Sunday, January 12, 2025
Trang chủĐàm luậnTại sao ông Tập Cận Bình muốn tăng khả năng phóng và...

Tại sao ông Tập Cận Bình muốn tăng khả năng phóng và thử tên lửa?

Tuyên bố nhân chuyến thị sát tới một đơn vị quân đội tại tỉnh Sơn Tây của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy trung ương Tập Cận Bình đang được giới chuyên môn đặc biệt quan tâm. Nhất là khi vừa được Tân Hoa xã trích dẫn tuyên bố của ông Tập Cận Bình, theo đó quân đội phải cải thiện toàn diện khả năng phóng và thử tên lửa.

 

 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Việc này diễn ra sau khi Bộ Quốc phòng thông báo, quân đội mới phóng thử thành công một loại tên lửa mới ở vùng biển Bột Hải, Đông Bắc Trung Quốc, gần bán đảo Triều Tiên. Bộ Quốc phòng tuy tuyên bố vụ phóng đã đạt kết quả mong muốn, nhưng lại không nói rõ loại tên lửa được phóng thử là gì, cũng như các thông tin chi tiết khác. Theo giới chuyên môn, Bắc Kinh đã và đang đầu tư mạnh cho phát triển cả tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình, nhưng khá kín tiếng về việc này. Mỹ từng khuyến cáo, quân đội Trung Quốc đang theo đuổi các năng lực đánh chặn trong không gian, trong đó có tên lửa chống vệ tinh, các hệ thống chống vệ tinh đồng quỹ đạo, hệ thống gây nhiễu mặt đất và vũ khí năng lượng định hướng.

Cách đây không lâu, Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung đã đưa ra cảnh báo về năng lực chống vệ tinh của Trung Quốc. Theo đó, 2 loại tên lửa SC-19 và DN-2, đang được phát triển ở Trung Quốc, có khả năng phá hủy vệ tinh của Mỹ cả ở quỹ đạo cao và thấp. Dự kiến DN-2 sẽ được đưa vào hoạt động trong vòng 5-10 năm tới. Tờ Business Insider có trụ sở tại Mỹ từng nhận định, một số loại tên lửa đạn đạo của Trung Quốc (trong đó có tên lửa tầm trung DF-26) có khả năng xuyên thủng Hệ thống Phòng thủ tên lửa khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ đang được triển khai tại Hàn Quốc. Ngoài ra, Bắc Kinh hiện có trong tay hàng chục tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, có thể bắn trúng tất cả các mục tiêu trên toàn bộ lãnh thổ nước Mỹ. Tên lửa đạn đạo có tầm bắn xa nhất của Trung Quốc (CSS-4 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân) có thể đánh vào tất cả các mục tiêu ở xứ sở cờ hoa, trừ bang Florida. Được biết, Trung Quốc hiện có 50-60 tên lửa đạn đạo triển khai trong các hầm ngầm và mục tiêu là Mỹ. Nguyên Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA) của Bộ Quốc phòng Mỹ, Thiếu tướng Vincent Stewart từng tuyên bố, có nhiều loại vũ khí trong đó có tên lửa của Trung Quốc đang trở thành “mối đe dọa lớn” đối với quân đội Mỹ. Đồng thời khẳng định, quân đội Trung Quốc đang thách thức quân đội Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Hãng Reuters vừa trích một bản báo cáo thường niên trình lên Quốc hội của Lầu Năm Góc, trong đó cho rằng Bắc Kinh muốn tăng chi tiêu quốc phòng trong tương lai gần, bất chấp nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại. Vẫn theo bản báo cáo kể trên, tổng chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc trong năm 2016 đã vượt qua mức 180 tỷ USD (theo tỷ giá năm 2016). Và Lầu Năm Góc cũng dự báo, tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc thiết kế và chế tạo sẽ đạt được những khả năng hoạt động ban đầu vào năm 2020. Đồng thời cho biết, đến cuối năm 2016, Trung Quốc đã xây dựng 24 nhà chứa máy bay cùng nhiều hệ thống vũ khí cố định và cơ sở hạ tầng liên quan đến quân sự tại căn cứ trên Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn và Đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ở khu vực Biển Đông. Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định, sau khi hoàn tất việc xây dựng các cơ sở này, Trung Quốc có khả năng bố trí 3 trung đoàn máy bay chiến đấu tại quần đảo Trường Sa.

Phản ứng trước những tuyên bố kể trên của Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (Doanh) đã gọi báo cáo thường niên gửi Quốc hội của Bộ Quốc phòng Mỹ là “đầy thành kiến và mang tư tưởng Chiến tranh Lạnh bất chấp thực tế”. Bởi theo Bắc Kinh, đây là sự phát triển quân sự bình thường, hợp lý và cần thiết! Trung Quốc cũng phản ứng sau khi Mỹ điều oanh tạc cơ đến Biển Đông. Trung Quốc tuyên bố, vẫn duy trì tình trạng cảnh giác và đang giám sát các hoạt động quân sự của Mỹ ở Biển Đông. Giới quân sự cho rằng, ông Tập Cận Bình muốn thông qua việc phóng và thử tên lửa vừa để gửi thông điệp tới Mỹ, vừa làm đẹp lòng giới quân sự trong nước, vừa nâng cao vị thế của Trung Quốc trong và ngoài khu vực.

Ngày 24-6, hãng ABC News dẫn tuyên bố của cựu Giám đốc CIA David Petraeus, trong đó hối thúc Australia cần kiên quyết với Trung Quốc, và tham gia vào các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông. Bởi tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các khu vực rộng lớn ở Biển Đông là “thái quá”, do đó Mỹ và Australia phải có phản ứng kiên quyết. Tuyên bố của ông David Petraeus được đưa ra sau khi Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sỹ John McCain hối thúc Australia cần đóng vai trò lớn hơn trong kế hoạch của Tổng thống Donald Trump trong việc đối phó với hành động của Trung Quốc tại Biển Đông. 
RELATED ARTICLES

Tin mới