Friday, November 15, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiQuy trình vận hành của chiến hạm Mỹ trên biển

Quy trình vận hành của chiến hạm Mỹ trên biển

Các tàu chiến Mỹ hoạt động trên biển phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt để tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra.

Khu trục hạm USS Fitzgerald trước khi bị va chạm. Ảnh: US Navy

Tàu khu trục USS Fitzgerald rạng sáng 17/6 va chạm với tàu chở hàng ACX Crystal treo cờ Philippines trên vùng biển gần Nhật Bản khiến 7 thuỷ thủ trên tàu chiến Mỹ thiệt mạng. Vụ tai nạn hy hữu này khiến các chuyên gia quân sự bất ngờ, bởi các chiến hạm Mỹ khi hoạt động trên biển phải tuân thủ những quy định về vận hành rất chặt chẽ, theo CNN.

Định hướng

Khi di chuyển trên biển, thủy thủ đoàn chiến hạm Mỹ liên tục tiếp nhận thông tin từ vệ tinh, radar, hệ thống định vị toàn cầu (GPS) và mắt thường để theo dõi hành trình và giám sát các tàu xung quanh. Dù được cập nhật thông tin về thời tiết và ảnh vệ tinh, tàu Mỹ không được cung cấp bản đồ giao thông đường biển theo thời gian thực.

Mức độ quan tâm đến từng thông tin tiếp nhận tùy thuộc vào tình hình, John Kirby, chuẩn đô đốc hải quân đã nghỉ hưu, chuyên gia phân tích an tinh quốc gia, cho biết.

Khi đến gần bờ hoặc tuyến đường biển tấp nập, các tàu Mỹ xử lý thông tin tiếp nhận nhiều hơn để điều chỉnh vị trí theo từng phút, mức độ xử lý thông tin ít dần khi tuyến hải trình thông thoáng hơn.

“Một loại cảm biến đa tầng, đa diện theo thời gian thực sẽ cung cấp các thông tin vị trí tàu chiến cũng như các tàu gần đó”, Kirby cho hay.

Với khu trục hạm như USS Fitzgerald, thông tin được hiển thị trên màn hình bản đồ điện tử (ECD) và hệ thống thông tin kết nối với các thiết bị thu tín hiệu GPS và cảm biến điều hướng trên tàu, chẳng hạn như các chỉ số về tốc độ và sức gió, giúp cho thủy thủ trực nắm bắt thông tin trên máy tính về vị trí và hành trình theo thời gian thực.

Thủy thủ trực ban

Đài chỉ huy trên chiến hạm Mỹ luôn có nhân viên trực 24/24. Thông thường, một kíp trực trên đài chỉ huy gồm 6-10 người, trong đó có một sĩ quan trên boong (OOD), chịu tránh nhiệm vận hành và điều hướng an toàn cũng như báo cáo tình hình với sĩ quan chỉ huy.

Lái tàu có trách nhiệm điều chỉnh hướng di chuyển của chiến hạm theo mệnh lệnh của sĩ quan trên đài chỉ huy. Thủy thủ trưởng có nhiệm vụ giám sát hệ thống radar tìm kiếm và các biểu đồ khác để liên tục cập nhật thông tin về hướng di chuyển trên đài chỉ huy. Hạ sĩ quan giám sát có nhiệm vụ hỗ trợ sĩ quan ODD và quản lý các trạm gác trên đài chỉ huy.

Dưới đài chỉ huy là trung tâm thông tin tác chiến (CIC), nơi một đội giám sát gồm 6-10 sĩ quan và một loạt chuyên gia chịu trách nhiệm vận hành hệ thống vũ khí. Tại đây, có một nhân viên vận hành radar giám sát tàu trong phạm vi và một nhân viên lập biểu đồ định hướng phụ trách theo dõi các màn hình biểu đồ điện tử và hệ thống điều hướng.

Bên ngoài tàu, một đội ngũ canh gác đài chỉ huy thường ở đuôi tàu và gần phía trước hoặc sát đài chỉ huy. Họ có nhiệm vụ liên tục dùng ống nhòm quan sát nhằm hỗ trợ radar khi chúng không thể theo dõi được tàu cá nhỏ hoặc những con sóng lớn trên vùng biển động mạnh.

“Nhiều trường hợp màn hình radar không hiển thị đúng những gì quan sát được nên cần quan sát bằng mắt thường để xác định”, Kirby cho biết.

Mọi thủy thủ trên tàu liên giao tiếp với nhau qua nhiều kênh liên lạc raddio khác nhau, trong đó có một số kênh được bảo mật. Để liên lạc với các tàu khác, họ dùng kênh liên lạc radio giữa các đài chỉ huy qua tần số giao tiếp chung theo thời gian thực.

Hỗ trợ từ cấp trên

Sở chỉ huy cấp cao hơn nắm các hoạt động của tàu trong khu vực, theo dõi hành trình và vị trí của tàu. Tuy nhiên, thủy thủ đoàn có xu hướng tuân thủ mệnh lệnh từ thuyền trưởng, người có “quyền lực đặc biệt” trên tàu và luôn có mặt ở đài chỉ huy, đặc biệt khi tiếp nhận nhiều nguồn thông tin cập nhật.

Thuyền trưởng có đầy đủ quyền hạn để sử dụng vũ khí bảo vệ tàu nếu người đó nhận định tàu khác có hành vi thù địch, đe dọa trực tiếp đến sự an toàn và an ninh của tàu và thủy thủ. Thuyền trưởng tàu USS Fitzgerald đang ở trong cabin khi vụ va chạm xảy ra, chứng tỏ ông không có mặt ở đài chỉ huy theo quy định.

“Thuyền trưởng phải có mặt ở đài chỉ huy khi tàu đến, rời cảng hoặc đi vào vùng biển tấp nập do tình hình lúc này trở nên nguy hiểm hơn. Việc thuyền trưởng tàu USS Fritzgerald ở trong cabin lúc bị đâm cho thấy tàu không thuộc ba tình huống trên”, Kirby nhận định.

Kíp trực trên đài chỉ huy

Kíp trực trên đài chỉ huy chiến hạm Mỹ phải trải qua nhiều khóa huấn luyện. Trước hết, họ phải tốt nghiệp Học viện Hải quân Mỹ hoặc Trường Sĩ quan Dự bị và tiếp tục nghiệp sĩ quan theo nhiều cách khác nhau tùy từng người như thời gian lên lớp, kiểm tra, huấn luyện chuyên môn trên nhiều loại tàu chiến.

Đặc biệt, kíp trực trên đài chỉ huy tàu hải quân Mỹ phải hoàn thành khóa học quản lý gồm lập nhóm và huấn luyện liên lạc, nhận biết tình huống, phân tích các sai sót mắc phải, lên kế hoạch cho chuyến hải trình, đối phó với căng thẳng và mệt mỏi cùng các kỹ năng khác.

“Khi một người có mặt trên đài chỉ huy chiến hạm Mỹ, anh ta đã trải qua quá trình huấn luyện và đào tạo khắc nghiệt cũng như có kinh nghiệm chuyên môn đáp ứng nhiệm vụ”, Kirby nói.

Bởi vậy, những vụ va chạm hiếm khi xảy ra với chiến hạm Mỹ. Hải quân Mỹ rất chú trọng việc đảm bảo an toàn và an ninh cho thủy thủ và tàu. Thuyền trưởng có một số lựa chọn nếu một tàu hàng cố tình đâm va tàu mình như ra lệnh chuyển hướng hoặc bắn cảnh cáo, như trong trường hợp tàu USS Mahan nổ súng cảnh cáo tàu Iran đến cách 822 mét hôm 9/1/2017.

“Hải quân Mỹ sẽ tiến hành điều tra toàn diện và sẽ rút ra những kinh nghiệm rồi đưa vào giảng dạy tại nhà trường để vụ tai nạn tương tự không bao giờ xảy ra”, Kirby nhấn mạnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới