Wednesday, November 20, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTQ ngừng cung xăng dầu cho Triều Tiên: Chuyện mập mờ để...

TQ ngừng cung xăng dầu cho Triều Tiên: Chuyện mập mờ để ông Tập “dễ ăn nói” với ông Trump

Lý do CNPC đưa ra về quyết định ngừng cung ứng dầu xăng cho Triều Tiên thật rõ ràng, đơn giản mà thuyết phục, ai cũng phải thông cảm và không thể trách cứ.

(Ảnh minh họa: REUTERS/Kim Kyung-Hoon)

Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) là tập đoàn kinh tế nên không thể không hạn chế tối đa rủi ro trong hoạt động kinh doanh. Một khi đã hoài nghi về khả năng thanh toán của Triều Tiên thì CNPC đương nhiên không thể không xem xét cân nhắc thận trọng, suy đi xét lại nhiều lần trước khi quyết định tiếp tục cung ứng hay ngừng bán xăng dầu cho Triều Tiên.

Phía Triều Tiên cũng không thể phê trách, lại càng không thể phản đối. Và nếu đúng như vậy thì việc xua tan những ngờ vực này của phía CNPC thật ra đâu có khó khăn gì đối với Triều Tiên. Nhưng quyết định này của CNPC được đưa ra vào thời điểm đặc biệt trong bối cảnh tình hình chính trị an ninh đặc biệt và cục diện quan hệ đặc biệt giữa nhiều bên có liên quan trực tiếp cũng như gián tiếp đến Triều Tiên nên thật khó để có thể phân định được rạch ròi bản chất thực sự của vụ việc, thuần túy kinh tế và thương mại hay là chuyện chính trị.

Triều Tiên hiện không chỉ phụ thuộc vào nhập khẩu xăng dầu và khí đốt từ bên ngoài mà còn lệ thuộc vào Trung Quốc, cụ thể là vào cung ứng của Trung Quốc, mà CNPC là một trong những nhà cung ứng chính, và chu chuyển qua Trung Quốc.

Theo hãng thông tấn Reuters, Trung Quốc không tiết lộ cho biết hàng năm cung ứng bao nhiêu năng lượng cho Triều Tiên, nhưng các nguồn tin nói rằng thông qua một hệ thống tuyến ống dẫn dầu từ Trung Quốc sang Triều Tiên, Bắc Kinh hàng năm cung ứng cho người láng giềng khoảng 520.000 mét khối dầu thô, trị giá khoảng 170 triệu USD.

Cũng theo Reuters, năm 2016, Trung Quốc bán cho Triều Tiên 96.000 mét khối xăng và 45.000 mét khối dầu diesel, trị giá 64 triệu USD. CNPC là thương lái chính.

Cũng trong năm 2016, Triều Tiên xuất khẩu sang Trung Quốc 22.5 triệu mét khối than đá trị giá 1.9 tỷ USD. Số liệu này Reuters khai thác từ chính thông tin của cơ quan hải quan Trung Quốc.

Nhưng đến tháng 2/2017, Trung Quốc ngừng mua than đá của Triều Tiên khiến nước này hao hụt rất đáng kể thu nhập từ mặt hàng xuất khẩu quan trọng. Trung Quốc áp dụng biện pháp này để hòa đồng với Liên hợp quốc và Mỹ trong việc gia tăng áp lực buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa, trước hết là ngừng thử hạt nhân và phóng tên lửa.

Mở đường cho câu chuyện Trump-Tập

Đối với Trung Quốc, Triều Tiên quan trọng không phải về kinh tế và thương mại mà về an ninh và địa chiến lược nhưng Bình Nhưỡng đang khiến Bắc Kinh ngày càng thêm khó xử.

Duy trì nguyên trạng trên bán đảo Triều Tiên là kịch bản tốt nhất đối với Trung Quốc, tức là bán đảo vẫn chia rẽ, Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân và không có căng thẳng, đối đầu giữa Triều Tiên với Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Triều Tiên chỉ cần bám giữ vào thôi chứ chưa cần đến thúc đẩy chương trình hạt nhân và tên lửa thì cũng đã đủ để làm cho Trung Quốc càng ngày càng thêm khó xử. Phía Mỹ và đặc biệt tân tổng thống Donald Trump luôn cho rằng một trong những chiếc chìa khóa quyết định nhất để giải quyết vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên là thái độ và hành động cứng rắn của Bắc Kinh.

Trung Quốc bị gây áp lực vì thế.

Mỹ và đồng minh cho rằng chỉ cần Trung Quốc phong tỏa giao thương qua biên giới thì cũng đã đủ để làm Triều Tiên suy bại. Cái khó đối với Trung Quốc là không muốn và không thể để Triều Tiên suy yếu, nhưng đồng thời lại không muốn bị mang tiếng là dung túng Triều Tiên. Ngoài ra, Trung Quốc còn có những lợi ích chiến lược lâu dài khác nữa trong quan hệ với Mỹ.

Cho nên chiến lược của Trung Quốc trong chuyện này có hai mặt là vừa tỏ ra đứng cùng phe với các đối tác kia, lại vừa không tự đẩy Triều Tiên đến chân tường, có thể làm khó Triều Tiên, nhưng không để nước này suy bại.

Trung Quốc ngừng hoặc tạm ngừng nhập khẩu than đá của Triều Tiên và không cho tàu Triều Tiên chở than nhập cảng Trung Quốc nhằm mục đích ấy. Bắc Kinh phải thể hiện ra bên ngoài là đã làm hết sức nhưng không đủ khả năng lay chuyển được chủ ý của phía Triều Tiên.

Động thái vừa rồi của CNPC xem ra cũng theo hướng ấy. Quyết định kinh doanh nhưng lại có thể có tác động chính trị là xoa dịu tâm trạng bực bội của không ít chính khách ở Mỹ cho rằng Trung Quốc chưa làm hết những gì có thể làm được.

Quyết định nói trên của CNPC chưa có nghĩa là Trung Quốc ngừng hoàn toàn cung ứng năng lượng cho Triều Tiên, nhưng đủ để giúp Trung Quốc bớt bị phía Mỹ làm găng.

64 triệu USD không phải ít, nhưng chưa bõ bèn gì đối với CNPC và Trung Quốc trong khi tác động tích cực về chính trị của vụ việc lại rất đáng kể đối với Bắc Kinh.

Chuyện này lại còn diễn ra trước cuộc gặp dự kiến tới đây giữa ông Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị cấp cao nhóm G20 tại Hamburg (Đức) sắp tới. Ranh giới mập mờ được chủ ý tạo dựng và tận dụng để dễ bề biện giải.

RELATED ARTICLES

Tin mới