Chính phủ mới của Hàn Quốc đã tuyên bố tạm dừng triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), hệ thống quân sự gây căng thẳng với Trung Quốc và khiến Triều Tiên tức giận.
Người dân Hàn Quốc biểu tình phản đối việc triển khai hệ thống THAAD. Nguồn: Pravda
Một quan chức Hàn Quốc hôm qua (7/6) cho CNN biết, mặc dù Seoul sẽ không rút lại hai bệ phóng của hệ thống THAAD đã đi vào hoạt động, song bốn bệ phóng tiếp theo sẽ chỉ được triển khai cho đến khi có “một đánh giá toàn diện về tác động đối với môi trường được hoàn thành”.
Cụ thể, ngày 7/6, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc thông báo việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối tại nước này cần phải tạm dừng để chờ đánh giá toàn diện tác động môi trường.
“Chúng tôi không nói 2 giàn phóng tên lửa đã được lắp đặt sẽ bị tháo dỡ. Tuy nhiên, những phần chưa được lắp đặt sẽ phải chờ đợi”, Yonhap dẫn lời một quan chức cấp cao của Nhà Xanh cho hay.
Trong quá trình tranh cử, tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã kêu gọi ngừng triển khai hệ thống THAAD và mọi quyết định về tương lai của hệ thống phòng vệ tên lửa này cần phải được xem xét lại trước Quốc hội.
Việc lắp đặt THAAD đã được người tiền nhiệm Park Geun-hye thúc đẩy quá trình ký kết giữa Seoul và Washington.
Hệ thống đã đi vào hoạt động một phần đúng một tuần trước khi ông Moon đắc cử Tổng thống. Tại thời điểm đó, các nhà phân tích cho rằng đây là một nỗ lực nhằm đặt ông Moon vào “tình thế đã rồi” và khiến cho chính quyền mới khó có thể rút hệ thống này khỏi Hàn Quốc.
Việc triển khai THAAD đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ phía Trung Quốc, bởi lo ngại rằng hệ thống này có thể được dùng để thu thập thông tin tình báo và đe dọa tới an ninh quốc gia của Bắc Kinh.
Mối quan hệ giữa Seoul và Bắc Kinh vì thế cũng tụt dốc không phanh, tác động không nhỏ tới các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng như những công dân nước này đang sinh sống tại Trung Quốc.
Dừng triển khai THAAD
Trước đó, theo dự kiến, THAAD sẽ đi vào hoạt động chính thức với đầy đủ các thiết bị vào khoảng cuối năm nay. Tuy nhiên, đánh giá về môi trường có thể sẽ trì hoãn quá trình này ít nhất là cho đến năm 2018.
Hệ thống THAAD được thiết kế nhằm bắn hạ các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và vừa trong giai đoạn cuối của hành trình nhắm vào các mục tiêu định sẵn.
Dù trên lý thuyết THAAD không thể chống lại các loại tên lửa tầm trung như Triều Tiên thử nghiệm trong những tháng gần đây, song THAAD được trang bị một loại radar phức tạp, hiện đại có thể lắp vào một loạt hệ thống phòng thủ tên lửa của Hoa Kỳ, bao gồm cả tuần dương hạm Aegis đang hoạt động trong khu vực Thái Bình Dương và cả các hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot được triển khai ở Nhật Bản.
Loại radar này có thể cung cấp các dữ liệu phát hiện sớm cho các hệ thống đánh chặn tên lửa nói trên cũng như những hệ thống đang bảo vệ căn cứ Guam, lãnh thổ Hoa Kỳ gần Triều Tiên nhất.