Wednesday, October 9, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiHà Nội cấm xe máy nội đô: Bài học Bắc Kinh

Hà Nội cấm xe máy nội đô: Bài học Bắc Kinh

Sự gia tăng chóng mặt ô tô cá nhân là thách thức nảy sinh sau khi xe máy bị cấm.

Theo chuyên gia, dự thảo dường như đặt nặng việc cấm đoán hơn là đưa ra giải pháp. Ảnh: VnExpress

Cấm xe máy, lại bùng nổ ô tô

Bàn về dự thảo Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội về tăng cường quản lý phương tiện nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030, GS.TS Nguyễn Viết Trung (Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội) đặt ra vấn đề hậu cấm xe máy.

Theo đó, một khi đã cấm xe máy thì phải có phương tiện khác thay thế bởi người dân vẫn phải đi lại.

“Giả sử Hà Nội cấm toàn bộ xe máy trong các quận nội thành, người có tiền sẽ chuyển sang đi ô tô. 

Đã có bài học của Bắc Kinh (Trung Quốc) về chuyện này. Họ cấm xe máy thành công nhưng lượng ô tô riêng gia tăng chóng mặt. Hệ quả là Bắc Kinh ô nhiễm khủng khiếp. Đó cũng là vấn đề mà Hà Nội phải tính toán đến.

Cần phải ghi nhận rằng dự thảo của Hà Nội cũng đưa ra biện pháp hạn chế ô tô. Chẳng hạn, cấm ô tô hoạt động theo giờ, theo ngày trên một số tuyến phố; thí điểm cấm đỗ theo ngày chẵn lẻ; ban hành quy định hoạt động của xe taxi ngoại tỉnh…

Thế nhưng dự thảo lại không tính đến chuyện xe vào Hà Nội không phải của người Hà Nội. Chẳng hạn, họ không cho đăng ký xe ở Hà Nội thì người dân đăng ký ở tỉnh khác và vẫn đi về Hà Nội. Như vậy, giải pháp cấm đăng ký không thành công, người dân sẽ có cách lách luật”, GS.TS Nguyễn Viết Trung phân tích.

Cũng liên quan đến câu chuyện hậu cấm xe máy, một loại phương tiện khác mà GS Trung cho rằng có thể gia tăng nhanh chóng là xe đạp.

“Nếu thay bằng xe đạp thì cũng có thể xảy ra khủng hoảng. Chính vì thế, ở các nước có giải pháp sử dụng xe đạp công. Người dân sẽ tham gia vào câu lạc bộ xe đạp, đóng tiền hàng tháng để được phép sử dụng xe. Xe đạp được để ở một số nơi trong thành phố, ai có thẻ thì được mở khóa lấy xe. Khi nào sử dụng xong, lại trả lại xe đạp ở một trạm nào đó trong thành phố.

Đài Loan, Đài Bắc… cũng làm như thế, giải quyết xe máy bằng xe đạp công, tránh được ô nhiễm môi trường”, ông Trung nói.

Chuyện không tưởng

Trở lại với dự thảo cấm xe máy của Hà Nội, vị chuyên gia giao thông cho rằng  những người biên soạn đã tỏ ra khá thận trọng, tuy nhiên cái hở của dự án là chưa chỉ ra được người dân sẽ thay thế xe máy bằng phương tiện gì.

“Đề án viết theo kiểu làm cho mọi người hiểu rằng cấm xe máy trong nội thành thì sẽ thay bằng phương tiện công cộng, nhưng lại không nói rõ phương tiện công cộng này bao gồm những cái gì?

Ngay cả Tổng Công ty Vận tải Hà Nội cũng lập ra kế hoạch chỉ phát triển được 20% lượng vận tải.

Ở các nước, lượng vận tải lớn nhất là xe điện ngầm và đường sắt đô thị (50%), xe buýt (20%), còn lại đi bằng phương tiện cá nhân và họ mặc nhiên coi phương tiện cá nhân là ô tô.

Chẳng hạn, ở Pháp, muốn lái xe máy thì phải có bằng lái ô tô trước, nếu không sẽ chỉ được đi loại xe scooter, loại xe nhỏ hay được sử dụng để giao bánh mỳ, pizza.

Dự thảo viết nặng về phương tiện cá nhân và làm cho người ta hiểu lầm, nói cách khác là chưa rạch ròi hương tiện cá nhân gồm 2 loại: xe máy và ô tô.

Mặt khác, họ cũng không tính đến phương tiện đi lại cho người có nhà cách xa bến xe buýt”, GS.TS Nguyễn Viết Trung chỉ rõ.

Từ những phân tích trên, ông nhận định, tư tưởng cấm hoàn toàn xe máy là không đúng, có chăng chỉ là hạn chế bao nhiêu phần trăm xe máy.

“Hà Nội dự kiến năm 2030 sẽ cấm xe máy trong các quận nội thành, tức là chỉ còn 13 năm nữa. Với số lượng xe máy khổng lồ như hiện nay, làm sao đến năm 2030 có thể đưa nó về số 0 được? Không thể làm được cái việc không tưởng ấy”.

Vị giáo sư ghi nhận, đề cương được chuẩn bị công phu, các vấn đề về lý thuyết thì rất hay nhưng nhiều thứ không thực hiện được.

“Muốn hạn chế xe máy phải có sự đồng thuận của người dân, chứ không phải theo kiểu cưỡng chế”, GS.TS Nguyễn Viết Trung kết luận.

RELATED ARTICLES

Tin mới