Khi quan chức giải trình việc giàu lên nhờ nuôi lợn, người dân sẽ đặt câu hỏi về hiệu quả quản lý của anh ta.
Khu đất và biệt phủ gây xôn xao dư luận của gia đình Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trưởng tỉnh Yên Bái Phạm Sỹ Quý.
Giải trình như đùa
Xung quanh chuyện nhiều cán bộ giải trình nguồn gốc tài sản có từ nuôi lợn, nuôi gà, PGS.TS Ngô Thành Can, Phó trưởng khoa Tổ chức và Quản lý Nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia thẳng thắn cho rằng việc giải trình như vậy rất khôi hài.
Ông chỉ ra thực tế, người dân rất ủng hộ xu hướng minh bạch hóa thông tin về những quan chức giàu lên bất ngờ. Thế nhưng, sau khi thông tin rộng rãi giải trình của các quan chức này, đặc biệt là của một số quan chức cấp sở có tài sản khổng lồ, biệt phủ hoành tráng, dư luận thấy không thuyết phục chút nào.
Xét về mặt pháp lý, trước đây Việt Nam chưa có việc truy nguyên nguồn gốc tài sản từ đâu. Có thể do cán bộ làm ăn, hình thành tài sản từ trước và tài sản ấy cứ nhân lên do giá đất tăng, do biết cách làm ăn, hoặc có thể do con đường khác…
“Tuy nhiên, một số quan chức giải thích về nguồn gốc tài sản rất thiếu thuyết phục: do anh em, bạn bè cho, ủng hộ. Anh em, bạn bè không thể cho, ủng hộ nhà đất nhiều tỷ đồng như thế được.
Khôi hài hơn, có người nói tài sản hình thành nhờ buôn chổi đót, nuôi lợn, nuôi gà, chạy xe ôm… Cách giải thích ấy chẳng khác gì trò đùa, tạo dư luận không hay.
Bởi thế công chức chúng tôi mới hài hước bảo rằng: bây giờ phải tổ chức đi xe ôm để làm giàu.”, PGS.TS Ngô Thành Can chia sẻ.
Từ đây, vị chuyên gia nhấn mạnh, việc khuất tất, làm sai có thể bị xử lý bằng pháp luật. Nhưng ở khía cạnh đạo đức nghề nghiệp, ý thức của người lãnh đạo, cán bộ công chức lãnh đạo xây nhà hoành tráng chình ình trong khi lương mấy triệu đồng, không làm ăn buôn bán gì sẽ khiến dư luận đặt câu hỏi: anh lấy tiền ở đâu?
“Nếu là người cống hiến, phục vụ nhân dân thì với đồng lương như thế, dù giỏi làm ăn đi chăng nữa cũng không thể có một tài sản kếch xù như thế được. Cái này dư luận có thể nhẩm tính được”, ông nói.
Tương tự, về ý thức công dân, quan xây biệt phủ hoành tráng trong khi người dân còn đói khổ, người ta sẽ không lấy đó làm tấm gương để làm giàu theo mà cũng sẽ đặt dấu hỏi nguồn gốc tài sản.
“Nền công vụ phải vận hành tốt đẹp, hiệu quả để giúp nước, giúp dân tiến lên. Còn nếu hành dân, tham nhũng thì sẽ làm giảm niềm tin của nhân dân vào nền công vụ, đó là mất mát lớn nhất”, PGS.TS Ngô Thành Can lưu ý.
Ông cũng chỉ rõ, khi quan chức giải trình việc giàu lên nhờ nuôi lợn, người dân sẽ đặt câu hỏi về hiệu quả quản lý của anh ta.
Chưa minh bạch thì còn giải trình khôi hài
PGS.TS Ngô Thành Can cho rằng, để quản lý tốt hơn đội ngũ cán bộ công chức, không ảnh hưởng đến hoạt động chung của đất nước, niềm tin của người dân vào nền công vụ, điều quan trọng đầu tiên là phải minh bạch hóa thông tin, cái gì minh bạch được là phải minh bạch.
Bên cạnh đó, phải có các kênh để nhân dân đưa được thông tin mà chỉ những người thân cận biết được và cơ quan chức năng phải có quy định để bảo vệ nhân chứng.
Phải có một số quy định, đặc biệt là quy định về đạo đức, cách ứng xử trong công vụ.
“Ví dụ, biếu từng này là phải báo cơ quan, phải quy định rõ cái gì của cán bộ công chức, được bao nhiêu thì là của cán bộ, cái gì là của cơ quan, Nhà nước; hành vi nào là hành vi hối lộ, hoạt động nào là hoạt động cấm… Cán bộ dành hết công sức cho cơ quan, làm lãnh đạo rồi làm gì có thời gian đi buôn bán?
Những cái này cần phải làm rõ thì mới từng bước minh bạch quản lý đội ngũ cán bộ công chức”, PGS.TS Ngô Thành Can chỉ rõ.