Tổng thống Donald Trump hoan nghênh hành động của các nước Ả Rập với Qatar, trong khi ngược lại Bộ Quốc phòng Mỹ đánh giá cao cam kết quân sự của Qatar với Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa) và Bộ trưởng Quốc phòng Saudi Arabia Mohammed bin Salman (trái) trong chuyến thăm Saudi Arabia tháng trước. Ảnh: REUTERS
Mỹ đã thể hiện rõ thái độ trong cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng ở thế giới Ả Rập. Ngày 6-6 (giờ Mỹ), Tổng thống Donald Trump đã có tuyên bố hoan nghênh hành động của các nước Trung Đông với Qatar, dù nước này là một đồng minh đặc biệt quan trọng với các quyền lợi ngoại giao và quân sự của Mỹ trong khu vực.
Trên Twitter, ông Trump xác định lý do các nước Ả Rập cắt quan hệ với Qatar là hệ quả từ bài phát biểu kêu gọi chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ông đưa ra trong khuông khổ chuyến công du tới Saudi Arabia vừa qua.
“Thật tốt khi nhìn thấy kết quả từ chuyến thăm Saudi Arabia. Họ đã nói họ sẽ cứng rắn với việc tài trợ khủng bố, và mọi chứng cứ đang nhắm tới Qatar. Có thể đó sẽ là bước khởi đầu cho sự kết thúc của nỗi kinh hoàng khủng bố” – ông Trump viết trên Twitter.
Ông Trump sau đó trong ngày đã điện đàm với Vua Salman của Saudi Arabia, nhấn mạnh sự cần thiết phải thống nhất vùng Vịnh.
“Thông điệp của ông ấy là chúng ta cần sự thống nhất trong khu vực để chiến đấu với tư tưởng cực đoan và tài trợ khủng bố. Quan trọng là vùng Vịnh phải thống nhất vì hòa bình và an ninh khu vực” – một quan chức cấp cao Nhà Trắng nói với Reuters.
Lời lẽ trên Twitter của ông Trump có vẻ mâu thuẫn với các ý kiến từ phía các quan chức Mỹ ngày 5-6 rằng Mỹ sẽ nỗ lực hòa giải Saudi Arabia và Qatar, vì Qatar bị cô lập sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến các quyền lợi quân sự và ngoại giao của Mỹ.
Qatar là nơi có Bộ chỉ huy Trung tâm của Mỹ (CENTCOM) chuyên trách các hoạt động quân sự khu vực Trung Đông và Trung Á. Đồng thời là nơi có căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông – căn cứ Al-Udeid nơi đang có khoảng 10.000 quân Mỹ. Căn cứ này là nơi xuất phát của các trận không kích tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria và Iraq.
Ngày 6-6, trong khi ông Trump hoan nghênh bước đi của các nước Ả Rập, Bộ Quốc phòng Mỹ lại đánh giá cao “cam kết lâu dài của Qatar với an ninh khu vực”.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết trong ngày 6-6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã điện đàm với người đồng cấp Qatar, nhưng không cho biết chi tiết.
Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận phía Mỹ không hề hay biết gì về quyết định cắt quan hệ với Qatar của các nước vùng Vịnh, không hề được thông báo về quyết định này trước đó. Người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer cho biết Mỹ sẽ đối thoại với tất cả các bên để “giải quyết vấn đề và khôi phục hợp tác”.
“Mỹ muốn thấy vấn đề được lắng xuống và được giải quyết ngay lập tức, phù hợp với các nguyên tắc mà tổng thống đã đề ra trong chống tài trợ khủng bố, chống chủ nghĩa cực đoan”.