Trong lúc quan hiện với Mỹ tỏ ra thiếu nồng ấm, có tin Islamabad có thể bắt tay với Bắc Kinh để Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân tại Pakistan.
Pakistan vừa đón nhóm tàu tác chiến của Hạm đội Đông Hải Trung Quốc.
Theo Đài NBC News ngày 19.6, một số nguồn thạo tin giấu tên đến từ quân đội và cộng đồng tình báo Pakistan cho biết Trung Quốc đang cân nhắc thiết lập một căn cứ hải quân tại cảng tây nam của Pakistan là Gwadar.
Được biết, Islamabad đang cần một “đối trọng” đương đầu với Ấn Độ, theo trang tin Asia Times dẫn lời một quan chức ngoại giao Pakistan tên Khan. “Trước đây là Mỹ và Ả Rập Xê Út…Hiện giờ là Trung Quốc”, ông này cho biết.
Vào cuối tuần trước, một nhóm tàu hải quân thuộc Hạm đội Đông Hải đã đến Pakistan, và theo trang tin The Express Tribune, nhóm tàu này tham gia các hoạt động huấn luyện chung với hải quân Pakistan.
Lo ngại về viễn cảnh căn cứ hải quân Trung Quốc mọc lên tại Pakistan cũng đã được thể hiện trong báo cáo cho Quốc hội Mỹ gần đây của Lầu Năm Góc, với tựa đề “Những phát triển về quân đội và an ninh ở Trung Quốc”.
Báo cáo ghi nhận Bắc Kinh có thể mở rộng sự hiện diện hải quân tại các nước “như Pakistan” và quân đội Mỹ nhận thấy “sự gia tăng về năng lực và vị thế đồn trú của quân đội Trung Quốc tại các khu vực sát biên giới với Ấn Độ”.
Lầu Năm Góc kết luận rằng các động thái trên có thể tạo nên thách thức dài hạn cho các lợi ích của Mỹ tại khu vực.
Tín hiệu cứng rắn từ Mỹ
Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang cân nhắc sẽ tăng sức ép buộc Pakistan loại trừ các tay súng đang ẩn náu tại nước này để tiến hành các vụ tấn công vào Afghanistan, Reuters ngày 21.6 dẫn lời 2 quan chức Mỹ cho biết.
Những phản ứng Washington có thể tung ra bao gồm mở rộng các chiến dịch không kích bằng máy bay không người lái ở Pakistan, giảm một số gói viện trợ cho Pakistan, và có thể dần dần đẩy Islamabad khỏi vị trí đồng minh chủ chốt không thuộc NATO đối với Mỹ.
Nhưng một số quan chức Mỹ khác tỏ ra hoài nghi về triển vọng thành công của cách tiếp cận cứng rắn này.
Theo họ, những nỗ lực trước đó của Lầu Năm Góc nhằm cắt đứt trợ giúp của Pakistan cho các nhóm phiến quân đã thất bại. Hậu quả là những năm gần đây Mỹ càng xích lại gần Ấn Độ, làm hỏng các cơ hội đạt được đột phá trong quan hệ với Islamabad.
Giới chức Mỹ cho hay về mặt tổng quát, họ muốn nhận được sự hợp tác sâu rộng hơn với Pakistan chứ không phải làm đổ vỡ quan hệ, trong bối cảnh Washington đang kết thúc quá trình đánh giá lại chiến lược dẫn dắt cuộc chiến kéo dài 16 năm tại Afghanistan, dự kiến vào giữa tháng 7.