Ngày 12-6, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi đẩy nhanh tiến trình đàm phán về COC mà không có sự can thiệp từ bên ngoài. Theo ông Vương Nghị, Trung Quốc và các nước ASEAN đã đồng ý về một hiệp định khung cho COC hôm 18-5, trước thời hạn được ấn định. Ông Vương Nghị cho rằng, việc thảo luận và ký COC được quy định trong DOC và đó là điều Trung Quốc và các nước ASEAN đã cam kết. Gần 1 năm trước (tháng 7-2016), Trung Quốc và các nước ASEAN đã ra tuyên bố chung về việc tiến hành đầy đủ và hiệu quả của DOC. Và điều này đã tạo tiền đề cần thiết cho đàm phán COC
Dư luận đang đặc biệt quan tâm tới việc Trung Quốc thu thập dữ liệu lịch sử về Biển Đông. Bởi Trung Quốc vừa khởi động dự án nghiên cứu để thu thập dữ liệu lịch sử được ghi lại trong những chuyến thám hiểm của họ từ thập niên 1950 của thế kỷ trước ở Biển Đông. Và dự án này là 1 trong 14 chương trình được Bộ Khoa học và Công nghệ thông qua trong năm nay. Dự án có sự tham gia của 193 học giả đến từ 10 viện nghiên cứu và các trường đại học Trung Quốc chuyên về các lĩnh vực như đời sống hải dương, sinh học, thủy sản và địa lý. Tân Hoa xã cũng trích lời Viện phó Viện Hải dương học Nam Hải thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc cho biết, các nhà nghiên cứu sẽ thu thập và tổng hợp “những dữ liệu và tài liệu quý giá” được ghi lại trong các cuộc thám hiểm đại dương và những hòn đảo cũng như bãi đá ngầm trong Biển Đông. Press Trust of India cho biết, bất chấp những phản ứng từ các nước láng giềng như Philippines, Malaysia, Brunei và Việt Nam, Trung Quốc vẫn ngang nhiên tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, bao gồm các đảo ở xa đất liền Trung Hoa lục địa hơn 800 hải lý.
Việc này diễn ra khi tàu lặn có người lái Giao Long của Trung Quốc vừa trở về thành phố Thanh Đảo (23-6), kết thúc chuyến thám hiểm kéo dài 4 tháng. Và việc này đã kết thúc giai đoạn thử nghiệm thứ tư của con tàu được mệnh danh “quái thú lặn sâu”. Trong cuộc thám hiểm này, các nhà khoa học Trung Quốc đã thu thập được nhiều mẫu vật và dữ liệu quý giá, đồng thời tiến hành nhiều cuộc khảo sát ở khu vực Biển Đông. 20 ngày trước (4-6), tàu Giao Long đã lặn đầu tiên tại Rãnh Yap trong năm nay và đólà nhiệm vụ lặn lần thứ 148 của “quái thú lặn sâu”. Theo thống kê, tàu Giao Long đã thực hiện 30 lần lặn trong chuyến thám hiểm khoa học đại dương lần thứ 38 của Trung Quốc và đạt độ sâu gần 6.700m tại Rãnh Yap nằm ở phía Tây Thái Bình Dương, gần bằng mức sâu kỷ lục 7.062m đạt được hồi năm 2012.
Những động thái kể trên diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang muốn xây dựng một hạm đội tàu ngầm hùng hậu nhất thế giới. Theo thống kê, hiện lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc mới có 63 chiếc, gồm 5 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân, 4 tàu ngầm phi đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân, và 54 tàu ngầm tấn công chạy bằng dầu diesel. Và trong 3 năm tới, lực lượng này sẽ tăng từ 69 đến 78 tàu ngầm. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình từng kêu gọi những nỗ lực lớn hơn để đưa hải quân Trung Quốc đạt đẳng cấp thế giới. Tuyên bố kể trên được ông Tập Cận Bình đưa ra khi tới thăm trụ sở hải quân hôm 24-5. “Xây dựng hải quân mạnh mẽ và hiện đại là dấu ấn quan trọng của một nền quân sự hàng đầu thế giới”, Bộ Quốc phòng dẫn lời ông Tập Cận Bình. “Sự đổi mới là chìa khóa để cải thiện và chuyển đổi hải quân. Hải quân cần sẵn sàng hoạt động ngoài khơi xa, kết hợp sức mạnh của các lực lượng trên mặt nước, dưới biển và cả bầu trời”, ông Tập Cận Bình coi đây là “điểm then chốt” để Trung Quốc thành cường quốc biển. Giới quân sự cho rằng, có 5 chiến hạm định hình tương lai hải quân Trung Quốc. Đó là khu trục hạm Type 052D, tàu hộ vệ hạng nhẹ Type-056, tàu đổ bộ Type-071, tàu trinh sát điện tử Type-815 và tàu bệnh viện Type-920.
Giới chuyên môn cho rằng, Trung Quốc có thể đang nghiên cứu chế tạo các tàu ngầm và bán ngầm để hợp lực với cụm tàu sân bay. Bắc Kinh đang ấp ủ tham vọng chế tạo tàu bán ngầm khổng lồ được gọi là “tàu kho vũ khí”. Với thiết kế có nhiều nét giống tàu ngầm cỡ lớn, chúng có thể lặn dưới mặt nước và di chuyển với tốc độ cao khi nổi. Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, Trung Quốc đang lên kế hoạch chi khoảng 2 tỷ NDT (khoảng 290 triệu USD) cho các hệ thống quan sát đặt dưới đáy biển. Hệ thống này sẽ cung cấp các thông tin theo thời gian thực tế về điều kiện môi trường cũng như các hoạt động dưới đáy biển.
Hãng Defense News vừa đăng những hình ảnh vệ tinh cho thấy, Trung Quốc đã triển khai chiến đấu cơ chống ngầm mới nhất và đẩy mạnh công tác triển khai máy bay không người lái đến đảo Hải Nam ở Biển Đông. Theo đó, 4 chiến đấu cơ Shaanxi Y-8Q đỗ tại căn cứ không quân Lăng Thủy ở phía Đông Nam của đảo Hải Nam. Căn cứ này còn có 3 máy bay không người lái có tầm bay cao và xa loại Harbin BZK-005. Đây là số lượng máy bay không người lái BZK-005 nhiều nhất từng được thấy tại căn cứ Lăng Thủy kể từ khi sự hiện diện của chúng được ghi nhận lần đầu vào năm 2016. Hãng Kyodo cho biết, theo công ty ảnh vệ tinh ImageSat International (ISI) của Israel, Trung Quốc đã triển khai tên lửa đất đối không HQ-9 tới đảo Hải Nam, để phục vụ cho kế hoạch lập vùng cấm bay tại Biển Đông.