Friday, December 27, 2024
Trang chủĐiểm tinVỡ mộng với vũ khí TQ

Vỡ mộng với vũ khí TQ

Ưu thế giá rẻ của khí tài quân sự từ Trung Quốc đang đứng trước nghi vấn về chất lượng và độ an toàn sau những sự cố liên tiếp xảy ra tại nhiều nước trong thời gian gần đây.

Chiếc thiết giáp chống mìn do Trung Quốc sản xuất bị phá hủy tại Kenya

Trung Quốc không ngừng nỗ lực gia tăng xuất khẩu khí tài quân sự, nhất là sang các nước châu Phi khi tận dụng ưu thế giá rẻ và ít điều kiện kèm theo so với các nước phương Tây.

Theo tờ Nikkei Asian Review, chính phủ nhiều nước châu Phi đang thắt lưng buộc bụng trong khi phải đối phó với các mối đe dọa an ninh thường xuyên nên đã chọn giải pháp mua khí tài quân sự Trung Quốc, nhất là khi còn được “khuyến mãi” thêm về giao thương và đầu tư. Theo các chuyên gia, khi một nước trang bị vũ khí mới thì các nước trong khu vực cũng tìm cách chạy đua và Trung Quốc đã tận dụng tốt tâm lý này để xâm nhập thị trường vũ khí khổng lồ ở châu Phi trong thời gian qua.

Thiết giáp dỏm, pháo tự khai hỏa

Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) cho thấy có đến 2/3 các nước châu Phi hiện sử dụng trang thiết bị quân sự của Trung Quốc, trong đó đáng chú ý là Ghana, Sierra Leone, Angola và Nigeria.

Tờ The Independent dẫn lời tác giả nghiên cứu Joseph Dempsey cho biết kể từ năm 2005 có 10 quốc gia châu Phi trở thành “khách hàng khẩn cấp” mua khí tài quân sự từ Trung Quốc. Không chỉ ở châu Phi, Trung Quốc còn tận dụng tốt cơ hội ở các thị trường khác khi cho không Philippines 23.000 khẩu súng trường tự động, sau khi Mỹ hoãn bán hơn 26.000 súng trường M4 cho nước này vì chiến dịch chống ma túy của Tổng thống Rodrigo Duterte. Trung Quốc còn nhượng quyền cho Indonesia sản xuất tên lửa chống hạm C-705 trong thời gian sắp tới.

Tuy nhiên, ưu thế giá rẻ của khí tài quân sự từ Trung Quốc đang đứng trước nghi vấn về chất lượng và độ an toàn sau nhiều sự cố liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây. Theo tờ Daily Nation, một xe thiết giáp kháng mìn (MRAP) CS/VP3 của Kenya mua từ Trung Quốc tuần trước đã tiêu tùng do vướng mìn khi đang di chuyển ở hạt Lamu phía bắc Kenya. Vụ nổ khiến tất cả 7 sĩ quan thuộc đơn vị tuần tra biên phòng, cảnh sát cùng 1 người dân trên xe thiệt mạng tại chỗ. Sự cố khiến giới chức Kenya đặt nghi vấn về khả năng thật sự của loại xe này cũng như tính đúng đắn của quyết định mua khí tài Trung Quốc.

Kenya mua 65 xe CS/VP3 của Trung Quốc từ đầu năm ngoái nhằm phục vụ cuộc chiến chống khủng bố và tội phạm có tổ chức. Theo diễn đàn LiveJournal, lô hàng đầu tiên đã gặp hàng loạt sự cố chỉ vài ngày sau khi bàn giao. Một chiếc bị vỡ kính chắn gió khi đang di chuyển và nhiều chiếc bị rò rỉ nhiên liệu, trong khi xe lại không có hệ thống thông gió phù hợp với khí hậu nóng bức ở Kenya. Lực lượng cảnh sát Kenya (GSU) từng bị sốc khi đại diện hãng sản xuất từ chối ngồi vào trong để cảnh sát dùng súng bắn thử.

Trước đó vào ngày 17.5, khẩu pháo Giant Bow do Trung Quốc sản xuất bất ngờ gặp trục trặc và nã đạn vô tội vạ khiến 4 binh sĩ thiệt mạng và 8 người khác bị thương khi quân đội Indonesia tiến hành tập trận tại quần đảo Natuna trên Biển Đông.

Máy bay, tên lửa trục trặc

Theo Nikkei Asian Review, trang thiết bị quân sự từ Trung Quốc cũng từng vướng sự cố vào đầu năm 2015 khi hình ảnh một máy bay quân sự không người lái CH-3 rơi ở bang Borno của Nigeria gây “bão” trên mạng. Một tai nạn tương tự xảy ra vào giữa năm và giới chức Nigeria xác định đây cũng là mẫu CH-3 do Tập đoàn khoa học và kỹ thuật hàng không Trung Quốc sản xuất.

Ông Andrei Chang, người sáng lập tạp chí quân sự Kanwa Asian Defense, cho biết Trung Quốc đã chật vật tìm cách xuất khẩu máy bay huấn luyện L-15 và tiêm kích JF-17 tại Triển lãm Hàng không và quốc phòng châu Phi vào năm ngoái. Trước đó, Cameroon mua 4 trực thăng tấn công Harbin Z-9 sau khi Bắc Kinh thỏa thuận cho vay 100 triệu USD vào năm 2015 nhưng 1 chiếc bị rơi không lâu sau khi bàn giao.

Theo tờ South China Morning Post, chính quyền Cameroon sau đó thông báo không có kế hoạch mua vũ khí từ Trung Quốc do quan ngại về chất lượng.

Thương hiệu vũ khí Trung Quốc vướng thêm nghi vấn sau khi 2 tên lửa chống hạm C-705 bắn trật mục tiêu trong cuộc tập trận Armada Jaya của Indonesia trên vùng biển Java vào tháng 9.2016, trước sự chứng kiến của Tổng thống Joko Widodo.

Trước đó, Tập đoàn PT Dirgantara Indonesia đã mua lại quyền sản xuất loại tên lửa này. Theo Cơ quan Nghiên cứu quân sự nước ngoài của quân đội Mỹ (FMSO), khí tài quân sự của Trung Quốc còn vướng nhiều trở ngại lớn. “Nhiều người cho rằng các vũ khí này dễ trục trặc khi hoạt động hoặc khiếm khuyết trong thiết kế. Hơn nữa, Trung Quốc thiếu các dịch vụ mở rộng như huấn luyện và bảo trì”, theo FMSO.

RELATED ARTICLES

Tin mới