Friday, January 10, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiNga – Mỹ và nguy cơ đối đầu quân sự

Nga – Mỹ và nguy cơ đối đầu quân sự

Trong cuộc vận động tranh cử năm 2016, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố sẽ đưa Nga và Mỹ xích lại gần nhau. Tuy nhiên, dựa vào những sự kiện trong mấy tuần gần đây, hai nước dường như càng xa cách nhau hơn bao giờ hết và thậm chí còn có nguy cơ xảy ra đối đầu quân sự.

 

Ảnh: AP

Mới nhất là vụ một máy bay do thám của Mỹ bị Bộ Quốc phòng Nga cho rằng đã có hành động khiêu khích trước máy bay chiến đấu Nga hôm 19/6 tại khu vực Biển Baltic.

Trong một tuyên bố, bộ trên nêu rõ Moscow đã điều một máy bay chiến đấu Su-27 để ngăn chặn máy bay do thám RC-135 của Mỹ đang bay trên không phận quốc tế ở khu vực Biển Baltic, hướng tới biên giới Nga.

Tuy nhiên, trong khi được chiếc Su-27 nói trên hộ tống, máy bay do thám Mỹ đã áp sát chiến đấu cơ Nga và quay đầu “khiêu khích”. Phi công Nga đã phản ứng trước động thái trên, sau đó tiếp tục hộ tống máy bay do thám Mỹ cho đến khi chiếc RC-135 này đổi hướng và rời xa biên giới Nga.

Sau vụ việc trên, một chiếc RC-135 khác của Mỹ lại tiến vào khu vực và tiếp tục bị máy bay Su-27 của Nga ngăn chặn. Người phát ngôn Lầu Năm Góc Jeff Davis đã bác bỏ thông tin trên, đồng thời khẳng định máy bay Mỹ hoạt động trong không phận quốc tế và không có bất cứ hành động khiêu khích nào.

Tiếp theo là vụ Hải quân Mỹ hôm 18/6 bắn hạ một trực thăng Syria tại miền Bắc Syria, nơi các lực lượng ủy nhiệm do Mỹ ủng hộ dưới sự lãnh đạo của nhóm dân quân người Kurd đang giành được bước tiến ở thành phố Raqqa do tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chiếm đóng.

Vụ việc này đánh dấu lần đầu tiên một máy bay chiến đấu Mỹ bắn hạ một máy bay Syria trên lãnh thổ nước này và cho thấy bước leo thang lớn trong cuộc chiến kéo dài 6 năm qua do Mỹ dàn xếp nhằm thay đổi chế độ Syria.

Mặc dù Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ bao biện rằng việc bắn hạ máy bay Syria là hành động tự vệ nhằm đảo bảo an toàn cho các lực lượng đối tác của liên quân chống IS, song phía Nga khẳng định đây là hành động xâm lược một quốc gia có chủ quyền và trực tiếp vi phạm luật pháp quốc tế.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 19/6 đưa ra cảnh báo rằng họ sẽ coi bất kỳ máy bay nào của Mỹ hay của liên quân do Mỹ dẫn đầu hoạt động tại phía Tây Syria – nơi lực lượng của Nga và của Chính phủ Syria đóng quân – là mục tiêu thù địch. Điều này khiến bóng ma xung đột ở Syria leo thang thành cuộc đối đầu quân sự giữa hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới.

Điều đáng nói là, phớt lờ những ngôn từ đe dọa mạnh mẽ của Nga, máy bay Mỹ hôm 20/6 lại bắn rơi máy bay không người lái do lực lượng thân chính quyền Tổng thống Assad điều khiển ở miền Nam Syria.

Với các vụ việc trên, một điều càng trở nên rõ ràng đó là cái gọi là chiến dịch chống IS của lực lượng do Mỹ dẫn đầu chỉ là vỏ bọc cho việc can thiệp quân sự của Mỹ nhằm đạt được các mục tiêu trong cuộc chiến kéo dài nhiều năm, đó là thay đổi chế độ ở Syria, lật đổ Chính phủ Bashar al-Assad và áp đặt chế độ bù nhìn của Mỹ.

Và nguy cơ đối đầu Nga – Mỹ lại càng cao khi mục tiêu của Moscow ở Syria là duy trì quyền lực của Tổng thống Assad. Như vậy, những sự việc trên đã thể hiện quan hệ đang xấu đi giữa Mỹ và Nga và dường như không có khả năng cho thấy hai nước này sẽ sớm trở thành bạn bè, đặc biệt trên mặt trận Syria.

Cho tới nay, điều nổi bật là Nga và Mỹ không hề xích lại gần nhau mà chỉ thấy các thiết bị quân sự của hai nước dường như đang tiến lại gần nhau hơn.

RELATED ARTICLES

Tin mới