Trong quan hệ giữa các quốc gia luôn có nhiều vấn đề phải giải quyết. Trong đó có những vấn đề rất khó khăn, như tranh chấp lãnh thổ, không thể giải quyết một sớm một chiều mà phải đi từng bước, tháo gỡ từ nút nhỏ đến nút lớn. Do đó, mỗi bên liên quan phải có thái độ kiên trì và thực tâm. Chỉ có như vậy mới tìm ra được các giải pháp mà các bên có thể chấp nhận được.
Hình ảnh vụ phóng tên lửa ICBM của Triều Tiên ngày 4/7(Ảnh Reuters)
Lòng tin trong quan hệ giữa các quốc gia còn phải được xây dựng bằng những việc làm thực tế. Nói phải đi đôi với việc làm. Nói mà không làm hay nói một đằng làm một nẻo, thì sẽ làm mất lòng tin và khi lòng tin đã mất thì dễ dẫn đến những việc làm vô trách nhiệm, liều lĩnh, rất nguy hiểm. Xưa nay nhìn vào những việc làm của nhà cầm quyền Trung Quốc, nhất là những tuyên bố và ứng xử về Biển Đông chúng ta có thể thấy rõ sự mâu thuẫn giữa lời nói và việc làm.
Những hành động ngang ngược của Trung Quốc thời gian qua ở biển Đông như cho cải tạo đảo chìm thành đảo nổi ở khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam; cho quân đội đồn trú trái phép ở đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở vùng biển Hoa Đông; tăng cường hoạt động dầu khí trên biển và bây giờ là cho xây căn cứ quân sự ở gần khu vực tranh chấp với Nhật Bản chứng minh cho hành động ngang ngược và trịch thượng đó.
Tham vọng và âm mưu độc chiếm biển Đông của Trung Quốc không bao giờ thay đổi. Họ đã bất chấp tất cả, kể cả pháp luật quốc tế, phản ứng của cộng đồng quốc tế, phản ứng của những nước có tranh chấp liên quan như Việt Nam, Philippines, Nhật Bản…
Lịch sử đã chứng minh mọi vấn đề tồn tại trong quan hệ giữa các quốc gia chỉ có thể được giải quyết một cách tốt đẹp thông qua các cuộc đối thoại, đàm phán. Các bên liên quan phải thể hiện sự bình đẳng, chân thành lắng nghe ý kiến của nhau một cách đầy đủ với thái độ khách quan và thiện chí thì mới có thể tìm ra được những giải pháp hợp tình, hợp lý.
Các bên phải có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn để các cơ quan ngôn luận, báo chí khi bày tỏ quan điểm phải có tính xây dựng, tạo bầu không khí lành mạnh để thúc đẩy đối thoại, đàm phán đi đến thành công. Phải hết sức tránh dùng những lời lẽ thô bạo, xuyên tạc, vu cáo, thậm chí cả đe dọa, như cách của thời báo Hoàn Cầu- Trung Quốc thường làm. Cách tuyên truyền “cả vú lấp miệng em” như thế chỉ làm cho tình hình phức tạp thêm.
Luật pháp quốc tế và các cam kết song phương, đa phương là cơ sở pháp lý để giải quyết mọi tranh chấp trong quan hệ giữa các quốc gia. Các nước thành viên của LHQ phải có trách nhiệm và nghĩa vụ thực hiện các điều quy định trong Hiến chương của LHQ, các luật pháp quốc tế mà chính các nước thành viên của LHQ đã tham gia xây dựng và chấp nhận. Mọi quốc gia phải có lương tâm và trách nhiệm xây dựng lòng tin chiến lược thì mới giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình theo đúng luật pháp quốc tế.
Chúng ta cùng nhớ lại một sự kiện cách đây bốn năm. Tại cuộc đối thoại chiến lược quốc phòng Việt Nam – Trung Quốc lần thứ tư tại Bắc Kinh (6/2013), hai bên đã thỏa thuận xây dựng đường dây thông tin điện thoại bảo mật nối thẳng giữa Bộ Quốc phòng hai nước. Việc này nhằm tăng cường sự tiếp xúc và trao đổi mật thiết giữa lãnh đạo cấp cao quân đội hai nước thông qua hiệp thương hữu nghị. Đó là một thỏa thuận đáng được khích lệ. Tiếc rằng, đường dây nóng này bấy lâu vẫn đang nguội ngắt. Đến như cuộc giao lưu quốc phòng giữa hai nước dự kiến diễn ra cuối tháng 6/2017 cũng đã bị trì hoãn một cách bí hiểm.
Mục đích của các cuộc đàm phán để giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia là bảo vệ hòa bình, không để nổ ra xung đột vũ trang. Đó là trách nhiệm của tất cả các quốc gia là thành viên của LHQ, bất kể quốc gia lớn hay nhỏ. Song, bao giờ các nước lớn cũng có vai trò lớn hơn, đóng góp nhiều hơn cho việc giải quyết các cuộc tranh chấp đó. Vì vậy, trong những trường hợp có cuộc tranh chấp nào đó có liên quan đến các nước lớn, thì nước lớn đó trước hết phải tự giác và chân thành thừa nhận lẽ phải, tuân thủ luật pháp quốc tế. Có như vậy mới được nhân dân thế giới tin tưởng, mới xứng đáng vị trí siêu cường. Ngược lại, thái độ “cá lớn nuốt cá bé”, trắng trợn vi phạm luật pháp quốc tế thì nhất định sẽ bị dư luận quốc tế phê phán. Quốc gia đó sớm muộn cũng sẽ bị cô lập trên trường quốc tế.
Việt Nam đã có lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Dân tộc này đã phải mất hơn một nghìn năm tiến hành các cuộc kháng chiến cứu nước, chống lại các thế lực phong kiến và thực dân, đế quốc. Hơn ai hết nhân dân Việt Nam rất tha thiết với hòa bình, muốn chung sống hòa bình, hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới, nhất là các nước láng giềng để có điều kiện xây dựng đất nước phồn vinh.
Đường lối đối ngoại trước sau nhất quán của Việt Nam là độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Đó là đường lối đối ngoại thể hiện lòng tự trọng, truyền thống hòa hiếu, thái độ thiện chí và sự chân thành của Chính phủ và nhân dân Việt Nam để xây dựng lòng tin trong quan hệ với các quốc gia khác trên thế giới.
Nhờ có đường lối đúng đắn và và hợp lòng người này, nên nước CHXHCN Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 180 nước trong tổng số 193 nước là thành viên của LHQ, trong đó có cả 5 nước là ủy viên thường trực Hội đồng bảo an của LHQ. Có những nước trước đây là kẻ thù của nhân dân Việt Nam, thì ngày nay đã là đối tác chiến lược trong quan hệ giữa hai nước. Hòa hiếu là một trong những truyền thống tốt đẹp của nhân dân Việt Nam đã được trải nghiệm trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc cả trong chính sách đối nội và chính sách đối ngoại. Chính vì vậy mà nhân dân Việt Nam đã xây dựng được khối đại đoàn kết dân tộc, tạo thành sức mạnh của mình. Đồng thời lại được sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ và sự giúp đỡ quý báu, có hiệu quả của bạn bè quốc tế, nên nhân dân Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn và giành được những thắng lợi vẻ vang trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước.
Thế giới ngày nay đang phát triển nhanh và mạnh mẽ, đã tạo ra những thuận lợi để các quốc gia phát triển; đồng thời nhân loại cũng đang phải đối phó với nhiều khó khăn và thách thức do chính con người gây ra như biến đổi khí hậu, dịch bệnh… Lịch sử của thế giới và lịch sử của Việt Nam, đặc biệt từ thế kỷ XX đến nay, đã chứng minh rằng chỉ có chung sống hòa bình thì mới có sự hợp tác và chỉ có hợp tác thì các quốc gia mới có đủ điều kiện để phát triển và mới tạo ra được sức mạnh để ngăn ngừa các nguy cơ do chính con người và thiên nhiên gây ra.
Bất cứ một quốc gia nào hay một nhóm quốc gia nào dù hùng mạnh đến đâu, nếu hành động trái với lương tâm và khát vọng cháy bỏng của nhân loại, trái với xu thế và quy luật phát triển của thế giới hiện đại ngày nay là chung sống hòa bình, hợp tác và phát triển thì chắc chắn và nhất định sẽ bị thất bại một cách thảm hại