Monday, January 13, 2025
Trang chủĐàm luậnCuộc chiến cam go về địa-chính trị giữa Nga và Mỹ

Cuộc chiến cam go về địa-chính trị giữa Nga và Mỹ

Cuộc chiến  về địa-chính trị giữa Nga và Mỹ  đang rất căng thẳng. Một cuộc đàm phán mới do Nga chủ xướng sẽ được nhóm họp vào ngày 10/7 tới tại Astana (Kazakhstan).

Cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa Putin và Trump sẽ diễn ra vào ngay 10/7 tới.

Ngày 18/6/2017 ở Syria, lần đầu tiên trong cuộc chiến tại đây, tên lửa từ máy bay Mỹ đã bắn rơi một chiếc máy bay tiêm kích SU-22 của không quân Syria do Nga hậu thuẫn. Vụ việc xảy ra ở gần thành phố Raqqa phía bắc nước này. Lúc đầu Nga phản ứng rất mạnh mẽ, coi đấy là hành động xâm lược và vi phạm luật pháp quốc tế.

Nga tuyên bố ngừng hiệu lực của thoả thuận với Mỹ về ngăn ngừa đụng độ trên không phận Syria. Nước này coi tất cả mọi vật thể bay của liên quân do Mỹ đứng đầu ở phía Tây sông Euphrates là đối tượng đưa vào tầm ngắm.

Tuy nhiên, ngày 19/6/2017, Hãng Sputnik bất ngờ đưa lại tuyên bố của phó chủ tịch thứ nhất Ủy ban quốc phòng và an ninh  thuộc Hội đồng liên bang Nga (Thượng viện): Nga sẽ không tự động bắn hạ bất cứ máy bay nào của liên quân. Giới phân tích cho rằng đây là một tuyên bố nhằm tháo ngòi nổ chiến tranh Nga-Mỹ.

Về phía Mỹ, Lầu Năm Góc cho hay, Nga sẽ không tiến hành bất cứ động thái nào tại Syria mà gây quan ngại cho họ. Bộ Quốc phòng Mỹ trước đó cũng quả quyết là liên quân không giao tranh với quân đội chính phủ Syria, quân đội Nga hay các lực lượng vũ trang được phía chính phủ Syria và Nga hậu thuẫn.  

Quân đội Mỹ cho biết, đường dây nóng tại Syria giữa Mỹ và Nga vẫn “đang được sử dụng”, bất chấp việc Matxcơva dọa cắt đứt sau vụ bắn máy bay Syria. Hãng tin Reuters dẫn lời ông Ryan Dillon, phát ngôn viên tại Baghdad của Liên minh chống IS do Mỹ chỉ huy ở Iraq và Syria: “Đường dây liên lạc tránh xung đột ngoài ý muốn vẫn hoạt động và đang được sử dụng”. Những thông báo này là chỉ dấu cho thấy khả năng tháo gỡ những căng thẳng giữa Nga và Mỹ sau vụ Mỹ bắn hạ máy bay chiến đấu của Syria.

Thật ra trong vụ việc tiêm kích SU-22 bị hạ thì truyền thông mỗi nước lại giải thích theo cách riêng của mình. Mỹ thì nói là để bảo vệ liên quân, chống lại IS, Nga thì cho là đó là hành vi xâm lược. Việc bắn rơi chiếc Su-22 là lần thứ tư trong vòng một tháng, Mỹ tấn công các lực lượng thân chính phủ Syria để bảo vệ các nhóm nổi dậy được cho là “ôn hòa”.

Bình luận các vụ đụng độ nêu trên, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Gutteres cảnh báo tình hình “đang rất nguy hiểm” và có thể làm cho cuộc chiến ở Syria có thể leo thang. Chia sẻ quan điểm này, ông Patrick Buchanan, từng cố vấn cho ba đời tổng thống Mỹ, cho rằng Washington có nguy cơ xung đột trực diện với Syrie, Nga và Iran… một khi nhóm khủng bố IS chính thức tan rã.

Nhìn vào chiến trường, câu chuyện xoay quanh hai thành phố là Raqqa và Deir ez-Zor. Raqqa hiện là thủ phủ cuối cùng của IS ở Syria. Liên quân do Mỹ đứng đầu đang tiến hành chiến dịch tấn công Raqqa. IS ở đó đang tính cách lui về Deir ez -Zor. Mỹ và đồng minh dự tính sau khi công thành Raqqa sẽ tấn công Deir ez-Zor. Một số lực lượng khác liên quân với chính phủ Syria cũng đang tấn công IS từ phía biên giới với Iraq về hướng Deir ez-Zor. Ai đánh bật IS ra khỏi thánh địa của chúng sẽ có được thanh thế rất cao và uy danh rất lớn.

Nếu chiếm được Raqqa, Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) và Mỹ sẽ kiểm soát được vùng lãnh thổ rất rộng lớn ở miền bắc Syria. Phía chính phủ Syria vì thế cần phải đánh chiếm được Deir ez-Zor trong khi SDF được Mỹ hậu thuẫn, hiển nhiên muốn ngăn chặn nỗ lực này.

Việc Mỹ bắn rơi máy bay của không quân Syria trước hết nhằm tác động vào tâm lý lực lượng trong liên quân, đặc biệt là Lực lượng Dân chủ – SDF, làm cho những lực lượng này tin là Mỹ thật sự hậu thuẫn họ và bảo đảm được an ninh cho họ. Trước mắt, Mỹ vừa răn đe vừa ngăn cản phía chính phủ Syria giành thắng lợi có ý nghĩa quan trọng về quân sự và mở rộng phạm vi lãnh thổ kiểm soát.

Mỹ đồng thời còn làm phép thử đối với Nga xem Nga phản ứng như thế nào khi quân đội chính phủ Syria bị Mỹ và liên quân tấn công. Mỗi lần Mỹ gây chuyện với chính phủ Syria, phản ứng của Nga vẫn chỉ dừng lại ở “kịch liệt phản đối” và “đóng băng” có thời hạn thoả thuận với Mỹ về ngăn ngừa đụng độ trong các hoạt động quân sự Nga-Mỹ ở Syria. Định hướng chiến lược của Mỹ là trước mắt tập trung gây dựng SDF và chống IS đã, sau này mới tính sổ với chính phủ Syria để thiết lập chính thể mới ở nơi đây.

Trong thời gian gần đây, Mỹ tăng cường vũ trang cho SDF và đẩy mạnh tham chiến trực tiếp, vì nhờ Nga mà phía chính phủ Syria trở nên thắng thế và Mỹ lo ngại vai trò ngày càng mạnh hơn của Iran. Mỹ biết rằng Syria rồi cuối cùng cũng sẽ có giải pháp chính trị. Khi ấy, ảnh hưởng của các đối tác bên ngoài sẽ được phân định một cách rõ ràng hơn. Mỹ không chỉ muốn có phần mà còn muốn chiếm phần nhiều trong chừng mực có thể được, vì thế phải chen chân ngay từ bây giờ trước khi bị Nga và Iran làm cho không còn có thể chen chân vào được nữa…

Vụ việc này đẩy Nga đến trước quyết định khó khăn là nếu không kiên quyết thì Mỹ sẽ còn lấn tới, nhưng nếu phản ứng kiên quyết thì nguy cơ xảy ra đụng độ trực tiếp sẽ ra tăng. Nga phản ứng mạnh mẽ hơn trước để răn đe Mỹ, để ở nơi này không diễn biến đến mức Nga buộc phải hành động. Nga không muốn cuộc gặp sắp đến giữa ông Trump và ông Putin bị tổn hại. Nhưng sau đó thì lại là tình huống khác. Ở Syria, cuộc chơi địa chiến lược giữa Mỹ và Nga càng ngày càng thêm trực tiếp.

Tuy nhiên, vào giai đoạn hiện nay, cuộc chiến ở Syrie bị tác động rất mạnh bởi nhân tố nội bộ Mỹ. Không loại trừ khả năng giới quân sự Mỹ hành động “cương” như vậy để ngăn cản ông Trump sẽ có thoả thuận nào đấy với ông Putin trong cuộc hội ngộ tới.

Ngược lại, về phía Nga, do muốn tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa Putin và Trump, nên đành xử “nhu” vụ việc vừa qua. Quan hệ Nga-Mỹ hiện nay không nằm ở Nga, mà nằm trong cuộc đấu trong chính trường Mỹ. Số phận Mỹ-Nga đang nằm trong tay các chính trị gia ở Washington… Ông Trump hay thậm chí nước Nga cũng không thay đổi được điều gì. Đó là phân tích của Michail Rostovsky, một nhà phân tích chính sách từ Nga.

Cuộc chiến cam go về địa-chính trị giữa Nga và Mỹ vẫn đang ở phía trước. Một cuộc đàm phán mới do Nga chủ xướng sẽ được nhóm họp vào ngày 10/7 tới tại Astana (Kazakhstan). Tin này do chính Ngoại trưởng Nga Lavrov loan báo từ Bắc Kinh đúng hôm 18/6. Vòng đàm phán này lại rơi cùng lúc vào thời điểm có cuộc đàm phán do hậu thuẫn tại Geneve.

Ông Lavrov cho biết thêm, Đặc phái viên của Liên hợp quốc về Syrie, ông Staffan de Mistura, sẽ tham gia vòng đàm phán tại thủ đô Astana. Hai cuộc đàm phán nêu trên sẽ không dẫm chân lên nhau. Cả hai sẽ là những kênh thăm dò về quan điểm của các bên trong các cuộc xung đột mà phần thắng chưa nghiêng hẳn về bên nào. Vì vậy “vừa đánh vừa đàm” cũng là một cách để đi đến giải pháp sau cùng. Bởi vì, cuộc chiến Syria của Tổng thống Trump biết đâu sẽ còn đẩy những bước ngoặt bất ngờ.

Tình hình nội bộ hiện nay ở nước Mỹ nghiêm trọng hơn nhiều so với hồi đầu tháng 4, khi ông Trump ra lệnh tấn công bằng Tomahawk vào căn cứ Shayrat. Lúc đó chỉ có thuộc cấp của ông Trump bị điều tra, khiến cho tờWashington Postđã nêu vấn đề, vì sao cuộc tấn công bất ngờ lại nổ ra vào đúng lúc ông Trump đang ở thế “kẹt”?

Không có gì bảo đảm những tình thế “kẹt” ấy sẽ không diễn ra trong tương lai. Mỗi lần như thế, câu chuyện dài về cuộc chiến kỳ lạ của ông Trump ở Syria sẽ còn tiếp tục!

RELATED ARTICLES

Tin mới