Saturday, January 11, 2025
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 28/06

Bản tin Biển Đông ngày 28/06

Bản tin Biển Đông ngày 28/06/2017.

Xem xét khả năng thành lập Uỷ ban Biển Đông để giải quyết các tranh chấp

Ngày 28/6, tạp chí The Straits Times đăng bài viết “Xem xét khả năng thành lập Uỷ ban Biển Đông để giải quyết các tranh chấp” của Donald R. Rothwell, Giáo sư chuyên ngành luật pháp quốc tế tại Đại học Quốc gia Úc. Qua những lập luận chi tiết trong bài viết, ông Rothwell đã đề xuất các bên ở Biển Đông có thể xem xét xây dựng một Uỷ ban riêng về vấn đề Biển Đông, dựa trên một khuôn khổ hiệp định đàm phán với điều kiện có sự chấp thuận của cả mỗi bên trong bối cảnh tình hình giải quyết tranh chấp lãnh thổ và tranh chấp biển ở Biển Đông ngày càng trở nên bế tắc, chưa có sáng kiến nào mới trên bàn đàm phán.

Tác giả cho rằng, tình hình ngưng trệ sau Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông ngày 12/7/2016 cho thấy đã đến thời điểm thích hợp cho các giải pháp ngoại giao đột phá, trong đó có Uỷ ban riêng về Biển Đông. Cụ thể, một Uỷ ban bao gồm 15 thành viên (bao gồm 6 bên tranh chấp ở Biển Đông và 9 nước ngoài khu vực) phù hợp với điều 33 của Hiến chương Liên hợp quốc, với nhiệm vụ thúc đẩy tiến trình trung gian, hoà giải và cuối cùng là trọng tài giải quyết tranh chấp sẽ cung cấp cơ chế bên thứ ba chính thức cũng như không chính thức có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp ở cả cấp song phương và khu vực. Uỷ ban cũng có thể giải quyết cả các tranh chấp trên bộ và trên biển, đồng thời mở rộng phạm vi giải quyết ra việc xác định các quyền trên biển và biên giới trên biển phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển, chỉ trừ vùng thềm lục địa ngoài 200 hải lý. Theo đề xuất này, tác giả cho biết thành viên của Uỷ ban sẽ bao gồm các nhà ngoại giao và các luật gia có chuyên môn trong lĩnh vực tranh chấp lãnh thổ và tranh chấp biển, với sự trợ giúp của các chuyên gia kỹ thuật (địa lý, lịch sử, địa chất…). Ngoài ra, trong bối cảnh Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông các nước ASEAN mong chờ có thể sẽ không tạo ra giá trị ràng buộc về mặt pháp lý, tác giả mong đợi rằng Uỷ ban về Biển Đông sẽ mở cơ hội cho các giải pháp pháp lý sáng tạo và cách tiếp cận có thể sẽ là giải pháp pháp lý khu vực cho vấn đề của khu vực

Ấn Độ, Mỹ kêu gọi tôn trọng tự do hàng hải trong bối cảnh tranh chấp Biển Đông

Tạp chí Economic Times đưa tin, nhân chuyến thăm Mỹ mới đây của Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi, ngày 27/6, hai bên đã ra Tuyên bố chung sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo cấp cao của hai nước kêu gọi tôn trọng tự do hàng hải, hàng không cũng như thương mại không bị cản trở ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và tranh chấp biển một cách hoà bình phù hợp với luật pháp quốc tế. Cụ thể, hai bên đã bày tỏ cam kết đối với các nguyên tắc chung của khu vực  đảm bảo sự tôn trọng chủ quyền và luật pháp quốc tế. Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Narenda Modi cũng đã nhất trí rằng quan hệ đối tác chặt chẽ hơn nữa giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ có vai trò trọng tâm đối với hoà bình và ổn định ở khu vực, do đó “hai nhà lãnh đạo nhất trí sẽ có thêm nhiều biện pháp hơn nữa nhằm tăng cường quan hệ đối tác giữa hai bên”. Ngoài ra, hai bên kêu gọi ủng hộ thúc đẩy liên kết kinh tế trong khu vực thông qua việc phát triển các cơ sở hạ tầng minh bạch, đồng thời đảm bảo tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, nguyên tắc thượng tôn pháp luật và bảo vệ môi trường.

Hành động cân bằng khéo léo của Nhật Bản ở Biển Đông

Ngày 27/6, tạp chí The National Interest đăng bài viết “Hành động cân bằng khéo léo của Nhật Bản ở Biển Đông” của Benoit Hardy- Chartrand, Cộng tác Nghiên cứu viên cao cấp thuộc Trung tâm Sáng kiến Quản trị quốc tế và J. Berkshire Miller, Nghiên cứu viên về các vấn đề quốc tế thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại tại Tokyo, Nhật Bản. Bài viết lý giải cho việc vì sao Nhật Bản dù không phải là một bên trong tranh chấp ở Biển Đông nhưng vẫn tiếp tục tăng cường sự hiện diện ở khu vực mà Bắc Kinh luôn xem là trọng yếu đối với an ninh quốc gia của họ có thể làm leo thang căng thẳng với nước này. Trong khi đó tình hình quan hệ Nhật – Trung đang ngày càng trở nên căng thẳng do tranh chấp ở Biển Hoa Đông và tranh chấp lịch sử từ thời chiến tranh Nhật Bản. Đồng thời, bài viết cũng khẳng định Tokyo đã khéo léo xây dựng cách tiếp cận nhằm đảm bảo sự cân bằng phù hợp những lợi ích an ninh ở khu vực với các mục tiêu an ninh quốc gia của mình.

Tác giả cho biết dù việc hiện diện của quân đội Nhật Bản được dư luận xem là một hiện tượng mới nhưng thực ra Nhật Bản từ lâu đã quan ngại về an ninh và an toàn hàng hải của các tuyến giao thương trên biển ở Biển Đông, trong khi nước này luôn coi vận tải biển có vai trò tối quan trọng đối với an ninh quốc gia. Tuy nhiên, hai tác giả cho rằng gần đây động lực chính thúc đẩy Nhật Bản can dự nhiều hơn vào khu vực Biển Đông là do tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc và cách hành xử ngày càng hiếu chiến của nước này trong các vấn đề hàng hải. Hay đúng hơn, Nhật Bản nhận ra những điểm tương đồng cơ bản lớn về cách tiếp cận giữa Biển Đông và Biển Hoa Đông, dẫn đến những lo ngại rằng Trung Quốc sẽ “tận dụng những lợi thế đạt được ở khu vực này để củng cố cho khu vực khác”. Bài viết cho hay, kể từ tuyên bố của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera năm 2013 rằng “Nhật Bản vô cùng quan ngại về khả năng tình hình Biển Đông có thể ảnh hưởng đến tình hình ở Biển Hoa Đông”, chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe về cơ bản đã đặt ưu tiên đối với vấn đề Biển Đông, tăng cường hợp tác quốc phòng và xây dựng tiềm lực với các bên tranh chấp ở Biển Đông, đồng thời cung cấp khoản đầu tư và sự ủng hộ về mặt chính trị nhằm đẩy mạnh cam kết đối với nước ven biển ở ASEAN. Thêm vào đó, nhận thấy Trung Quốc đang tìm cách triển khai chiến thuật vùng xám tại Biển Đông tương tự như đã làm ở Biển Hoa Đông, chính quyền Nhật Bản cũng tin rằng việc tác động đến cách tiếp cận của Trung Quốc đối với Biển Đông sẽ “tạo ra kết quả khả quan hơn” cho tình hình Biển Hoa Đông.

Mặc dù vậy, Tokyo vẫn thận trọng khi tính đến phạm vi can dự của mình tại các vùng biển tranh chấp, cụ thể là việc thực hiện hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông cùng đồng minh Mỹ trong tương lai do vấn đề tiềm lực của Lực lượng Tự vệ trên biển của Nhật Bản (JMSDF) đang tập trung ở một số nơi như Biển Nhật Bản và Okinawa. Thay vào đó, các nhà hoạch định chính sách của Nhật Bản chỉ đưa ra thông điệp nhằm khẳng định cam kết ủng hộ các nước trong khu vực và các nguyên tắc chung như tự do hàng hải, tôn trọng luật pháp quốc tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới