Friday, November 15, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiSau Shangrila, Mỹ cứng giọng với TQ

Sau Shangrila, Mỹ cứng giọng với TQ

Mỹ tố cáo Trung Quốc đơn phương quân sự hóa các đảo trên Biển Đông, âm mưu lập căn cứ nhiều nơi trên thế giới.

Mỹ nói thẳng Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông.

Ngày 7/6, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố Báo cáo thường niên về sức mạnh quân sự Trung Quốc cho thấy quan điểm rõ ràng và thẳng thắn của Lầu Năm Góc đối với động thái quân sự hóa các đảo trên Biển Đông của Bắc Kinh.

Theo đó, Không quân Trung Quốc được cho là  sẽ triển khai 3 trung đoàn máy bay chiến đấu tới các đảo nhân tạo trên Biển Đông.

“Trung Quốc có thể sẽ sử dụng các thực thể nhân tạo do nước này bồi đắp như những căn cứ quân sự – dân sự lâu dài trên Biển Đông, nhằm tăng cường sự hiện diện, đồng thời nâng cao năng lực của Trung Quốc trong việc kiểm soát các thực thể này cũng như các không gian hàng hải lân cận”, báo cáo nhấn mạnh.

Sự chuyển biến quan trọng trong bản báo cáo năm nay là Mỹ đã thừa nhận việc Bắc Kinh quân sự hóa trên Biển Đông bằng cách triển khai tên lửa, xây dựng cá nhà chứa máy bay trên các đảo nhân tạo.

Thông tin này vốn không mới với dư luận quốc tế nhưng giờ đây mới được các quan chức quốc phòng Mỹ liệt vào báo cáo cho thấy sự quan tâm đặc biệt về tình hình khu vực này và “ý đồ lâu dài của Trung Quốc”.

Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng Bắc Kinh đã không mở rộng các đá trên Biển Đông mà thay vào đó là bổ sung thêm các cơ sở hạ tầng quân sự trái phép trên các đá này như: đường băng dài, doanh trại quân đội, kho chứa  nước, kho chứa vũ khí, các cơ sở thông tin liên lạc, tòa nhà hành chính…

Trung Quốc cũng có thể sớm đưa các máy bay chiến đấu mới và hiện đại lên các đảo nhân tạo phi pháp trên như J-20 và FC-31 sẵn sàng đi vào hoạt động vào năm sau.

Ngoài lo ngại về việc Bắc Kinh đang từng bước quân sự hóa Biển Đông, Lầu Năm Góc cũng lo ngại về việc Trung Quốc tiếp tục dùng sức ép lên tranh chấp ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản.

Bên cạnh đó, mối nguy tiềm tàng hơn là việc Trung Quốc có thể xây dựng thêm các căn cứ quân sự ở nước ngoài mà Mỹ đang tính đến khả năng là ở Pakistan hay Djibouti – quốc gia có địa thế chiến lược ở châu Phi.

Báo cáo của Lầu Năm Góc cũng cho thấy ngân sách quốc phòng của Trung Quốc trong năm 2016 ước tính lên tới hơn 180 tỷ USD cao hơn con số 954,35 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 140 tỷ USD) do Trung Quốc công bố chính thức.

“Trung Quốc có thể sẽ xây dựng thêm các căn cứ quân sự ở các nước mà Bắc Kinh duy trì mối quan hệ hữu nghị từ lâu, và có chung lợi ích chiến lược với Trung Quốc như Pakistan”, báo cáo nêu rõ.

Ngoài ra, báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ cũng chỉ ra sự phát triển của quân đội Trung Quốc trong năm vừa qua, đặc biệt trong các hoạt động trên biển và trong không gian như  phóng vệ tinh lượng tử thử nghiệm đầu tiên hay việc thiết kế và chế tạo thành công tàu sân bay nội địa đầu tiên.

Sau Shangri-La, Mỹ cứng rắn với Bắc Kinh

Tham gia Đối thoại Shangri-La thường niên lần thứ 16, phản ứng của Mỹ khiến Bắc Kinh hạ giọng.

Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis ngày 3/6 đã thẳng thắn thể hiện tái cam kết của Mỹ trong khu vực khi thẳng thừng chỉ trích Bắc Kinh và phản ứng của Trung Quốc cũng rất mềm mỏng.

Ông Mattis tái cam kết bố trí 60% sức mạnh Hải quân Mỹ tới khu vực Biển Đông và không ngần ngại về khả năng va chạm trong tương lai tại đây.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cảnh báo: “Mỹ không chấp nhận hành động quân sự hóa các đảo nhân tạo trên biển Đông. Không thể và cũng sẽ không chấp nhận các hành động đơn phương, hung hăng thay đổi hiện trạng khu vực”.

Trong khi đó, phái đoàn của Trung Quốc tại Shangri-La được cho là mang tới thông điệp mềm mỏng khi cử một phái đoàn do chỉ huy cấp thấp hơn các năm trước để đại diện.

Trung tướng Hà Lôi – Phó Giám đốc Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc làm đại diện khá kín tiếng trong các cuộc gặp song phương, không tìm cách bảo vệ những cái gọi là “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc như các năm trước.

Trước ý kiến của Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia cho rằng bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông mà Trung Quốc dẫn dầu sẽ không thể ngăn chặn hoàn toàn nguy cơ xung đột trên biển, một quan chức trong phái đoàn Trung Quốc chỉ nhẹ nhàng hỏi lại rằng “vậy đâu là bộ quy tắc ứng xử hoàn hảo nhất?”.

Dường như Trung Quốc đang tìm cách “né” tại cuộc Đối thoại Shangri-La 2017, song cũng không để các nước khác quá đẩy quá xa “ranh giới đỏ”.

RELATED ARTICLES

Tin mới