Chính phủ Trung Quốc ngày 1/4/2017 ra quyết định thành lập “Khu kinh tế mới Hùng An” thuộc tỉnh Hà Bắc. Đây được ví như “sự lựa chọn mang tính chiến lược lịch sử”.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: AP)
Báo chí Trung Quốc cho biết kể từ khi lên nắm quyền, Chủ tịch Tập Cận Bình rất trăn trở về những vấn đề: Tốc độ tăng trưởng GDP ngày càng suy giảm; Thủ đô Bắc Kinh ngày càng đứng trước nhiều sức ép; Kinh tế Trung Quốc cần một mô hình mới.
Ngay từ đầu năm 2014 ông Tập đã liên tục đi khảo sát để tìm chọn điểm xây dựng một khu kinh tế mới nằm ở giữa Bắc Kinh, Thiên Tân và tỉnh Hà Bắc. Qua chọn lọc thì Hùng An thỏa mãn những yêu cầu đặt ra.
Viễn cảnh tăng trưởng GDP ảm đạm
Theo quy hoạch tổng thể về mục tiêu phát triển kinh tế do Đại hội 18 của đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2012 đề ra, GDP năm 2020 sẽ tăng gấp hai lần GDP năm 2010, hoàn thành xây dựng “xã hội khá giả toàn diện”, thực hiện mục tiêu “Hai mốc 100 năm”, mốc thứ nhất tới 100 năm thành lập ĐCSTQ (1921 – 2021) và mốc thứ hai là 100 năm Quốc khánh Trung Quốc (1949 – 2049).
Hai mốc quan trọng là cơ sở cho thực hiện “giấc mộng Trung Hoa”, xây dựng Trung Quốc thành “Trung tâm thế giới”.
Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016 – 2020) do Hội nghị toàn thể trung ương 5 thông qua ngày 29/10/2015 là cơ sở thực hiện mục tiêu trên.
Tuy vậy, tốc độ tăng trưởng GDP những năm qua ngày càng suy giảm là một thách thức lớn, thậm chí ảnh hưởng tiêu cực tới Kế hoạch 5 năm và “Giấc mộng Trung Hoa” do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng, cản trở hoàn thành mục tiêu xây dựng “xã hội khá giả toàn diện”.
Số liệu của Trung Quốc cho biết mức tăng trưởng GDP năm 2016 chỉ đạt 6,7%, thấp nhất trong 9 năm qua và kém xa mức tăng trưởng từ 9% tới 14,2% của những năm trước.
Báo cáo công tác Chính phủ của Thủ tướng Lý Khắc Cường trước Quốc hội đầu tháng 3/2017, cho biết tốc độ tăng trưởng GDP năm 2017 và thời gian tới sẽ chỉ xấp xỉ ở mức 6,5%. Đây là mức thấp nhất trong 10 năm qua, nhưng các nhà kinh tế dự đoán rất khó thực hiện được, dự kiến năm 2017 tụt xuống còn 6%, thậm chí chỉ 5,5%.
Nguyên nhân do tình hình phát triển kinh tế của bản thân Trung Quốc mấy năm qua không mấy lạc quan trong khi tình hình kinh tế thế giới chưa khởi sắc.
Bởi vậy, Trung Quốc cần tìm kiếm điểm kích thích tăng trưởng mới, giống như Đặc khu kinh tế Thâm Quyến vào thập niên 1980 hay Phố Đông của Thượng Hải những năm 1990. Hùng An cũng sẽ trở thành tiêu chí của Thế kỷ
Thủ đô Bắc Kinh trước nhiều sức ép
Hiện dân số Bắc Kinh xấp xỉ 23 triệu người, trong đó số sinh viên của 34 trường Đại học cấp quốc gia cùng với các nhà khoa học, nhân viên của 120 Viện, cơ quan nghiên cứu trực thuộc trong đó 42 viện tập trung ở Bắc Kinh, đó là chưa kể các trường trung cấp, cao đẳng dạy nghề, các cơ quan Đảng, Nhà nước, các công ty…
Vì vậy, Bắc Kinh đang đứng trước sức ép lớn về các mặt, như ô nhiễm môi trường, giao thông ùn tắc, mật độ công sở và dân số quá đông.
Những sức ép này đã cản trở sự phát triển của Bắc Kinh. Để giải tỏa tình trạng này cần có một Khu vực mới có chức năng như một “thủ đô phụ” hỗ trợ cho Bắc Kinh.
Kinh tế Trung Quốc cần mô hình mới
Lịch sử phát triển kinh tế hơn 37 năm qua cho thấy mỗi khi kinh tế Trung Quốc gặp phải khó khăn thách thức thì Trung Quốc thường tiến hành xây dựng “Đặc khu kinh tế”, “Khu kinh tế mở cửa” để kích thích tăng trưởng.
Tính tới nay, tổng cộng có 18 Khu kinh tế cấp quốc gia và cấp tỉnh. Điển hình trong thập niên 1980 có bốn Đặc Khu kinh tế, trong đó Thâm Quyến tới nay vẫn đóng vai trò to lớn.
Năm 1988, Trung Quốc xây dựng thêm “Đặc khu kinh tế Hải Nam”, nhưng tới nay Đặc khu này không mấy hiệu quả. Tiếp đó, có “Khu tam giác mở cửa ven biển”, “Khu kinh tế tam giác Trường Giang”, trong đó “Khu kinh tế Phố Đông – Thượng Hải” là thành công hơn cả.
Sau khi thu hồi Hồng Kông và Macau, kinh tế hai nơi bị sa sút. Năm 2003 chính phủ Trung Quốc quyết định xây dựng Khu kinh tế mở cửa theo hình thức hợp tác giữa các thành phố ở Đại lục với Hồng Kông và Macau, được gọi là “Đối tác kinh tế chặt chẽ hơn” (Closer Economic Partnership Arrangement – CEPA).
Tiếp đó, ngày 22/8/2013 Chính phủ Trung Quốc phê chuẩn thành lập “Khu thí nghiệm mậu dịch tự do Thượng Hải” (Shanghai Pilot Free Trade Zone) nhằm hòa nhập hơn nữa với tiến trình toàn cầu hóa và kích thích kinh tế Thượng Hải cùng vùng phụ cận.
Tuy nhiên, trong số 18 “Khu kinh tế mới” chỉ có Thâm Quyến, Phố Đông có tác động lớn, còn lại hiệu quả không cao, không đáp ứng được yêu cầu mới trong nước và tình hình phát triển kinh tế thế giới hiện nay.
Vì vậy, Chủ tịch Tập Cận Bình muốn có một “Khu kinh tế mới” theo một hình mẫu mới đáp ứng được yêu cầu tăng trưởng trong nước và theo kịp sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của thế giới, đồng thời thí điểm thực hiện “Hiện đại hóa thứ 5” của mình.
Từ đó, Hùng An sẽ để lại một dấu ấn mới, trở thành “Kế sách nghìn năm”. “Thập kỷ 1980 nhìn Thâm Quyến, Thập kỷ 1990 nhìn Phố Đông” và nay “Thế kỷ 21 nhìn Hùng An”.
Khu kinh tế mới Hùng An
Trong bối cảnh trên, Hùng An được lựa chọn để đáp ứng được yêu cầu mới phát triển kinh tế hiện nay.
Theo báo chí Trung Quốc ngày 2/4/2017 cho biết “Khu kinh tế mới Hùng An” thuộc tỉnh Hà Bắc, gồm 3 huyện ở phía đông tỉnh Hà Bắc là Huyện Hùng, Huyện Dung Thành, Huyện An Tân và Vùng phụ cận, tổng diện tích thiết kế 2000 Km2, được chia làm 3 giai đoạn xây dựng và phát triển.
Giai đoạn 1 phát triển phạm vi 100 km2, Giai đoạn 2 đạt 200 km2 và Giai đoạn 3 đạt 2.000 km2, lớn hơn Đặc khu Thâm Quyến, gấp 3 lần thành phố New York của Mỹ.
Khu kinh tế này nằm trong lục địa, không có lợi thế ven biển, nhưng lại ở khu vực bản lề, có cự ly cân bằng như một tam giác đều giữa Bắc Kinh với Thiên Tân và tỉnh Hà Bắc, nên thuận tiện cho xây dựng và phát triển cả ba nơi.
Sau khi hoàn thành, Khu kinh tế mới Hùng An sẽ giải tỏa được sức ép hiện nay của thủ đô Bắc Kinh bằng cách di dời một số Trường đại học, trung học, dạy nghề, Viện nghiên cứu, công sở nhà nước, trụ sở các công ty… về Hùng An.
Viện sĩ Từ Khoang Địch, Trưởng ban tư vấn phát triển Hùng An – cho biết Chính phủ thông qua quyết định ngày 1/4, nhưng phải tới cuối tháng 6 thì phương án quy hoạch tổng thể mới xong.
Kể từ đầu năm 2014 tới tháng 4/2017, phương án xây dựng “Khu kinh tế mới Hùng An” được giữ tuyệt mật với giới truyền thông và báo chí nước ngoài, vì nó liên quan tới nhiều vấn đề trọng đại quốc gia.
Tân Hoa Xã cho biết trong quá trình khảo sát địa điểm cho khu kinh tế mới, ông Tập và Phó Thủ tướng Trương Cao Lệ đều đưa ông Từ Khoang Địch tháp tùng để tham khảo ý kiến.
Ông Tập sẵn sàng hạ bệ những ai chống lại cải cách
Trang Đa Chiều hôm 4/6 dẫn phát biểu của một số học giả Trung Quốc cho rằng để hoàn thành được sứ mệnh “Thế kỷ 21 nhìn Hùng An” thì khu kinh tế mới phải có sự đột phá vượt tầm của Thâm Quyến và Phố Đông.
Bước đột phá được kỳ vọng là sự phá bỏ “cơ chế nhị nguyên” của xã hội Trung Quốc, tiêu biểu là chế độ hộ khẩu nông thôn và thành thị, vốn bị xem là tác nhân gây ra lực cản với mô hình kinh tế mới. Chỉ khi nào không có sự phân biệt “dân thành thị” hay “dân nông thôn” thì mới tạo ra một cơ chế mới.
Viện trưởng Viện chính trị học thuộc Viện khoa học xã hội Trung Quốc, ông Phòng Ninh ngày 11/6 nói với báo giới rằng hiện nay tình hình thế giới thay đổi rất phức tạp, để làm được đòi hỏi thời gian lâu dài.
Xây dựng Hùng An cũng là một cuộc cải cách lớn như ông Tập Cận Bình nhấn mạnh trong Hội nghị lần thứ 25 Tiểu tổ trung ương lãnh đạo đi sâu cải cách toàn diện, họp tại Bắc Kinh ngày 27/6/2016:
“Nó đụng chạm tới lợi ích của nhiều người… Ai cải cách thì đề bạt, ai không cải cách thì hạ bệ để người khác lên thay”.
Dư luận Trung Quốc và thế giới đang theo dõi “Khu kinh tế mới Hùng An”, một “Công trình ngàn năm” tiến triển thế nào thời gian tới.