Monday, November 18, 2024
Trang chủĐiểm tinBị Mỹ dọa kinh tế, Đức đảo chiều kết thân

Bị Mỹ dọa kinh tế, Đức đảo chiều kết thân

Thủ tướng Đức Angela Merkel khen ngợi vai trò Mỹ trong G20 và nỗ lực theo đuổi thỏa thuận thương mại giữa châu Âu với Mỹ.

Thủ tướng Angela Merkel muốn thúc đẩy sâu hơn thương mại châu Âu và Mỹ.

Ngày 20/6, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bày tỏ mong muốn kiếm tìm một thỏa thuận thương mại chung tại Thượng đỉnh G20 vào đầu tháng 7 tới, đặc biệt cam kết không từ bỏ hy vọng về thỏa thuận thương mại tự do giữa Mỹ và châu Âu.

Theo bà Merkel, phái đoàn Mỹ được Chính phủ Đức “mong chờ nhất” bất chấp một thực tế rằng hai bên đang có nhiều khác biệt về quan điểm.

Phát biểu trước các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu tại hội nghị hằng năm của ngành công nghiệp Đức, bà Merkel nhấn mạnh đến những lợi ích của các thị trường mở cũng như thương mại tự do và công bằng.

“Chúng tôi sẽ làm tất cả để có thể đạt được một thỏa thuận chung về vấn đề này ở Hamburg. Theo quan điểm của chính quyền mới của Mỹ, điều đó không dễ dàng, nhưng chúng ta phải nỗ lực hết sức” – Thủ tướng Đức nhấn mạnh.

Dù thừa nhận không dễ dàng, bà Merkel cam kết tiếp tục thúc đẩy thỏa thuận thương mại tự do giữa châu Âu và Mỹ, vốn sẽ chiếm 30% thương mại thế giới.

Thủ tướng Merkel cho rằng, đầu tư của Đức ở Mỹ lớn gấp 10 lần so với đầu tư của Mỹ ở Đức. Điều này có nghĩa là Đức đã tạo ra rất nhiều việc làm tại Mỹ và cũng góp phần vào xuất khẩu của Mỹ ra thị trường toàn cầu.

Những mong muốn của Thủ tướng Đức đã đánh trúng tim đen của Tổng thống Mỹ Donald Trump bởi ông từng thẳng thắn chỉ trích thâm hụt thương mại giữa Đức và Hoa Kỳ, thậm chí đe dọa đánh thuế nặng với các công ty Đức làm ăn tại Mỹ.

Trong một cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) ngày 25/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói “những người Đức này rất, rất tệ” – nguồn tin có mặt tại cuộc gặp tiết lộ với tờ báo Đức Der Spiegel.

Trang Business Insider dẫn thông tin từ tờ báo trên nói rằng lời chỉ trích cụ thể của ông Trump ở đây là ngành công nghiệp ôtô Đức xuất khẩu quá nhiều xe hơi sang Mỹ. “Hãy nhìn vào hàng triệu chiếc xe mà họ đang bán ở Mỹ. Thật tệ” – Tổng thống Mỹ nói. “Chúng tôi sẽ chấm dứt điều này”.

Theo hãng tin Reuters, hồi tháng 1, ông Trump đã dọa đánh thuế 35% đối với xe hơi Đức nhập khẩu vào Mỹ.

“Nếu các bạn muốn sản xuất xe hơi trên thế giới, thì tôi xin chúc các bạn may mắn. Các bạn có thể sản xuất xe để bán sang Mỹ, nhưng đối với mỗi chiếc xe vào Mỹ, các bạn sẽ phải đóng thuế 35%” – ông Trump nói.

Tuyên bố mang tính giảm nhẹ của Thủ tướng Merkel cũng cho thấy quan điểm nhẹ nhàng hơn với Mỹ của bà sau khi thẳng thừng chỉ trích Mỹ và lãnh đạo Donald Trump.

Hội nghị cấp cao nhóm các nước phát triển G7 ở Ý vào cuối tháng 5 đã kết thúc với nhiều bất đồng đến mức bà Angela Merkel gọi là “một chống sáu” (Mỹ chống sáu nước còn lại).

Sau đó, trong buổi mít-tinh tranh cử ở Munich hôm 28/5, bà Merkel cũng có bài phát biểu có ý ám chỉ Mỹ: “Giai đoạn chúng ta hoàn toàn tin tưởng nhau (châu Âu và Mỹ) gần như đã hết… Chúng ta, người châu Âu, phải nắm lấy số phận của mình. Chúng ta phải chiến đấu vì số phận riêng của chúng ta”.

Một giờ trước khi Tổng thống Trump viết trên Twitter rằng Đức “chơi không đẹp” về thương mại và quân sự, bà Merkel tiếp tục nói thêm: Quan hệ xuyên Đại Tây Dương có tầm quan trọng hàng đầu, nhưng do diễn biến chính sách của Mỹ, “còn có nhiều lý do nữa để chúng ta phải tự quyết định số phận châu Âu”. Bà đã kêu gọi châu Âu tăng cường cam kết với quốc tế nhiều hơn (thay vì với Mỹ).

Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel sau đó còn nói rõ hơn. Ông đánh giá hành động của ông Donald Trump đã làm suy yếu phương Tây và chính sách của Mỹ 
đi ngược với lợi ích của EU.

Brexit bắt đầu, châu Âu cuống cuồng lo phương án 2?

Ngoài ra, bên cạnh việc Đức lo ngại các chính sách mà Mỹ có thể áp đặt đối với thỏa thuận thương mại châu Âu – Mỹ, nguồn ảnh hưởng trực tiếp và rất lớn cũng đáng được quan tâm hơn là sự kiện Anh rời khỏi EU – được gọi là Brexit.

 Nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới này đang đối mặt với thời gian khó khăn với EU khi cố gắng tránh một kịch bản Brexit tồi.

Nguồn tài chính trụ cột này hiện đang bắt đầu khởi động tiến trình rời khỏi EU một cách khó đoán. Anh sẽ thực hiện Brexit cứng, cắt đứt các thỏa thuận thương mại với EU hay tiến tới Brexit mềm là tiếp tục duy trì các thỏa thuận hợp tác chủ chốt.

Nhưng dù  Anh chọn cách nào, kinh tế châu Âu cũng sẽ bị ảnh hưởng. Ở vị thế là người “cầm cân nảy mực” ở châu Âu thời gian này, chắc chắn Đức sẽ tìm cho mình và cả châu Âu phương án dự phòng trong việc ca ngợi tầm ảnh hưởng của Nga, Mỹ thay vì đợi chờ kết luận khó ngờ từ phía Anh để cứu cả châu Âu.

Vị thế người dẫn dắt ở châu Âu của Đức đang được thể hiện ngày càng rõ và đó là lý do để bà Merkel thúc đẩy chuyến thăm Nga cũng như nôn nóng đợi chờ phản ứng tốt đẹp từ phía Mỹ về các thỏa thuận thương mại giữa EU và Hoa Kỳ.

RELATED ARTICLES

Tin mới