Monday, September 16, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiBỏ nghìn tỷ xuất khẩu cử nhân: Một dự án điên rồ

Bỏ nghìn tỷ xuất khẩu cử nhân: Một dự án điên rồ

Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, đề án xuất khẩu cử nhân quá lãng mạn, bởi thực tế, với trình độ cử nhân Việt Nam hiện tại khó có nước nào dám nhận.

Lao động phổ thông chen chân thi tiếng Hàn tại Hà Nội.

Mơ ước và thực tế

Theo dự thảo đề án đang được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) xây dựng, sẽ đưa hơn 54.000 lao động tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp chưa tìm được việc có nhu cầu đi làm tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Đức ở một số ngành nghề được phê duyệt.

Nhấn mạnh việc xuất khẩu lao động có chất xám, tay nghề cao là chuyện rất bình thường ở các nước, nhưng với Việt Nam, ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Công ty Du lịch Lửa Việt, giáo viên thỉnh giảng Khoa Du lịch các trường đại học, tỏ ra nghi ngờ đề án xuất khẩu cử nhân và thẳng thắn cho rằng nó quá ư lãng mạn.

“Khi xuất khẩu cử nhân thì phải được trả mức lương của cử nhân. Tuy nhiên, tôi e rằng các nước sẽ không chịu trả cho lao động Việt Nam lương cử nhân bởi họ không thừa nhận bằng cấp giáo dục của Việt Nam.

Lào và Campuchia thừa nhận bằng cấp của Việt Nam là vì Việt Nam cấp hàng ngàn học bổng toàn phần, chứ qua bên nước họ, họ cũng không chịu bằng cấp của Việt Nam.

Cho đến nay, ngay cả Lào và Campuchia cũng giỏi hơn Việt Nam,  ngoại ngữ của người Lào và Campuchia rất căn cơ. Trong khi đó, thử nhìn lại trình độ ngoại ngữ của cử nhân Việt Nam, rất nhiều người mù ngoại ngữ.

Đối với cử nhân Việt Nam, thậm chí là thạc sĩ, tiến sĩ, ngay cả doanh nghiệp trong nước cũng không muốn dùng, nói gì nước ngoài, đặc biệt là các nước tiên tiến.

Ví dụ, trong ngành du lịch, tại các khách sạn 5 sao của nước ngoài và liên doanh, quản lý cao nhất luôn là người nước ngoài. Các khách sạn 5 sao của Campuchia, Lào thuê quản lý là người Myanmar, Philippines chứ không thuê Việt Nam. Người Việt thông minh nhưng khôn ranh, cả nể và tư lợi.

Hiện nay nhiều sinh viên tốt nghiệp xong còn phải chạy bộn tiền để đi làm công nhân hợp tác lao động ở nước ngoài. Đó là thực tế không thể trốn tránh hay đánh lừa dư luận.

Ngay cả học trò của tôi, nhiều người tốt nghiệp đại học là tìm cách đi xuất khẩu lao động. Một sự lãng phí ghê gớm cho cả người học và Nhà nước. Xuất khẩu lao động cần gì phải cày mấy năm đại học. Tốn biết bao công sức và tiền của”, ông Nguyễn Văn Mỹ chỉ rõ.

Chủ tịch Công ty Du lịch Lửa Việt chia sẻ, thực tế, các doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam không quan tâm đến bằng cấp lắm. Quan trọng là lao động có làm được việc hiệu quả hay không. Cái Việt Nam đang thiếu trầm trọng chính là nhân lực có chất xám thực sự.

Bởi thế, nếu Việt Nam bỏ tiền đào tạo, xuất khẩu được lao động, thu về ngoại tệ thì quá tốt. Nhưng với hiện thực tàn nhẫn về trình độ của các “ông cử”, “bà cử”, vị chuyên gia ngành du lịch khẳng định đề án chỉ là sự ảo tưởng, được vẽ ra để tự sướng và để báo cáo trình độ dân trí của Việt Nam cao. Cũng như rất nhiều dự án khác, có tiền là có phết phẩy.

“Thực tế trước nay cho thấy, muốn đi xuất khẩu lao động còn phải chạy tiền. Vì thế, đây là đề án rất lãng mạn và người ta hãy cứ mơ ước đi nhưng thực tế ra sao đã rất rõ”, ông Nguyễn Văn Mỹ nhận định.

Thay đổi từ đâu?

Chủ tịch Công ty Du lịch Lửa Việt cho rằng, cái gốc của vấn đề trên là giáo dục. Theo đó, phải thay đổi cách nghĩ về giáo dục. Giáo dục phải đi bằng hai chân vững chãi, đó là nhà trường và gia đình chứ không thể cà thọt như hiện nay.

“Chẳng ở nước nào nhà trường dám nhận giáo dục toàn diện. Hai bố mẹ còn không dạy nổi 1 đứa con nữa là giao cho 1 cô giáo quản 40 học sinh mà đòi giáo dục toàn diện?

Ở Việt Nam, ngay cả đại học, dạy xong thầy phải cho ý kiến, nói theo thầy mới được điểm. Do đó, phải thay đổi cách tiếp cận khác theo hướng tôn trọng sinh viên. Ở Mỹ và các nước phát triển, giảng viên chỉ xới vấn đề lên cho sinh viên tranh luận, sau đó mỗi người rút ra kết luận cho mình.

Trong ngành hướng dẫn du lịch, khách đi đâu cũng hỏi cây này cây gì, con này con gì. Thế nhưng, không có trường nào dạy về cây, con, rất không thực tế”, ông Nguyễn Văn Mỹ nói.

Cách đây 20 năm, ông Mỹ đã lập một sơ đồ tam giác đều giữa Nhà trường – Sinh viên – Doanh nghiệp và cho rằng đã đến lúc phải cấp thiết thực hiện.

“Trong 3 đối tượng này, không ai quan trọng hơn ai, tất cả phải dựa vào nhau. Sinh viên phải được chọn thầy, doanh nghiệp và nhà trường không phải là hai đường thẳng song song như trước đây nữa.

Phải thay đổi từ cấp cao nhất, dạy cái doanh nghiệp đang cần chứ không phải dạy thứ nhà trường muốn. Không thể một mình một chợ, dạy theo ý mình, bất chấp thực tiễn cuộc sống”, ông Nguyễn Văn Mỹ lưu ý.

“Điều quan trọng nhất là làm gì cũng phải có người giám sát và có người chịu trách nhiệm. Giờ không ai giám sát, trách nhiệm thì đổ cho tập thể thì làm sao thay đổi được?”, ông Mỹ đặt câu hỏi.

RELATED ARTICLES

Tin mới