Wednesday, January 15, 2025
Trang chủĐiểm tinTrừng phạt cả Nga và Iran, Mỹ “chỉ có thiệt”?

Trừng phạt cả Nga và Iran, Mỹ “chỉ có thiệt”?

Một chuyên gia người Iran cho rằng nếu dự luật tăng cường trừng phạt cả Nga và Iran được Tổng thống Donald Trump ký thành luật, Mỹ sẽ “chỉ có thiệt” khi tự cô lập mình khỏi cộng đồng quốc tế.

Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Hôm 14/6, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật áp đặt lệnh trừng phạt mới với Nga trước cáo buộc Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Về phần mình, Nga đã phủ nhận cáo buộc trên.

Lệnh trừng phạt mới được Thượng viện Mỹ đưa ra bao gồm các hình phạt nghiêm khắc hơn nhằm vào ngành công nghiệp quốc phòng, tình báo, khai thác than, vận tải biển và đường sắt cũng như giới hạn các thỏa thuận ký kết với các ngân hàng và công ty năng lượng của Nga.

Ngoài ra, Thượng viện Mỹ còn thông qua dự luật tăng cường thêm lệnh trừng phạt mới với Iran. Do đó, nếu Hạ viện thông qua và được Tổng thống Donald Trump ký thành luật, dự luật mới này sẽ áp đặt lệnh trừng phạt nghiêm khắc hơn với các cá nhân và tổ chức liên quan tới chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của Tehran cũng như chống lại Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran. Thậm chí, dự luật này còn yêu cầu Tổng thống Trump ra lệnh đóng băng tài sản của các công ty và cá nhân cung cấp hoặc chuyển giao vũ khí trái phép cho Iran.

Chia sẻ với Sputnik, chuyên gia hạt nhân Iran Hassan Beheshtipour nhận định dự luật của Thượng viện Mỹ đã đi ngược lại với những nguyên tắc nằm trong Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Nó cũng chứng minh hành động của Washington đang phá hoại tinh thần hợp tác quốc tế.

“Thỏa thuận cuối cùng về chương trình hạt nhân của Iran là yêu cầu Tehran tuân thủ mọi quy định nằm dưới sự kiểm soát của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Do đó, không có bất cứ lệnh trừng phạt hay giới hạn nào được đưa ra. Đây là việc nhằm tăng cường quan hệ hợp tác nhưng động thái của Thượng viện Mỹ lại đang tác động xấu tới nỗ lực này”, ông Beheshtipour chia sẻ.

Cũng theo ông Beheshtipour, trên thực tế, việc trong một dự luật mà Thượng viện cùng đưa ra lệnh trừng phạt với cả Nga và Iran cho thấy đảng Cộng hòa muốn tiêu diệt hai con chim chỉ bằng một hòn đá.

“Đại đa số nghị sĩ đảng Cộng hòa muốn tăng cường lệnh trừng phạt với Iran trong khi lệnh trừng phạt chống lại Nga được đại đa số nghị sĩ đảng Dân chủ đồng tình. Đảng Cộng hòa hiện đang muốn giành được sự ủng hộ từ đảng Dân chủ. Đây chính là lý do họ đưa ra cả lệnh trừng phạt Nga và Iran vào một dự luật”, ông Beheshtipour nhận định.

Ông Beheshtipour cho rằng nếu dự luật của Thượng viện được thông qua, đây sẽ là sáng kiến khiến Mỹ chịu “thiệt thòi” và mang lại những hậu quả xấu.

“Hành động này sẽ khiến Mỹ bị cô lập trên trường quốc tế. Mỹ đã vi phạm nhiều thỏa thuận và hiệp định. Song Mỹ sẽ không thể dễ dàng xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân bởi hành động này sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía Iran”, ông Beheshtipour nhấn mạnh.

Theo ông Beheshtipour, mối quan hệ hợp tác giữa Nga và Iran sẽ thực sự bùng nổ trước khả năng Mỹ tăng cường áp đặt trừng phạt với Moscow và Tehran.

Trên thực tế, dự luật của Thượng viện Mỹ sẽ còn thắt chặt các quy định giới hạn hoạt động mở rộng tín dụng cả các cơ quan tài chính Nga. Theo đó, dự luật này có thể giảm kỳ hạn thanh toán đối với các khoản bảo hiểm nợ mới trong lĩnh vực tài chính của Nga từ 30 ngày xuống còn 14 ngày và đối với ngành năng lượng là từ 90 ngày xuống còn 30 ngày.

Theo các chuyên gia tài chính từ công ty đầu tư Aton của Nga, nếu Mỹ mở rộng lệnh trừng phạt, nền kinh tế Nga cũng sẽ không bị ảnh hưởng lớn.

“Dù dự luật của Thượng viện Mỹ có được thông qua, kinh tế Nga cũng không chịu ảnh hưởng lớn. Việc giảm kỳ hạn thanh toán đối với các khoản bảo hiểm nợ cũng sẽ không gây ra tác động tiêu cực cho các ngân hàng, công ty dầu khí và khí đốt của Nga”, Sputnik dẫn lời giới chuyên gia từ Aton.

Trong khi đó, tờ Politico dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ cho hay dù chính quyền của Tổng thống Trump ủng hộ tăng cường trừng phạt Nga nhưng họ cũng lo ngại dự luật mới gây khó khăn trong tiến trình cải thiện và tái thiết quan hệ với Moscow.

Cụ thể trong phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, Ngoại trưởng Rex Tillerson nhấn mạnh: “Tôi muốn Quốc hội đảm bảo rằng bất cứ dự luật nào cũng sẽ cho phép Tổng thống được linh động trong việc phê chuẩn lệnh trừng phạt”.

Trước đó, phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, ông Tillerson cho rằng: “Mỹ cần linh hoạt trong vấn đề liên quan tới Nga. Chúng ta cần có một số kênh để tiến hành đối thoại và điều tôi muốn không phải là cắt đứt toàn bộ các kênh đối thoại”.

Về phần mình, trước thông tin Thượng viện Mỹ thông qua lệnh trừng phạt mới với Nga, Tổng thống Vladimir Putin cho rằng đây là việc gây phản tác dụng cho mối quan hệ song phương giữa hai nước.

“Dĩ nhiên là hành động này đang làm phức tạp thêm mối quan hệ Nga – Mỹ. Tôi cho rằng nó sẽ gây hại cho quan hệ hai nước”, Tổng thống Putin chia sẻ.

RELATED ARTICLES

Tin mới