Friday, November 15, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiBầu cử sớm ở Anh "trượt ra ngoài" kịch bản của Thủ...

Bầu cử sớm ở Anh “trượt ra ngoài” kịch bản của Thủ tướng Theresa May

Hôm nay (8/6), người dân Anh bước vào cuộc bầu cử sớm được cho là phép thử sự ủng hộ đối với Thủ tướng Anh Theresa May.

Bầu cử Anh đang diễn biến ngoài dự kiến của Thủ tướng Theresa May. Ảnh minh họa: Getty Images.

Kêu gọi bầu cử sớm vốn được cho là bước đi chiến thuật của Thủ tướng Anh Theresa May nhằm gia tăng sự ủng hộ cho chính phủ Bảo thủ nhưng tình hình đang diễn biến không theo kịch bản của bà khi tỉ lệ ủng hộ đảng Bảo thủ giảm mạnh ngay trước thềm bầu cử.

Hiện có nhiều dự đoán khả năng đảng Bảo thủ có thể không đạt đa số ghế tại quốc hội, đẩy nước Anh vào tình trạng “quốc hội treo”.

Một ngày trước tổng tuyển cử, Thủ tướng Anh Theresa May và lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn vẫn đang trong cuộc chạy đua đến phút chót với các nỗ lực vận động tranh cử trước khi các hòm phiếu mở cửa.

Trong cuộc phỏng vấn báo chí cuối cùng trước ngày bỏ phiếu, lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn khẳng định, Công đảng sẽ giành chiến thắng và đưa ra những tầm nhìn mới cho hi vọng về tương lai.

Trong khi đó, Thủ tướng May tập trung vào vấn đề thắt chặt an ninh trong bối cảnh nước này phải đối mặt với hàng loạt các vụ tấn công gần đây.

“Chúng ta không thể phủ nhận, mối đe dọa của chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo là nguy hiểm nhất mà chúng ta đang phải đối mặt”, bà May nói.

“Tôi tin rằng sẽ là điều đúng đắn khi nước Anh tham gia vào nỗ lực quốc tế để đối phó với các tổ chức khủng bố như IS. Tôi nghĩ điều này nằm trong lợi ích an ninh quốc gia và toàn thế giới”.

Thủ tướng Anh Theresa May đang phải đối mặt với áp lực lớn trước thềm cuộc bầu cử.

Ngay sau khi quyết định tổ chức bầu cử sớm được công bố, hàng loạt nhận định của giới chuyên gia cho rằng đây là một quyết định “chính trị khôn ngoan”, “nước cờ chiến lược” của Thủ tướng Theresa May.

Vì khi kêu gọi tổ chức bầu cử sớm, Thủ tướng Theresa May chắc chắn có lí do chính đáng để tin rằng đảng Bảo thủ không chỉ giành chiến thắng mà còn chiến thắng áp đảo, trong bối cảnh lãnh đạo Công đảng Jeremy Cobyn được đánh giá không mấy nổi trội.

Chiến thắng lớn cho đảng Bảo thủ trong cuộc bầu cử này sẽ giúp gia tăng số ghế của đảng Bảo thủ trong quốc hội, đảm bảo quyền lực lớn hơn cho Thủ tướng cũng như củng cố vị thế của bà trong các cuộc đàm phán về việc Anh chuẩn bị rời khỏi EU.

Một yếu tố khác được tính đến đó là cuộc bầu cử tiếp theo tại Anh dự kiến tổ chức vào năm 2020 -có khả năng rơi vào thời điểm các cuộc đàm phán phức tạp về Brexit vẫn đang diễn ra.

Vì vậy, kêu gọi bầu cử sớm sẽ giúp đơn giản hóa vấn đề thời gian. Ngay cả các chính trị gia Công đảng cũng đự đoán một “thất bại lịch sử và thảm khốc”, với một số cảnh báo rằng nước Anh có thể hướng tới một quốc gia “đơn đảng”.

Tuy nhiên, kịch bản dường như đã đi quá xa so với tính toáncủa Thủ tướng Theresa May.

Hầu hết các khảo sát trước thềm cuộc bầu cử đều cho thấy tỉ lệ ủng hộ đảng Bảo thủ giảm mạnh, với khoảng cách với Công đảng đang thu hẹp dần.

Đáng chú ý khảo sát của Hãng Survation tại Anh cho thấy, đảng Bảo thủ chỉ dẫn trước Công đảng 1% điểm.

Nhận định về nguyên nhân tỉ lệ ủng hộ đảng Bảo thủ giảm sút, nhiều nhà bình luận lên tiếng chỉ trích chiến dịch tranh cử nghèo nàn của Thủ tướng Theresa May. Quyết định của Thủ tướng không tham gia tranh luận bầu cử một cách công khai bị chỉ trích mạnh mẽ, khi nhiều người cho rằng điều này sẽ không thể đảm bảo sự lãnh đạo” mạnh mẽ và ổn định” như bà đã cam kết.

Trái lại, lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn lại giống một chính trị gia không còn gì để mất, với các chính sách tham vọng và cụ thể về nhiều vấn đề như tăng cường phúc lợi xã hội, chi tiêu y tế, đánh thuế người giàu… Chiến dịch bầu cử cũng đang bị phủ bóng bởi hàng loạt các cuộc tấn công gần đây tại Anh, là “cái cớ” để Công đang chỉ trích chính sách an ninh của Thủ tướng.

Chính vì vậy, một số cuộc thăm dò ý kiến gần đây cho rằng, với bước đi sai của Thủ tướng là kêu gọi bầu cử sớm, đảng Bảo thủ không những không cải thiện được thế đa số hiện nay, mà còn có thể mất thế đa số, dẫn đến tình trạng “quốc hội treo”.

Khi đó, các đảng buộc phải đàm phán để thành lập chính phủ liên minh cầm quyền, đẩy nước Anh vào tình trạng bất ổn chính trị trong bối cảnh các cuộc đàm phán chính thức về Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), tức Brexit, bắt đầu được khởi động.

RELATED ARTICLES

Tin mới