Saturday, January 11, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiÔng Trump bị đặt 'cửa dưới' khi gặp Putin?

Ông Trump bị đặt ‘cửa dưới’ khi gặp Putin?

Hãng tin AP của Mỹ dẫn lời giới chuyên gia cảnh báo Tổng thống Nga Vladimir Putin biết cách để định hướng cuộc nói chuyện theo ý của ông.

Tổng thống Nga V. Putin (trái) và người đồng cấp Mỹ D. Trump có thể sẽ gặp trực tiếp bên lề Hội nghị G20 vào tháng 7 tới.

Nóng lòng gặp mặt

Ngày 27/6, hãng tin TASS dẫn lời một quan chức cấp cao chính quyền Mỹ cho biết Nhà Trắng không loại trừ khả năng diễn ra một cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Hamburg (Đức) vào đầu tháng 7 tới.

Theo quan chức này, mặc dù quyết định cuối cùng chưa được đưa ra, song Tổng thống Trump đã sẵn sàng cho cuộc gặp.

Quan chức Mỹ nêu rõ: “Tôi dự kiến cuộc gặp sẽ diễn ra. Tuy nhiên vào thời điểm hiện tại, tôi biết chưa có kế hoạch nào được đưa ra và cách thức tiến hành cuộc gặp cũng chưa được quyết định. Song Tổng thống Trump luôn sẵn sàng cho những cuộc gặp như vậy”.

Trong khi đó, phát biểu với báo giới ngày 26/6 tại Moskva, người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov cho hay điện Kremlin đã sẵn sàng cho bất kỳ cuộc thảo luận cấp cao nào giữa Nga và Mỹ tại Hamburg sắp tới.

Tuy nhiên theo ông Peskov, hiện chưa có quyết định cụ thể nào được đưa ra liên quan tới cuộc gặp sắp tới giữa hai nhà lãnh đạo Nga – Mỹ.

Nhận định về cuộc gặp này, hãng tin AP của Mỹ cho rằng Tổng thống Donald Trump đang nóng lòng muốn gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tuy nhiên, nội bộ chính quyền Mỹ đang bất đồng sâu sắc về việc Mỹ nên tiếp cận Nga như thế nào trong bối cảnh tại Washington đang diễn ra một cuộc điều tra liên quan đến sự can dự của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm ngoái.

Nhiều quan chức trong chính quyền Mỹ cho rằng Washington cần phải giữ khoảng cách với Moscow tại thời điểm nhạy cảm hiện nay, và nên hết sức thận trọng khi giao tiếp với Moscow.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump và một số người khác trong chính quyền Mỹ lại đang mong chờ một cuộc gặp song phương toàn diện, bất chấp các quan chức trong Bộ Ngoại giao và Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ kêu gọi Tổng thống nên kiềm chế.

Một số cố vấn của ông Trump khuyến nghị rằng Tổng thống nên tổ chức một cuộc gặp chóng vánh không chính thức bên lề hội nghị thượng đỉnh này, hoặc các phái đoàn của Mỹ và Nga nên tổ chức “các cuộc đàm phán nói về việc ổn định tình hình mang tính chiến lược”, không có sự tham dự của hai tổng thống.

Các quan điểm trái ngược nhau nói trên phơi bày những rạn nứt trong chính quyền Mỹ liên quan đến chính sách đối với Nga nói chung, trong bối cảnh Tổng thống Trump nóng lòng muốn phát triển quan hệ với Nga bất chấp các cuộc điều tra hiện nay.

Theo AP, việc Tổng thống Trump gặp Tổng thống Putin nhiều khả năng sẽ đem lại những lợi ích tiềm tàng.

Một cuộc gặp “mặt đối mặt” có thể khiến hai bên hiểu nhau hơn và thường gạt bỏ được những hiểu lầm hay xảy ra trong các cuộc giao tiếp qua điện thoại hoặc “bâng quơ”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã liên tục nói rằng ông có thể thay thế những điều không hay trong quan hệ Mỹ-Nga dưới thời cựu Tổng thống Obama bằng một mối quan hệ đối tác, đặc biệt là về những vấn đề như cuộc xung đột Syria hiện nay chẳng hạn.

Mặc dù vậy, AP đã nêu ra những rủi ro lớn. Ông Trump nổi tiếng là người cư xử “bất thường”, có khả năng gây ra những sai lầm ngoại giao nguy cơ cao.

Trong một cuộc gặp chóng vánh với các nhà ngoại giao hàng đầu của Nga tại Phòng Bầu dục hồi tháng trước, ông Trump đã tiết lộ những thông tin được coi là tuyệt mật về mối đe dọa mà tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng gây ra đối với các hãng hàng không mà phía Israel đã cung cấp cho ông.

Ngoài ra, AP dẫn lời nhiều nhà quan sát còn cảnh báo rằng ông Putin là người không đáng tin cậy.

Oleg Kalugin, cựu tướng của cơ quan an ninh Nga KGB, cho biết Tổng thống Putin – một chính trị gia sắc sảo và đầy kinh nghiệm – còn có những “ưu tiên hàng đầu khác” chứ không phải chỉ có thảo luận về những lời cáo buộc rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ theo hướng có lợi cho ông Trump.

Những ưu tiên đó chẳng hạn như nới lỏng các biện pháp trừng phạt, giá dầu tăng hay cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới tại Nga. Ông Kalugin nói: “Tổng thống Putin biết cách để định hướng cuộc nói chuyện theo ý của ông”.

Nina Khrushcheva, một giáo sư về các vấn đề của Nga tại Trường New, cho rằng ông Trump đang rơi vào tình thế khó khăn. Bà nói: “Ông ấy (Trump) không thể tỏ ra quá thân thiết với ông Putin vì nếu làm như vậy, ông ấy sẽ bị coi là có mối quan hệ đặc biệt với Nga”.

Nhà Trắng hiện chưa đưa ra quyết định cuối cùng xem cuộc gặp sẽ diễn ra ở đâu, đồng thời cũng từ chối trả lời những câu hỏi về các quan điểm đối lập trong chính quyền Mỹ.

Trên thực tế, việc diễn ra các cuộc gặp song phương là điều hết sức bình thường trong thời gian diễn ra các hội nghị thượng đỉnh như G-20, nơi nhiều nhà lãnh đạo thế giới và các cố vấn của họ cùng tập trung tại một địa điểm.

Cuộc gặp song phương gần đây nhất giữa Mỹ và Nga là vào năm 2015, khi đó, ông Putin và ông Barack OBama đã “chạm mặt nhau”, bắt đầu bằng một cái bắt tay khá lúng túng và kết thúc bằng những tiến bộ mà hai bên đã đạt được liên quan đến cuộc nội chiến thảm khốc ở Syria.

Steven Pifer, cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine, cho biết ông muốn Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ nói thẳng với ông Putin rằng “chúng tôi không hài lòng về việc ngài can thiệp vào bầu cử của chúng tôi”.

Ông Pifer cho rằng nếu không nói như vậy, Tổng thống Trump sẽ bị báo chí và Quốc hội “vùi dập”, và Quốc hội sẽ thông qua các biện pháp trừng phạt Nga.

RELATED ARTICLES

Tin mới