Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang bị mất dần lãnh thổ ở Iraq và Syria, nhưng các vụ tấn công do các phần tử IS thực hiện và lấy cảm hứng từ IS vẫn đang diễn ra trên khắp thế giới.
Một người phụ nữ khóc thương tưởng nhớ các nạn nhân trong vụ tấn công trên cầu London ngày 4.6. Ảnh: Reuters
Lãnh thổ bị thu hẹp
Sau hai năm tuyên bố thành lập một vương triều Hồi giáo, hiện IS đang thoi thóp bám trụ tại những vị trí cuối cùng ở Mosul, thành phố lớn thứ hai của Iraq, nơi IS chiếm đóng từ tháng 6.2014. Thêm vào đó, tại “thủ đô” Raqqa của IS ở miền bắc Syria, lực lượng người Kurd với sự hậu thuẫn của Mỹ cũng khởi động cuộc tấn công giành lại thành phố từ tuần trước. Nguồn tin của Reuters cho hay, thủ lĩnh tối cao IS là Abu Bakr al-Baghdadi cũng đang chạy trốn ở khu vực sa mạc rộng lớn giữa hai thành phố trên.
Dù lãnh thổ bị thu hẹp, nhưng các cuộc tấn công do những phần tử khủng bố cam kết trung thành với IS hoặc lấy cảm hứng từ IS trên toàn cầu ngày càng mở rộng và phát triển lớn mạnh. Manchester, Nigeria, Baghdad, Kabul, London, Tehran và Marawi (Philippines) nằm trong số rất nhiều địa điểm xảy ra các cuộc tấn công đẫm máu với vũ khí hạng nặng cho tới đơn giản là con dao trong bếp.
Các nhà phân tích cảnh báo rằng sự thu hẹp lãnh thổ không thể đánh bại IS hay làm giảm bớt chiến thắng của nó. Tờ Christian Science Monitor dẫn lời ông Shiraz Maher – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bạo lực chính trị và Hành vi quá khích Quốc tế (ICSR) của Trường King’s College London – cho hay: “IS vừa là chất rắn, chất lỏng, vừa là chất khí có thể biến đổi thành các dạng này khi cần. Ý nghĩ IS đang đi đến hồi kết hay đang bắt đầu hồi kết, là hoàn toàn không chính xác”.
Mở rộng tấn công khắp thế giới
IS đã chuẩn bị cho những thành viên của mình về việc bị mất lãnh thổ và coi đó như một biến động lịch sử thông thường. Kênh tuyên truyền của IS tuyên bố những điều đó chỉ “kích động lại ngọn lửa chiến tranh”, thề sẽ “lấy lại từng tấc đất” và mở rộng hơn. Kể cả khi lãnh thổ bị thu hẹp, thủ lĩnh tối cao bị truy đuổi, IS vẫn tiếp tục phát động các cuộc tấn công từ xa.
Từ khi tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo bắt đầu từ cuối tháng 5, phiến quân IS theo thông lệ đã đẩy mạnh các cuộc tấn công khắp thế giới. Ngày 12.6, một đoạn tin nhắn thoại thông điệp của người phát ngôn IS – ông Abi al-Hassan al-Muhajer – kêu gọi các phần tử tiến hành các vụ tấn công ở Mỹ, Châu Âu, Nga, Australia, Iraq, Iran, Syria và Philipines trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo.
Ở nhiều nước Đông Nam Á khác, sự hiện diện của IS cũng đã bắt đầu được báo động. Ngày 12.6, ông Gatot Nurmantyo – Tư lệnh quân đội Indonesia, quốc gia có cộng đồng người Hồi giáo chiếm đa số lớn nhất thế giới, tuyên bố rằng, các phần tử khủng bố IS đã có mặt tại hầu hết các tỉnh của Indonesia.
Cùng ngày, Bộ Nội vụ Singapore thông báo việc bắt giữ một phụ nữ 22 tuổi tên là Izzah Zahrah Al Ansari, vì đi theo IS. Người phụ nữ này bắt đầu bị nhiễm tư tưởng cực đoan vào năm 2013 và sau đó đã chia sẻ những tài liệu ủng hộ IS trên mạng, CNN trích nguồn Bộ Nội vụ Singapore cho hay. Vụ việc này là một trường hợp điển hình của làn sóng cực đoan hóa trong khu vực, theo nhận xét của chuyên gia cao cấp của Viện nghiên cứu Hoàng gia Anh về Quốc phòng và An ninh, Emily Winterbotham. “Thật ngạc nhiên khi Singapore lại có một trường hợp phụ nữ bị cực đoan hóa, trong khi từ trước đến nay chỉ chứng kiến những phụ nữ bị cực đoan hóa ở Syria, Iraq và các nước khác, bao gồm cả các nước phương Tây” – bà Winterbotham cho hay.
Không chỉ thực hiện các vụ tấn công bằng các vũ khí, bom xe hay dao như trước, mới đây nhất, tình báo Israel đã phát hiện IS chế tạo bom cài vào máy tính xách tay để làm nổ tung máy bay thương mại. Chính điều này là một trong những lý do khiến Mỹ đưa ra quy định hôm 21.3 cấm mang laptop và các thiết bị điện tử to hơn điện thoại trong hành lý xách tay trên các chuyến bay thẳng đến Mỹ từ 10 sân bay của Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Đông và Bắc Phi.