỹ thuật này, Nhật Bản chỉ cần 3 tàu chiến là có thể phòng thủ toàn bộ lãnh thổ nước này ngoại trừ nhiều đảo ở phía Tây Nam.

Một thành tố quan trọng trong hệ thống Aegis – tên lửa đánh chặn hạm đối không phóng từ tàu chiến SM-3 Block IIA cũng do Công ty Nichibei của Nhật Bản nghiên cứu thành công. Tên lửa này sẽ thay thế SM-3 Block IA, trang bị cho hệ thống vũ khí BMD 5.1 Aegis, đồng thời sẽ được triển khai sẵn sàng chiến đấu vào năm 2018.

Một tàu Aegis được lắp đặt BMD 5.1 và SM-3 Block IIA có thể bảo vệ toàn bộ các đảo ở Nhật Bản (ngoại trừ những đảo ở Tây Nam).

Vượt tầm khu vực

Phát triển một nền quốc phòng mạnh là đòi hỏi tất yếu của mỗi quốc gia trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, mỗi nước có hướng đi khác nhau, trong đó cách làm của Nhật Bản rất đáng để học hỏi bởi trên thực tế quốc gia này đã vượt khỏi tầm khu vực từ lâu, mặc dù thời gian qua mọi con mắt vẫn đổ dồn về phía Trung Quốc.

Nhật Bản từ lâu đã kết hợp cả trong và ngoài quân đội nghiên cứu kỹ thuật quân sự. “Quy hoạch cơ bản khoa học kỹ thuật lần thứ 5” mà Chính phủ Nhật Bản hiện nay đã bắt đầu thực hiện quy định rất nhiều nội dung bảo đảm an ninh quốc gia, thúc đẩy nghiên cứu kỹ thuật cần thiết.

Ngay từ năm 2015, Bộ Quốc phòng Nhật Bản bắt đầu thực hiện quy chế đẩy mạnh nghiên cứu kỹ thuật đảm bảo an ninh, phá vỡ ranh giới giữa quân đội và dân sự, muốn dồn toàn lực để phát triển kỹ thuật quân sự.

Theo báo chí Nhật Bản, tổng cộng có 44 công trình nghiên cứu về quân sự của các trường đại học, doanh nghiệp và cơ quan chính phủ đảm nhận với kinh phí 600 triệu yên, trong đó công trình của các trường đại học là 23, doanh nghiệp là 10, cơ quan nhà nước là 11, kinh phí được cấp trong năm 2017 tăng vọt lên 11 tỷ yên.

Coi trọng con đường tự cường nhưng Nhật Bản không bỏ qua tận dụng cơ hội từ tăng cường hợp tác quốc tế về kỹ thuật và sản phẩm quân sự. Ví dụ điển hình nhất trong những năm gần đây là việc Nhật Bản cùng với nhiều nước tham gia dự án nghiên cứu và sản xuất máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ năm F-35.

Nhật Bản cũng đang đẩy mạnh việc sử dụng các kỹ thuật hạt nhân, kỹ thuật vũ trụ…trong quân sự, đồng thời bắt đầu sử dụng cơ chế viện trợ phát triển (ODA) để thúc đẩy xuất khẩu vũ khí ra nước ngoài.

Giới chuyên gia cho rằng Nhật Bản có đủ năng lực để sản xuất vũ khí hạt nhân trong vòng 2 hoặc 3 tháng.

Báo cáo đánh giá “20 cường quốc quân sự hàng đầu thế giới” do Tập đoàn Credit Suisse Group AG của Thụy Sỹ công bố tháng 4/2016 cho thấy chỉ số tổng hợp về sức mạnh quân sự của Nhật Bản là 0,72, chỉ sau Mỹ, Nga và Trung Quốc.

Đó là chỉ số tổng hợp và trong trường hợp này, Trung Quốc có ưu thế vượt trội về lục quân với quân số khổng lồ nhưng hiệu quả tác chiến thực sự vẫn chưa được kiểm chứng. Nếu một cuộc đối đầu quân sự nổ ra, Nhật Bản được đánh giá cao hơn hẳn về hải quân.

Tháng 12/2016, giáo sư John Quin thuộc trường Đại học tham mưu và chỉ huy Mỹ (CGSC) bình luận về thực lực của các lực lượng phòng vệ Nhật Bản: “Cho dù là không quân hay hải quân, họ đều có sức mạnh chiến đấu để đối đầu với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, đặc biệt là Lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản chỉ đứng sau Mỹ”.

Bên cạnh đó, lực phòng không của Lực lượng phòng vệ trên không của Nhật Bản cũng chỉ đứng sau Mỹ và Israel.

RELATED ARTICLES

Tin mới