Quyết định rút khỏi Hiệp định Hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Washington đã khiến cho nhiều công ty Nhật Bản ngày càng không chắc chắn về tương lai của họ tại Mỹ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu, Chiết Giang, Trung Quốc năm 2016.
Theo hãng thông tấn Sputnik, hiện nay các công ty Nhật Bản đang tìm kiếm con đường nhằm thoát khỏi bế tắc do các chính sách kinh tế mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Một trong những lựa chọn được xem xét là chuyển sang thị trường mới, đặc biệt là Trung Quốc, với rủi ro thấp hơn và năng suất cao hơn.
Một nghiên cứu vào cuối năm 2016 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho thấy, 40,1% trong số 8.852 công ty Nhật được khảo sát nói rằng họ đang cân nhắc mở rộng kinh doanh tại Đại lục, nhiều hơn so với con số 38,1% của năm 2015. Trong khi đó, số lượng các công ty Nhật muốn rời khỏi thị trường Trung Quốc lại rất thấp, chỉ có 7,1%.
Được biết, sự lạc quan của các công ty xứ mặt trời mọc đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã được nhìn thấy lần đầu tiên kể từ năm 2001, khi mối quan hệ căng thẳng giữa Bắc Kinh – Tokyo ”hạ nhiệt” xuống mức thấp nhất.
Theo Ekaterina Arapova, một chuyên gia của Viện Quan hệ quốc tế Mexico (MGIMO), động thái chuyển hướng của các doanh nghiệp Nhật Bản là hoàn toàn hợp lý. “Hiện tại, mục tiêu của họ là tìm kiếm một thị trường có tiềm năng và năng suất cao. Trước đây họ đặt hi vọng vào TPP, nhưng kể từ sau khi Mỹ rút ra khỏi hiệp định, họ phải tìm kiếm các giải pháp thay thế khác. Và Trung Quốc cho tới thời điểm này dường như là ứng viên khá hoàn hảo, các công ty Nhật Bản dự kiến sẽ tăng cường sự hiện diện của họ ở đó”, ông Arapova dự báo.
Chuyên gia này cũng chỉ ra một số lý do khác, bao gồm vai trò kinh tế ngày càng được được mở rộng và tăng cường của Đại lục trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. “Nền kinh tế Nhật Bản hiện có tiềm năng tăng trưởng thấp hơn so với nền kinh tế của các nước đang phát triển ở Đông Á và Đông Nam Á. Vai trò trung tâm công nghệ trong khu vực của nước này cũng không còn khi Trung Quốc đang dần vươn lên chiếm lĩnh. Vì thế, các công ty Nhật Bản sẽ nắm lấy thị trường của nước láng giềng như một cơ hội lớn để tăng trưởng”, ông Arapova nói.
Các chuyên gia khác cũng lưu ý rằng, rõ ràng Đại lục đang là một thị trường có tiềm năng to lớn mà không một quốc gia nào có thể bỏ qua. “Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của 130 quốc gia trên thế giới. Thị trường nước này có sức tiêu thụ khổng lồ. Hơn nữa, chính phủ Bắc Kinh còn đang thực hiện sáng kiến lớn Một vành đai – Một con đường để gia tăng sự hợp tác trên toàn cầu. Vì vậy, dù có những khác biệt chính trị, nhưng điều đó cũng không thể ngăn cản hai nước Nhật – Trung gián đoạn hợp tác kinh tế”, Liu Ying, một chuyên gia tài chính tại Đại học Renmin, Trung Quốc, phân tích.