Vụ chiến đấu cơ Mỹ bắn hạ một máy bay của không quân Syria hôm 18-6 đánh dấu sự leo thang đối đầu giữa những lực lượng ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad và Mỹ.
Chiến đấu cơ F/A-18E Super Hornet, loại máy bay bắn hạ máy bay Syria. Ảnh: Reuters
Đây là lần đầu tiên quân đội Mỹ bắn hạ một máy bay Syria kể từ khi nội chiến nổ ra ở quốc gia Trung Đông này năm 2011.
Đây cũng là lần đầu tiên máy bay Mỹ tiêu diệt một mục tiêu trên không kể từ năm 1999. Khi đó (vào ngày 4-5-1999), trung tá Michael H. Geczy của Phi đội Viễn chinh 78 đã dùng tên lửa không đối không tầm trung AIM-120 bắn hạ một chiếc Mig-29 của quân đội Serbia trên bầu trời Bosnia.
Gần đây hơn, một chiếc chiến đấu cơ Mỹ đã bắn hạ một máy bay không người lái có vũ trang của Syria hôm 8-6. Khi đó, máy bay Syria tấn công lực lượng liên quân đang tuần tra chung với các lực lượng thân Mỹ ở miền Nam Syria.
Trang Daily Beast nhận định sự leo thang của trận chiến trên không phận Syria có thể đẩy lực lượng Mỹ và Nga vào thế đối đầu khi hai nước này ủng hộ các bên đối đầu nhau trong cuộc nội chiến kéo dài 6 năm qua.
Đáng chú ý là vụ việc trên xảy ra ngay trong ngày Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran phóng tên lửa về phía các mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria.
Giới chức Mỹ cho biết dường như không có mối liên hệ trực tiếp nào giữa 2 sự kiện nhưng chúng nêu bật mức độ phức tạp của khu vực, nơi Syria, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Israel và Mỹ cùng các đồng minh tiến hành các vụ không kích hoặc tấn công tên lửa vì những mục tiêu khác nhau.
Riêng Nga đã triển khai hàng chục chiến đấu cơ đến Syria, không kích cả IS và lực lượng nổi dậy, trong lúc duy trì các cuộc tuần tra trên không trong nỗ lực giám sát chiến đấu cơ Mỹ và đồng minh.
Mỹ và Nga cho đến giờ vẫn nỗ lực tránh đối đầu bạo lực trên không phận Syria. Tuy nhiên, dưới thời Tổng thống Donald Trump và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis của Mỹ, lực lượng Mỹ không ngần ngại tấn công lực lượng của chế độ ông Assad bị xem là can thiệp vào hoạt động của liên quân.
Nga vẫn chưa phản ứng chính thức về vụ việc trên nhưng nhiều khả năng sẽ tỏ thái độ không hài lòng.
Vào tuần rồi, Moscow đã có thái độ như thế trước thông tin Mỹ sẽ đưa hệ thống rốc két pháo binh di động tầm cao (HIMARS) đến căn cứ quân sự Al-Tanf bên trong Syria, gần biên giới với Iraq.
Bộ Quốc phòng Nga nói việc triển khai này cho thấy Mỹ có ý định tấn công các lực lượng chính phủ Syria.
Sự triển khai này cũng đánh dấu hiện diện quân sự của Mỹ tại miền Bắc Syria ngày càng rõ nét. Đây là nơi các lực lượng thân Mỹ, chủ yếu là Lực lượng Dân chủ Syria (SDF, bao gồm người Kurd và Ả Rập), đang đẩy mạnh cuộc chiến giành lại TP Raqqa từ tay IS.