Wednesday, January 15, 2025
Trang chủĐàm luậnTham vọng của TQ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo

Tham vọng của TQ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo

Chính phủ Mỹ đang tăng cường kiểm tra hoạt động đầu tư của Trung Quốc vào Thung lũng Silicon để bảo vệ tốt hơn những công nghệ nhạy cảm, được đánh giá là quan trọng với an ninh quốc gia.

Máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Mỹ (Ảnh: Reuters).

Theo Reuters, Washington lo ngại những công nghệ tiên tiến được phát triển ở Mỹ có thể được Bắc Kinh sử dụng để cải thiện sức mạnh quân sự, hoặc ưu thế của các ngành công nghiệp chiến lược.

Sự quan tâm đặc biệt được dành cho xu hướng đầu tư mạnh mẽ của Bắc Kinh vào những lĩnh vực mới, như trí tuệ nhân tạo. Một phần lý do là quân đội Mỹ đang cân nhắc tích hợp những công nghệ này vào trong chương trình máy bay không người lái.

Một báo cáo nội bộ mới của Lầu Năm Góc cảnh báo Trung Quốc đang tìm cách tiếp cận các công nghệ nhạy cảm của Mỹ thông qua những giao dịch hiện chưa nằm trong phạm vi xem xét của Ủy ban Đầu tư nước ngoài vào Mỹ (CFIUS), như liên doanh, cổ phần thiểu số, đầu tư ban đầu vào các công ty khởi nghiệp.

Ngoài ra, theo báo cáo, Lầu Năm Góc có thể mất cơ hội làm việc với những công ty chuyên phát triển công nghệ tiên tiến nếu họ nhận đầu tư của người Trung Quốc trong giai đoạn đầu phát triển.

Báo cáo đề xuất Bộ Quốc phòng Mỹ tăng cường nỗ lực phản gián cũng như lập danh sách những công nghệ quan trọng và hạn chế người Trung Quốc đầu tư vào đó.

Nhằm xoa dịu nỗi lo trên, Mỹ đang lên kế hoạch tăng cường vai trò của CFIUS trong việc xem xét tác động của những thương vụ thâu tóm công ty Mỹ đối với an ninh quốc gia. Một trợ lý của thượng nghị sĩ John Cornyn, nhân vật thứ 2 của Đảng Cộng hòa tại thượng viện, hôm 13-6 tiết lộ với Reuters rằng ông Cornyn đang soạn thảo dự luật trao cho CFIUS nhiều quyền hạn hơn để ngăn chặn những khoản đầu tư của nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ.

Dự luật cũng yêu cầu CFIUS thắt chặt kiểm tra người mua đến từ những nước bị xem là mối đe dọa tiềm tàng đến an ninh quốc gia.

Người trợ lí chưa rõ tên này khẳng định: “Trí tuệ nhân tạo là một trong những công nghệ hiện đại mà Trung Quốc tìm kiếm và có ứng dụng quân sự tiềm tàng. Loại công nghệ này vẫn còn quá mới đến nỗi hệ thống kiểm soát xuất khẩu của chúng ta chưa biết quản lý nó thế nào”.

Thông tin trên được tiết lộ không lâu sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đánh giá CFIUS là “lạc hậu” và kêu gọi cải tiến ủy ban này. CFIUS hiện do Bộ Tài chính quản lý, gồm 9 thành viên thường trực là đại diện các bộ Quốc phòng, Tư pháp, An ninh Nội địa, Thương mại, Ngoại giao và Năng lượng. Dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, CFIUS đã ngăn chặn ý định thâu tóm một số hãng chip công nghệ cao ở Mỹ của Trung Quốc.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo động thái siết chặt luật lệ có thể không giúp gì nhiều cho nỗ lực ngăn chặn sự chuyển giao công nghệ trong lúc có nguy cơ dẫn đến các biện pháp trả đũa của Trung Quốc, từ đó tác động tiêu cực đến kinh tế Mỹ.

Theo Công ty Nghiên cứu Rhodium Group, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Mỹ trong 5 tháng đầu năm 2017 đạt giá trị 22 tỉ USD, tăng 100% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trung Quốc không hề giấu giếm tham vọng trở thành nước dẫn đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, dựa vào cả nghiên cứu trong nước lẫn thâu tóm doanh nghiệp nước ngoài. Theo tìm hiểu của Công ty Nghiên cứu CB Insights (Mỹ), 29 nhà đầu tư Trung Quốc rót tiền vào doanh nghiệp trí tuệ nhân tạo Mỹ kể từ năm 2012.

Tuy nhiên, đây không phải là lĩnh vực duy nhất lọt vào mắt xanh của Bắc Kinh. Những tranh cãi xung quanh việc Tập đoàn Viễn thông Hytera Communications (Trung Quốc) mua lại công ty công nghệ vệ tinh Norsat (Canada) phần nào cho thấy bức tranh rộng lớn hơn.

Chính quyền Thủ tướng Justin Trudeau đang đối mặt sức ép ngày càng tăng về việc rút lại quyết định cho phép thương vụ trên diễn ra.

Phát biểu trước các nghị sĩ hôm 13-6, ông Trudeau cho biết đã tham vấn với Mỹ và các đồng minh trước khi bật đèn xanh cho thỏa thuận vào đầu tháng này nhưng lại không nói rõ liệu Washington có phản đối hay không.

Tuy nhiên, theo báo The Globe and Mail, phe đối lập, 2 cựu “sếp” tình báo ở Canada và một ủy ban quốc hội Mỹ đã cảnh báo về tác động tiêu cực của thương vụ đến an ninh quốc gia nếu nó được xúc tiến.

RELATED ARTICLES

Tin mới