Nhà phân tích Saleha cho rằng Ankara có thể trở thành “mục tiêu” tiếp sau Qatar. Tuy nhiên, điều này khó có khả năng xảy ra.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu gặp gỡ Quốc vương Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani tại Doha ngày 14/6.
Mới đây, nhà phân tích chính trị người Thổ Nhĩ Kỳ Samer Saleha đã nhận định với Sputnik rằng, Ankara có thể trở thành “mục tiêu” tiếp sau Qatar trong tình hình căng thẳng ngoại giao vùng Vịnh hiện nay.
Ông Samer Saleha đã chia sẻ về lập trường của Ankara cũng như vai trò của các quốc gia khác trong khủng hoảng ngoại giao Qatar. Ông cho biết:
”Trong tình huống này, Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng nước này có thể trở thành mục tiêu tiếp theo sau Qatar. Các chuyên gia và nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng một cuộc tấn công nhắm vào nước này có thể xảy ra bắt nguồn từ cả các nước vùng Vịnh và Mỹ.
Điều này đã rõ ràng sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Saudi Arabia. Đó là lý do Thổ Nhĩ Kỳ phản ứng nhanh chóng và có thái độ như vậy. Đó có thể là một phần trong kế hoạch của Mỹ tại khu vực này”.
Theo vị chuyên gia, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran phản đối kế hoạch này, Ankara và Tehran muốn nhìn khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh từ một góc độ khác.
Ông Saleha nhận định: ”Tôi cho rằng một trong những lý do là tính cấp thiết để bảo vệ những lợi ích chính trị và kinh tế chung. Trong những năm gần đây, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar đã phát triển.
Hơn thế nữa, Qatar liên tục hỗ trợ chính trị cho Thổ Nhĩ Kỳ, sau cuộc đảo chính lật đổ chính phủ bất thành năm 2016. Đặc biệt, mối quan hệ song phương tăng cường là kết quả của việc thiết lập căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar”.
Trước đó, ngày 9/6, Tổng thống Erdogan đã chấp thuận đạo luật cho phép triền khai binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar. Theo đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar Ahmet Demirok, khoảng 3.000 binh sĩ, thành viên lực lượng không quân và hải quân sẽ được triển khai tại căn cứ quân sự ở Qatar.
Ông Saleha khẳng định, ở thời điểm hiện tại, khủng hoảng ngoại giao Qatar không thể giải quyết được nếu thiếu sự có mặt của các nước lớn trong khu vực như Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Theo nhà phân tích này, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những quốc gia đã cống hiến để ngăn chặn khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh leo thang.
Mục tiêu khó nhằn
Giới phân tích cho rằng, kịch bản Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo sau Qatar như dự đoán của Samer Saleha rất khó có thể xảy ra.
Bởi lẽ, Thổ Nhĩ Kỳ không giống như Qatar, Ankara sẽ không ngồn yên chịu trận mà họ sẽ phản kháng, khi ấy ”lưỡng bại câu thương” là điều không thể trách khỏi. Đối thủ của Ankara cũng không muối điều đó xảy ra.
Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời Tổng thống Erdogan đã không ít lần trở thành mục tiêu của các thế lực bên ngoài. Cuộc đảo chính bất thành năm 2016 là một ví dụ, Thổ vẫn đứng vững sau biến cố này.
Sau sự kiện này, ông Erdogan đã nói thẳng rằng phương Tây đứng sau cuộc đảo chính nhằm mục đích thao túng Ankara trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ nắm giữ chìa khóa người tị nạn.
Thứ hai, khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh mà tâm điểm là Qatar – một đất nước nhỏ bé mà Mỹ và các nước vùng Vịnh còn đang phải đau đầu tìm ra phương án giải quyết. Vậy một thành viên quan trọng của NATO như Thổ Nhĩ Kỳ thì Mỹ sẽ giải quyết bằng cách nào?.
Thực chất, phương Tây mà cụ thể ở đây là Mỹ vẫn còn cần đến các đồng minh của mình tại Trung Đông trước sức ảnh hưởng ngày càng lớn của Nga tại khu vực này. Nói cách khác, cái mà Washington muốn không phải là tiêu diệt đồng minh mà là lợi ích Mỹ nhận được từ đồng minh.