Friday, October 18, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 19/06

Bản tin Biển Đông ngày 19/06

Bản tin Biển Đông ngày 19/06/2017.

Mỹ, Nhật Bản kết thúc tập trận chung trên Biển Đông

Tờ Japan Times đưa tin, ngày 16/6, Bộ Quốc phòng Nhật Bản tuyên bố rằng ngày 15/6, tàu chiến lớn nhất của Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Nhật Bản, tàu sân bay Izumo, đã kết thúc cuộc tập trận chung giữa Nhật Bản và Trung Quốc trong 3 ngày với tàu sân bay USS Ronald Reagan của Hải quân Mỹ trên Biển Đông. Japan Times nhận định, cuộc tập trận, với sự tham gia của tàu khu trục Sazanami, là nhằm khẳng định sự hiện diện của lực lượng hải quân Nhật Bản tại các vùng biển chiến lược. Tàu Izumo và Sazanami đã có mặt trong nhiều cuộc tập trận với quân đội Mỹ và các nước khác ở Biển Đông kể từ khi đến khu vực này hồi đầu tháng 5.

Học giả quốc tế vạch trần ý đồ củng cố yêu sách biển bằng lực lượng cảnh sát biển, quân dân biển của Trung Quốc

Ngày 18/6, trang Eurasia Review đăng bài viết “Ý kiến bình luận: Trung Quốc khẳng định các yêu sách của mình ở Biển Đông bằng lực lượng cảnh sát biển, quân dân biển” của Dan Southerland, Tổng Biên tập đài RFA. Ông Southerland cho biết việc Trung Quốc đang đẩy mạnh sử dụng các phương thức phi truyền thống như các tàu Cảnh sát biển và tàu cá để tăng cường kiểm soát đối với Biển Đông đang trở thành mối lo ngại cho các nước láng giềng và các nhà tổ chức quân sự khu vực do đây là nhân tố gây ra sự bất ổn và nguy cơ phát sinh va chạm với tàu thuyền các nước cao hơn. Ông Collin Koh, nghiên cứu viên tại Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (RSIS), Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore cảnh báo các tàu Cảnh sát biển của Trung Quốc “đang ngày càng trở nên lớn hơn, có phạm vi và độ bền lớn hơn” so với tàu Cảnh sát biển của nhiều nước Đông Nam Á, và điều này có thể giúp các tàu của Trung Quốc “hành động hiếu chiến hơn”. Bằng cách sử dụng các tàu cảnh sát biển và tàu quân dân, Trung Quốc đang muốn đưa ra tín hiệu cho thấy rằng nước này muốn tránh không để xảy ra chiến tranh nhưng cũng không từ bỏ quyết tâm tăng cường và củng cố các yêu sách trên biển của mình. Andrew S. Erickson và Connor M. Kennedy, các chuyên gia về tàu quân dân trên biển của Trung Quốc cho rằng các tàu quân dân dù do dân thường điều khiển nhưng thường xuyên có sự phối hợp với phía quân đội Trung Quốc, lợi dụng cái mác “dân sự” để phủ nhận việc quân đội đứng đằng sau và lợi dụng các nguyên tắc can dự của Hải quân Mỹ nhằm hạn chế khả năng bị các tàu của Hải quân Mỹ can thiệp. Các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và Chiến lược (CSIS) cho rằng điều đáng lo ngại không nằm ở việc Trung Quốc tăng cường số lượng tàu đánh cá ra Biển Đông mà nằm ở số lượng các tàu Cảnh sát biển hộ tống các tàu đánh cá này.

“Đọc” chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông

Ngày 19/6, trang Inquirer đăng bài viết “Đọc chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông” của Shin Kawashima, Giáo sư về quan hệ quốc tế, Đại học Tokyo, Nhật Bản. Ông Kawashima nhận định, mặc dù Trung Quốc có thể sẽ đẩy mạnh hoạt động quyết liệt hơn trên Biển Đông nhưng hiện nay Trung Quốc lại đang thể hiện lập trường “tương đối thận trọng” về tranh chấp ở khu vực. Tác giả bài viết cho rằng lý do Trung Quốc thực hiện chiến lược là: (i) trước tuyên bố của Tổng thống Donald Trump rằng cam kết của Mỹ đối với chính sách “Một Trung Quốc” có thể thay đổi cùng với nhiều bất ổn trong nhiệm kỳ của nhà lãnh đạo này, Trung Quốc dường như đang muốn tránh việc đưa ra bất cứ quyết định lớn nào có thể gây ra thêm nhiều biến đổi nhằm tiến tới thiết lập quan hệ ổn định với Mỹ và (ii) năm 2017 là “năm chìa khoá” đối với Chủ tịch Tập Cận Bình, do đó, ông sẽ không có thêm hành động cứng rắn nào trong thời gian tới, ít nhất là cho đến tháng 7, khi Trung Quốc và Mỹ dự kiến sẽ có thảo luận về các vấn đề kinh tế. Tuy nhiên, ông Kawashima cho rằng vẫn phải xem xét khả năng bối cảnh này có thể tiếp tục kéo dài hơn được hay không vì Trung Quốc vẫn đang bỏ ngỏ khả năng xây dựng một căn cứ quân sự trên bãi cạn Scarborough nhằm tăng cường bành trướng trên biển và trên không ở khu vực phía Đông Bắc Biển Đông, qua đó đảm bảo cho tàu ngầm đặt tại khu vực dọc bờ biển Đảo Hải Nam tới Thái Bình Dương.

Văn phòng Truyền thông Tổng thống Philippines tổ chức Đối thoại ASEAN 2017

Ngày 17/6, trang mạng của Cơ quan Thông tin Philippines đưa tin, ngày 16/6, tại Viện Quản lý Châu Á (AIM), Thành phố Makati, Philippines, Văn phòng Hoạt động Truyền thông Tổng thống (PCOO) đã tổ chức Đối thoại đầu tiên “Một ASEAN cùng nhau an toàn hơn” tập trung vào các vấn đề quan trọng liên quan đến trụ cột chính trị – an ninh trong loạt đối thoại ba vùng nhằm phổ biến thông tin về ba trụ cột của ASEAN. Những vấn đề được đặt ra trong Hội nghị giải quyết các vấn đề liên quan đến cơ hội và thách thức trong hợp tác an ninh đối với các nước thành viên ASEAN, kế hoạch hành động đối với Philippines và ASEAN nhằm giải quyết vấn đề chồng lấn vùng đặc quyền kinh tế, tranh chấp Biển Đông, cùng nhiều vấn đề khác.     Tham dự cuộc Đối thoại có các học giả, quan chức, sinh viên, thành viên của các cơ quan ngoại giao. Phát biểu khai mạc tại cuộc Đối thoại, Trờ lý Ngoại trưởng Philippines Hellen De La Vega đã tóm lược tình hình hợp tác khu vực, nhấn mạnh tác động của tình hình Biển Đông đến hoà bình và ổn định ở khu vực. Ngoài ra, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Raymung Jose Quilop cũng bày tỏ quan điểm về vấn đề tiềm lực quốc phòng nhằm đối phó với các vấn đề an ninh xuyên quốc gia.

Đối phó với tham vọng lấn biển của Trung Quốc

Ngày 17/6, trang Today Online đăng bài viết “Bình luận: Đối phó với hoạt động lấn biển cường độ cao của Trung Quốc” của Brahma Chellaney, Giáo sư Nghiên cứu Chiến lược, Trung tâm Nghiên cứu Chính sách, Viện Robert Bosch trụ sở New Delhi, Ấn Độ. Tác giả bài viết cho rằng trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng trở nên hiếu chiến trong vấn đề biên giới lãnh thổ, Ấn Độ cần có một chiến lược “kiềm chế” mới. Tương tự như cách đang làm dọc biên giới Himalaya của Ấn Độ, tại Biển Đông, lực lượng hải quân cuar Trung Quốc đang tận dụng chiến lược “phi vũ trang”, sử dụng ngư dân của họ để tăng cường hoạt động bồi đắp các đảo, đá ở khu vực nhằm tránh gây ra sự phản đối so với khi tiến hành các hoạt động của quân đội. Cụ thể, hiện nay, Trung Quốc đag theo đuổi hướng tiếp cận “đa lớp” đối với vấn đề biên giới, ngăn chặn lối tiếp cận của đối phương trước đó họ kiểm soát và dần dần vây kín khu vực bằng nhiều lớp bảo vệ an ninh và dân sự. Trong bối cảnh này, nhằm ngăn chặn Trung Quốc tiếp tục có những hành động lấn chiếm, Ấn Độ cần phải có những động thái “dằn mặt” mạnh mẽ hơn.

Tàu khu trục gắn tên lửa của Trung Quốc sắp tham gia diễn tập chung với Nga

Tờ Thời báo Hoàn cầu cho biết, tàu Changsha, tàu khu trục loại 052D, tàu hộ vệ tên lửa Yuncheng và tàu hậu cần Luoma Lake  đã rời Tam Á, tỉnh Hải Nam tới St. Peterburg và Kaliningrad, Nga để tiến hành cuộc tập trận hàng hải chung đầu tiên giữa Trung Quốc và Nga có tên “Liên hợp trên Biển 2017”. Thời báo Hoàn cầu cho biết các cuộc tập trận trong năm nay sẽ tập trung vào nội dung cứu hộ chung và bảo vệ các loại tàu bè. Dự kiến, giai đoạn đầu sẽ được thực hiện tại Biển Baltic vào tháng 7 và giai đoạn 2 tại “Biển Nhật Bản” (Biển Hoa Đông) và Biển Okhotsk vào tháng 9. Ông Li Jie, chuyên gia hải quân Trung Quốc mạnh miệng tuyên bố “bằng việc đưa các tàu khu trục mang tên lửa hiện đại nhất, Trung Quốc đang bày tỏ sự “thiện chí” của mình với Nga đồng thời đưa ra tín hiệu mạnh mẽ cho các nước khác có ý đồ gây hấn với Trung Quốc”.

RELATED ARTICLES

Tin mới