Sau chiến thắng vang dội tại cuộc bầu cử Hạ viện Pháp, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bắt tay xây dựng bộ máy chính phủ, vẽ lại bản đồ chính trị của nước Pháp với các chương trình cải cách lao động, kinh tế, xã hội và an ninh đầy tham vọng như những gì ông đã cam kết trong quá trình tranh cử.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại một sự kiện ở Paris ngày 14/5. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Ngày 19/6, Tổng thống Macron đã tái bổ nhiệm ông Edouard Philippe vào vị trí Thủ tướng Pháp.
Nhiệm vụ trước mắt của ông Edouard Philippe là thành lập nội các mới, dự kiến sẽ được công bố vào lúc 16 giờ (giờ GMT) ngày 21/6 tới – tức 23 giờ cùng ngày theo giờ Việt Nam.
Tổng thống Macron cũng đã yêu cầu một đồng minh thân cận của mình là Bộ trưởng đặc trách Gắn kết các vùng Richard Ferrand rời khỏi nội các để phục vụ công tác điều tra một số cáo buộc trong thời gian gần đây.
Ông Ferrand – một trong những người đầu tiên trong đảng Xã hội tuyên bố ủng hộ Tổng thống Macron – vốn được cho là ứng cử viên sáng giá cho cương vị Bộ trưởng Nội vụ Pháp trong nội các mới.
Tuy nhiên, truyền thông Pháp gần đây rộ lên thông tin chính khách này đã thiên vị vợ của mình trong một thương vụ cho thuê bất động sản vào năm 2011.
Ông đã bác bỏ mọi cáo buộc, đồng thời khẳng định mọi việc ông làm đều “hợp pháp, công khai và minh bạch.”
Cũng trong ngày 19/6, Tổng thống Macron đã thông báo tìm kiếm lãnh đạo mới cho đảng cầm quyền Nền Cộng hòa Tiến bước (REM) trong quốc hội mới.
Theo kết quả kiểm phiếu vòng 2 – vòng cuối cùng cuộc bầu cử Hạ viện Pháp, đảng REM cùng liên minh Phong trào Dân chủ (MoDem) đã giành được 351 ghế, vượt xa đa số tuyệt đối (289 ghế) trên tổng số 577 ghế hạ viện.
Đây được xem là sự ủng hộ đa số lớn nhất mà một tổng thống Pháp có được trong khoảng 60 năm qua.
Quốc hội mới của Pháp đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, khi đây là một quốc hội trẻ trung – với độ tuổi trung bình trẻ hơn tới 6 năm so với các nhiệm kỳ trước đó – và đặc biệt là ít kinh nghiệm chính trị hơn so với những nhiệm kỳ trước, do đảng REM cũng mới chỉ thành lập cách đây 14 tháng.
Quốc hội Pháp nhiệm kỳ này cũng có số nữ nghị sỹ nhiều kỷ lục với 224 người, chiếm 38,8% số ghế tại Quốc hội, trong khi tỷ lệ này ở nhiệm kỳ trước là 25,8%.