Chính phủ Mỹ đang thúc giục Trung Quốc “gây áp lực” để có thể cắt đứt các nguồn kinh tài cho việc phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Các cuộc gặp 2+2 Mỹ – Trung lần thứ nhất dưới trào Tổng thống Donald Trump diễn ra hôm 21-6 tại Washington được Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đánh giá là “rất hiệu quả”.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết tham dự cuộc đối thoại an ninh – ngoại giao cấp cao, về phía nước chủ nhà có Ngoại trưởng Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis. Trong khi đó, đứng đầu phái đoàn đối thoại Trung Quốc là ủy viên quốc vụ Dương Khiết Trì và tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc, thượng tướng Phòng Phong Huy.
“Gây áp lực”
Các cuộc gặp 2+2 này là kết quả cụ thể nhất của thượng đỉnh Trump – Tập tại Mar-a-Lago đầu tháng 4-2017. Ngoại trưởng Tillerson, trong họp báo sau cuộc gặp, đã tóm tắt những gì ông và đối tác đối thoại Dương Khiết Trì đã nói với nhau và cùng hiểu: “Mối đe dọa cấp tính nhất trong khu vực hiện nay là do Triều Tiên gây ra. Cả hai bên đều kêu gọi phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên một cách trọn vẹn, có thể kiểm chứng được và không thể đảo ngược được”.
Nghe qua cụm từ “cả hai bên đều…”, dễ hiểu rằng đã có một sự nhất trí cao. Song, phát biểu tiếp của ông Tillerson cho thấy không phải như thế: “Chúng tôi nhắc lại rằng Trung Quốc có trách nhiệm ngoại giao để gây áp lực kinh tế và ngoại giao lớn hơn nữa với Triều Tiên, nếu như muốn ngăn chặn sự leo thang tiếp thêm nữa trong khu vực”.
“Gây áp lực” hơn nữa bằng cách nào? Ông Tillerson giải thích luôn: “Triều Tiên đã sử dụng một số công ty tạo vốn cho các chương trình vũ khí của mình. Chúng ta phải thêm nỗ lực cắt đứt các nguồn thu nhập này đi. Các nước trên thế giới và trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đang góp phần tham gia nỗ lực này. Chúng tôi hi vọng Trung Quốc sẽ cũng đảm nhận phần của mình”.
Nôm na mà nói, (1) các công ty Trung Quốc thôi buôn bán với các công ty “thu gom ngoại tệ” của Triều Tiên; (2) cả thế giới đang làm, sao Trung Quốc vốn là thường trực Hội đồng Bảo an chưa làm? Rõ ràng, ông Tillerson đã “giở bài” của mình.
Mỹ – Trung: Có thể tránh được xung đột
Vài ba tháng nay có dư luận ngờ rằng có thể Mỹ đã có một đổi chác nào đó trong canh bạc Triều Tiên với Trung Quốc.
Ông Tillerson vén bức màn dư luận đó ra: “Chúng tôi cũng đã có một trao đổi quan điểm thẳng thắn về vấn đề Biển Đông. Bộ trưởng Mattis và tôi đã tỏ rõ rằng lập trường của Hoa Kỳ vẫn giữ nguyên không thay đổi. Chúng tôi phản đối những thay đổi hiện trạng vốn có bằng cách quân sự hóa các tiền đồn trên Biển Đông, và yêu sách trên biển quá đáng không được luật pháp quốc tế ủng hộ; đồng thời chúng tôi duy trì tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông”.
Về điều này, Trung Quốc đã cam kết “giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và phù hợp với các nguyên tắc được thừa nhận của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển”.
Nghe qua câu chuyện này tới đây, không thể không tự nhủ: vấn đề là những “cam kết” như thế về vấn đề này hay về vấn đề khác, tỉ như vấn đề Triều Tiên, không mới mẻ gì. Y hệt chuyện “xây dựng niềm tin”.
Ông Tillerson cho thấy ông cũng “nắm tình hình” cho dù mới thôi công việc quản lý kinh doanh nhảy qua làm “ngoại giao” được có 5 tháng: “Một phần quan trọng (khác) trong cuộc thảo luận của chúng tôi là về 40 năm tới, nhằm gia tăng sự tin tưởng lẫn nhau và về lâu về dài nhằm giảm thiểu rủi ro giữa hai quân đội và chính phủ”.
Có thể thấy trên lý thuyết, hai bên trao đổi, nhất trí, cam kết… là như vậy, song vấn đề là “muốn gì trong đầu?”. Bởi thế, cuối cùng Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đưa ra một nhận xét thật “não nề”: “Trong khi chuyện cạnh tranh giữa hai nước là chắc chắn xảy ra, xung đột lại không phải là không tài nào tránh khỏi được”.