Thursday, December 26, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiTiền nợ xấu của VN có thể xây 3 sân bay Long...

Tiền nợ xấu của VN có thể xây 3 sân bay Long Thành

Đại biểu Quốc hội cho rằng trong 600.000 tỷ đồng nợ xấu tương đương với tiền xây dựng 3 sân bay Long Thành.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thắng (TP.Hà Nội)

Sáng nay (7/6), Quốc hội đã có phiên thảo luận về Nghị quyết xử lý nợ xấu. Tại nghị trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thắng (TP.Hà Nội) – Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết trong hoạt động kinh doanh ngân hàng nợ xấu phát sinh là vấn đề tất yếu.

“Còn hoạt động cho vay thì còn nợ xấu, nợ xấu phát sinh do nhiều nguyên nhân khách quan có, chủ quan có”, đại biểu Thắng nói.

Tuy nhiên, qua thống kê cho thấy nợ xấu phát sinh cao đột biến đến mức phải có sự can thiệp của Nhà nước đều xuất phát từ các cú sốc của nền kinh tế, và trường hợp này đã xảy ra ở rất nhiều ở các quốc gia, từ các quốc gia có trình độ quản lý cao như Mỹ, Châu Âu, Hàn Quốc đến các quốc gia có trình độ quản lý thấp hơn nhưng cũng là các nền kinh tế hàng đầu trong ASEAN như Thái Lan, Malaysia.

Đại biểu Thắng cho rằng ở Việt Nam qua số liệu thống kê cho thấy nợ xấu phát sinh đột biến từ năm 2012 với con số lên đến 17% và tiếp tục phát sinh trong những năm tiếp theo.

Nguyên nhân chủ yếu của vấn đề này chính là từ khủng hoảng của thị trường bất động sản, của chứng khoán và nền kinh tế tăng trưởng nóng trong giai đoan trước đó.

“Mặc dù hệ thống ngân hàng đã tích cực xử lý nhưng con số hiện nay rất lớn, nợ xấu và tiềm ẩn nợ xấu ở con số khoảng xấp xỉ 600.000 tỷ đồng. Việt Nam là quốc gia duy nhất đến nay có nợ xấu của nền kinh tế vượt 10% mà không có một tổ chức tín dụng nào đổ vỡ, có thể nói đây là sự cố gắng rất lớn của Đảng và Nhà nước”, ông Thắng nhận định.

Trong thực tế, các quốc gia theo thống kê có nợ xấu từ 10% thì đã có rất nhiều các ngân hàng, các tổ chức tín dụng đổ vỡ.

 Trong 600.000 tỷ này chúng ta phải xác định 90% là tiền của nhân dân, ngân hàng chỉ có 10%. Do vậy, ông Thắng cho rằng vấn đề cấp bách để xử lý khoản này là để bảo vệ không chỉ cho hoạt động tín dụng mà bảo vệ cho chính người dân, những người đang gửi tiền trong hệ thống các tổ chức tín dụng và làm sao chúng ta vận hành đưa 600.000 tỷ đồng này quay trở lại phục vụ cho tăng trưởng kinh tế, khi nguồn lực còn rất hạn chế.

“Với con số này chúng ta có thể xây dựng được ba sân bay Long Thành mà Quốc hội đã bàn, với con số trên 200.000 tỷ đồng thôi chúng ta đã thấy rất khó khăn rồi, còn đây là 600.000 tỷ đồng”.

Về mục tiêu của nghị quyết, mặc dù nghị quyết về nợ xấu, nhưng vấn đề cốt lõi chính là ban hành các cơ chế để thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ.

Hiện nay chúng ta đã có thị trường mua bán nợ xấu nhưng chưa hoàn chỉnh, thiếu hụt hàng hóa trầm trọng, đặc biệt những hàng hóa có giá trị các khoản nợ gắn với bất động sản do chưa đủ điều kiện pháp lý để đưa ra giao dịch. Bên cạnh đó, lực lượng tham gia thị trường với tư cách là người mua còn rất hạn chế, do những quy định về điều kiện để tham gia.

“Công ty VAMC được thành lập để đóng vai trò chủ lực hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu lại chưa có cơ chế và nguồn lực cần thiết để vận hành như kỳ vọng. Như vậy, nghị quyết xử lý nợ xấu nếu Quốc hội phê chuẩn sẽ tháo gỡ được nút thắt, tạo ra một thị trường mua bán nợ đúng nghĩa, các khoản nợ xấu này sẽ được bán và thu hồi nhanh hơn”, vị Chủ tịch HĐQT VietinBank nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới