Vài ngày sau khi chính quyền Tổng thống Trump bày tỏ quan ngại về hoạt động buôn người của Trung Quốc, Nghị viện Mỹ đã tổ chức một phiên điều trần công khai về những vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh.
Các nhân chứng tham gia phiên điều trần tại Ủy ban Hành pháp Nghị viện Mỹ về vấn đề Trung Quốc, ngày 28/6/2017
Ngày 28/6, Ủy ban Hành pháp Nghị viện Mỹ về vấn đề Trung Quốc (CECC) đã tổ chức phiên điều trần công khai về tình trạng vi phạm quyền con người tại Trung Quốc, theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh.
Các nhân chứng tại phiên điều trần cho rằng chính phủ Mỹ cần đương đầu với Trung Quốc một cách kiên định và công khai trong vấn đề nhân quyền.
Đồng chủ tịch CECC, Hạ nghị sỹ Chris Smith nói rằng ông đã nghe rất nhiều báo cáo về việc các luật sư và các nhà hoạt động nhân quyền “bị tra tấn kinh hoàng và tàn bạo”.
Thượng nghị sỹ Marco Rubio, cũng là người đứng đầu CECC, đã hỏi các nhân chứng liệu Mỹ có nên đề cập một cách kín đáo và thận trọng với Bắc Kinh về vấn đề nhân quyền hay không. Một số nhân chứng trả lời rằng Mỹ cần công khai lên án Trung Quốc.
Ông Terence Halliday, đồng giám đốc của Trung tâm Luật & Toàn cầu hoá tại American Bar Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận về nghiên cứu luật, cho biết dựa trên kinh nghiệm làm việc với nhiều nhà hoạt động nhân quyền tại Trung Quốc, ông hoàn toàn chắc chắn rằng chính quyền Trung Quốc “phải bị lên tiếng công khai và chỉ trích công khai” về vấn đề nhân quyền.
Một nhân chứng khác cũng đồng ý với nhận định của ông Halliday. “Chính phủ Trung Quốc không muốn mất mặt”, theo học giả Xiaorong Li, người tham gia làm chứng tại phiên điều trần.
Là một cơ quan của Nghị viện Mỹ, CECC đã lên tiếng cho nhiều vụ vi phạm nhân quyền tại Trung Quốc, trong đó có cuộc đàn áp đối với Pháp Luân Công, môn khí công được ưa chuộng tại nhiều nước nhưng bị cấm ở Trung Quốc từ năm 1999.
Trái ngược với cách tiếp cận của CECC, chính quyền của cựu Tổng thống Obama thường chỉ liên lạc kín đáo với Bắc Kinh khi đề cập đến nhân quyền.
Tuy nhiên, giờ đây CECC khả năng sẽ tìm được tiếng nói chung với Tổng thống Trump. Hạ nghị sỹ Smith nói với VOA vào tháng 12 năm ngoái: “Tôi hoàn toàn tin tưởng Tổng thống Donald Trump sẽ nêu ra vấn đề nhân quyền [của Trung Quốc] một cách nghiêm nghị và nhất quán, ông Obama đã không làm thế”.
Ngày 25/6, Bộ Ngoại giao của chính quyền Trump đã đưa Trung Quốc xuống mức tồi tệ nhất về hoạt động buôn người, một hình thức vi phạm nhân quyền nghiêm trọng gây ảnh hưởng nhiều nước, trong đó có Việt Nam.