Bản tin Biển Đông ngày 05/07/2017.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cảnh cáo Tổng thống Mỹ Donald Trump về nguy cơ căng thẳng quan hệ sau hoạt động tự do hàng hải mới nhất của Mỹ ở Biển Đông
Ngày 4/7, tờ The Australian cho biết, ngày 3/7, trong cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc ngay trước ngày diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Hamburd, Đức, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lớn tiếng cảnh báo Tổng thống Donald Trump về “những nhân tố tiêu cực” làm ảnh hưởng đến quan hệ Trung – Mỹ, sau khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã có những phát biểu ngang ngược nhằm phản đối việc hải quân Mỹ đưa tàu khu trục USS – Stethem vào khu vực 12 hải lý của đảo Tri Tôn ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam là “hành động khiêu khích nghiêm trọng về chính trị và quân sự”. Ông Tập Cận Bình đồng thời cũng “nhắc khéo” Tổng thống Trump rằng hai bên cần tuân thủ “đồng thuận” đã có tại Mar-a-Lago và nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau.
Trung Quốc gấp rút đưa tàu sân bay Liêu Ninh ra diễn tập ngay sau khi có động thái công kích hoạt động tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông
Ngày 4/7, trang News.com.au cho biết, trang Twitter của kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc Nhân dân Nhật báo ngày 3/7 đã công bố đoạn video thể hiện hình ảnh các chiến đấu cơ loại J-15 cất cánh và hạ cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh trên hải trình tới Hồng Kông nhân dịp tổ chức lễ kỷ niệm ngày Hồng Kông được Anh trao trả. Hiện, tàu sân bay Liêu Ninh đã có mặt ở gần Đài Loan, ngay sau khi Bắc Kinh bày tỏ sự phẫn nộ trước những động thái của tàu khu trục USS Stethem của Hải quân Mỹ nhằm “thách thức” khu vực xung quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông. Tàu Liêu Ninh đã rời cảng từ ngày 25/6 cùng với các tàu khu trục Jinan và Yinchuan để thực hiện “nhiệm vụ huấn luyện xuyên khu vực, kéo dài vài tuần”. Dù không có thông tin chính thức về thời điểm cụ thể nhưng tàu Liêu Ninh dự kiến sẽ tới Đài Loan vào ngày 7/7. Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã đăng trên trang web chính thức thông tin về việc các chiến đấu cơ J-15 và các máy bay trực thăng của nước này đã triển khai các cuộc huấn luyện bay trên hải trình của tàu này. Theo Tân Hoa xã, nhiệm vụ của cuộc diễn tập huấn luyện này là nhằm “tăng cường sự phối hợp giữa các tàu và nâng cao kỹ năng của đội tàu cũng như các phi công ở nhiều khu vực khác nhau trên biển”. News.com.au nhận định “có một số lo ngại cho rằng động thái này là nhằm khẳng định sức mạnh hải quân đã được phát triển gần đây của Trung Quốc”. Hãng tin này cũng cho biết, tàu Liêu Ninh trước đó đã từng tập trận ở Biển Đông nhưng Bắc Kinh vẫn cố tình che giấu thông tin về vai trò của tàu này.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines: Philippines cần phản đối các công trình quân sự của Trung Quốc xây dựng trái phép ở Trường Sa
Ngày 4/7, trang Business World Online đưa tin, ngày 3/7, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines tuyên bố Philippines sẽ “phản đối” chứ “không để yên” trước hành động quân sự hoá của Trung Quốc sau khi Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Mỹ (CSIS) đưa ra báo cáo khẳng định Trung Quốc đang xây dựng các nhà chứa tên lửa và các cơ sở liên lạc ở Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn và Đá Subi tại quần đảo Trường Sa. Ông Lorenzana cũng cho biết Philippines “vẫn sẽ điều tra xem thực sự có các công trình quân sự hay không, vì dựa trên những hình ảnh mà CSIS công bố thì không thấy có gì thay đổi so với những hình ảnh vệ tinh đã công bố trước đó cả”.
Học giả Trung Quốc ngang nhiên bày kế cho quân đội đối phó với các hoạt động của tàu thuyền Mỹ đi vào Biển Đông
Ngày 4/7, Mạng Quân sự Trung Quốc đăng bài viết “Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) cần làm thế nào để đối phó với việc tàu thuyền Mỹ thường xuyên đi vào Biển Đông?” của nhà báo Guo Yuandan của tờ Thời báo Hoàn cầu. Trong bài viết này, ông Guo đã đưa ra một số “biện pháp” để đối phó với việc “tàu quân sự Mỹ thường xuyên có những hoạt động khiêu khích ở Biển Đông với cái tên “tự do hàng hải”. Bài viết trích dẫn ý kiến của một chuyên gia quân sự giấu tên tiết lộ vào ngày 3/7 rằng việc Trung Quốc điều 3 tàu hải quân và hai chiến đấu cơ tới xua đuổi tàu USS Stethem của Mỹ cho thấy PLA hoàn toàn có thể kiểm soát hoạt động của Stethem. Chuyên gia này cho hay, nếu so với trước đây chỉ có rất ít vệ tinh, hệ thống radar cảnh báo tầm xa và vài loại tàu thì hiện nay PLA đã thành lập được hệ thống kiểm soát trên không và trên biển 24/7, trong mọi điều kiện thời tiết nhằm kiểm soát các vùng biển, vùng trời và vùng lãnh thổ “thuộc chủ quyền của Trung Quốc”, nhờ đó Trung Quốc có thể ngay lập tức phát hiện mọi động thái của máy bay và tàu quân sự Mỹ. Theo ông, Trung Quốc cũng đã tăng cường sản xuất thêm nhiều tàu phục vụ hải quân PLA (PLAN) trong những năm gần đây, tiến hành tuần tra sẵn sàng chiến đấu thường xuyên trên biển ở Biển Đông, Biển Hoa Đông và một số “vùng biển khác của Trung Quốc”, tạo nên “lực lượng cơ động ở mọi hướng” nhằm “triển khai tuần tra sẵn sàng chiến đấu 24/24 và đối phó với những tình huống khẩn cấp”. Mặt khác, ông này lại cho rằng “hành động khiêu khích thường xuyên của hải quân Mỹ ở Biển Đông là những hành động có ý nghĩa tượng trưng, đã được lên kế hoạch trước và đã được “ủ mưu kỹ càng” chủ yếu nhằm thực hiện những mục tiêu chính trị”, “đe doạ chủ quyền và sự an toàn tính mạnh của lực lượng làm nhiệm vụ của cả hai bên” nhưng “PLA đương nhiên có đủ khả năng để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia” nhưng “không thường xuyên sử dụng các biện pháp vũ trang tầm cỡ vì cân nhắc đến lợi ích lâu dài của cả hai nước và sự ổn định khu vực”. Cụ thể, chuyên gia này cho biết phía Trung Quốc chủ yếu chỉ sử dụng các tàu và máy bay để ngăn tàu Mỹ đi vào vùng biển “của mình” như cho tàu đi qua, cảnh báo, xua đuổi và chụp hình làm bằng chứng, đệ trình các cơ quan cấp cao và hai nước sẽ trao đổi thông qua các kênh ngoại giao và quân sự.