Bản tin Biển Đông ngày 20/06/2017.
Bình thường hoá các hoạt động quân sự ở Biển Đông
Ngày 19/6, trang Trung tâm An ninh Biển quốc tế đăng bài viết “Bình thường hoá các hoạt động quân sự ở Biển Đông” của Brandon D. Hughes, Chuyên gia phân tích khu vực cấp cao thuộc trung tâm Asia for Planet Risk. Tác gỉa bài viết cho rằng các động thái của Trung Quốc không chỉ dừng lại ở những quyết định mang tính chiến thuật mà nằm trong tổng thể chiến lược lớn hơn nhằm vào các đối thủ cạnh tranh ở khu vực, các quốc gia ở khu vực lân cận và Mỹ. Cụ thể, Bắc Kinh đang tìm cách lảng tránh những lo ngại của cộng đồng quốc tế về hành động quân sự hoá của nước này ở khu vực bằng cách “đơn thuần là vẫn tiếp tục những kế hoạch của mình”, “thúc đẩy các hoạt động “tiêu chuẩn” và “đã được lên lịch trình””, qua đó “bẻ cong tình hình để phù hợp với lợi ích của nước này”. Ngoài ra, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đang triển khai đồng loạt nhiều biện pháp nhằm “thúc đẩy lợi ích chung” với các nước láng giềng và đánh lạc hướng dư luận khỏi những nỗ lực quân sự hoá phi pháp của nước này. Theo tác giả, Trung Quốc đã sử dụng chiến lược “thăm dò, thử nghiệm và bình thường hoá những nỗ lực kinh tế và quân sự” đồng thời tăng cường thông điệp mang tính chiến lược là “mô tả” các hoạt động và chính sách kinh tế, quân sự này chỉ là “một bộ phận bình thường của công việc quản lý nhà nước”. Ông Hughes bày tỏ lo ngại rằng hoạt động của Trung Quốc trên các đảo nhân tạo nước này xây dựng trái phép trên Biển Đông cho thấy đó chỉ là điểm khởi đầu cho các hoạt động quân sự và dân sự trên biển, đồng thời tạo ra “vùng đệm địa lý” nhằm chống lại ảnh hưởng từ phương Tây. Dù việc bồi đắp các đảo nhân tạo và lắp đặt các thiết bị quân sự không tạo ra ưu thế đáng kể để Trung Quốc tăng cường lực lượng song tác giả nhận định rằng các công trình của Trung Quốc “vẫn có giá trị” vào thời điểm này, cụ thể là “một chỗ đứng lâu dài” ở Biển Đông. Ông Hughes cho rằng việc đối phó với cách hành xử hiếu chiến của Bắc Kinh ở Biển Đông là “quan trọng” nhưng Mỹ và các nước ASEAN vẫn cần có những bước đi cụ thể trước khi “các tiền đồn trở thành các căn cứ bị quân sự hoá ở quy mô lớn hơn”.
Các quan chức Đông Nam Á lên tàu sân bay Nhật Bản tiến hành chuyến thăm Biển Đông
Reuters cho biết, ngày 19/6, theo nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản, các quan chức quân sự Đông Nam Á đã bắt đầu lên tàu sân bay Izumo của hải quân Nhật Bản để bắt đầu chuyến thăm 4 ngày ở Biển Đông. Reuters nhận định, đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy Nhật Bản đang thúc đẩy nỗ lực nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Nhật Bản này cho biết ngày 20/6, đại diện quân sự các nước ASEAN sẽ tham gia vào một sự kiện kéo dài 3 ngày để chứng kiến các cuộc diễn tập quân sự cứu hộ thiên tai của Lực lượng Tự vệ (SDF). Tại một cuộc họp báo tại Tokyo, một quan chức Bộ này cho biết “đây là lần đầu tiên Nhật Bản tiến hành hoạt động này”. Reuters cho hay, các sự kiện này thể hiện mức độ hợp tác chưa từng có giữa quân đội Nhật Bản và các quan chức quốc phòng dân sự nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế, đồng thời đánh dấu bước phát triển trong ngoại giao quân sự dưới thời Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, trong bối cảnh Nhật Bản đang lo ngại về việc Trung Quốc ngày càng ráo riết củng cố quyền kiểm soát ở Biển Đông với các tiền đồn xây dựng trái phép.