Sunday, September 8, 2024
Trang chủĐàm luậnNga-Mỹ, “cả hai bên cùng thắng”

Nga-Mỹ, “cả hai bên cùng thắng”

Bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bắt tay với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Sau đó hai vị nguyên thủ đã có cuộc gặp gỡ riêng. Cuộc gặp này được cho là dịp tốt để trao đổi quan điểm và cái nhìn về bản chất mối quan hệ giữa hai nước.

Đây là cuộc họp song phương chính thức đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Nga – Mỹ kể từ tháng 9/2015, sau khi cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Putin có cuộc gặp kéo dài 90 phút tại Liên hợp quốc.

Tại hội nghị G20 năm ngoái, ông Obama và ông Putin cũng gặp nhau, song chỉ dừng lại ở một cuộc trò chuyện không chính thức. Sau cuộc bầu cử ở Mỹ vào cuối năm 2016, ông Putin đã điện đàm với tân tổng thống Mỹ, nhưng cả hai chưa gặp mặt chính thức.

Cái bắt tay giữa Tổng thống Trump và Putin là “cái bắt tay lịch sử” –  theo tờ báo The Telegraph. Sau đó, cuộc hội đàm song phương lúc 15 giờ 45 ngày 7/7, giờ địa phương thu hút sự chú ý nhất tại hội nghị thượng đỉnh G20.  

Hãng Reuters dẫn lời các nhà phân tích cho rằng, cuộc gặp có tính chất quan trọng đối với hàng loạt vấn đề, từ cuộc khủng hoảng hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, xung đột ở Syria và Ukraine, đến các hiệp ước giải trừ quân bị Nga – Mỹ, thương mại thế giới và sự ấm nóng toàn cầu. Song, điều được quan tâm nhất ở cả Washington lẫn Matxcơva là ông Trump tiếp cận như thế nào xung quanh vấn đề Nga bị cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ. Chỉ 4 người được dự hội đàm này gồm: Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và hai phiên dịch.

Ông Trump viết trên Twitter hôm 7/7 rằng ông mong đợi cuộc gặp với các nhà lãnh đạo thế giới. Ông hy vọng Tổng thống Putin và ông sẽ “có rất nhiều vấn đề để thảo luận”. Nhà Trắng đã sắp xếp cuộc gặp này diễn ra khoảng 35 phút, thế nhưng đã diễn ra hơn 2 giờ. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho hay, trọng tâm trong cuộc gặp là trao đổi về tình hình Syria và khủng hoảng ở Ukraine. Trong khi đó, theo Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, sự kiện này là dịp tốt để trao đổi quan điểm và cái nhìn về bản chất mối quan hệ giữa hai nước.

Chiến lược “Nước Mỹ là trên hết” trong cách tiếp cận các vấn đề thương mại và khí hậu đang thử thách mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh, nhất là châu Âu. Riêng với Nga, trong chiến dịch tranh cử tổng thống hồi năm ngoái, ông Trump bày tỏ hy vọng có thể xây dựng lại quan hệ giữa Mỹ với Nga sau những băng giá dưới thời Barack Obama.

Song, Nga vẫn bị cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử để đưa ông Trump vào Nhà Trắng. Mặc dù Nga bác bỏ điều này, nhưng Tổng thống Trump phải chịu những sức ép ở trong nước và từ các đồng minh của Mỹ trong việc phải có thái độ cứng rắn với Matxcơva.

Lúc dừng chân ở thủ đô Warsaw của Ba Lan ngày 6/7, phát biểu tại một cuộc họp báo, Tổng thống Trump kêu gọi Nga “ngừng làm mất ổn định Ukraine và các nước khác, đồng thời gia nhập cộng đồng các quốc gia hành xử có trách nhiệm”. Nhưng ông Trump một lần nữa bác bỏ kết luận của các cơ quan tình báo Mỹ cho rằng Nga can thiệp bầu cử để giúp ông giành chiến thắng. Ông Trump nói lấp lửng:  ó thể là Nga, nhưng các nước khác cũng có thể can thiệp, “không ai thật sự biết chắc chắn”. Trong khi đó, Tổng thống Putin muốn Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt nước ông sau vụ Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014.

Những năm qua, sự thiếu hiểu nhau, sai lầm và sự hỗn loạn trong chính sách đã làm mối quan hệ Nga – Mỹ trở nên giá lạnh và nhiều người cho rằng một cuộc Chiến tranh lạnh mới không thể tránh khỏi.

Cho tới nay niềm hy vọng cũng như nỗi sợ hãi vẫn đang lởn vởn đâu đó, đôi khi trong  tiềm thức, trong tâm trí hai quốc gia Nga – Mỹ, bất chấp sự sụp đổ của Liên Xô gần một phần tư thế kỷ. Điều đó đặt thế giới quan của họ trong sự mâu thuẫn và có những va chạm cũng như cuộc đối đầu mới nhất, lớn nhất liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine.

Đó là mối quan hệ ảm đạm và thường xuyên hơn được thể hiện qua sự mở rộng Nato về phía Đông cũng như sự phủ nhận từ Moscow vào lời giải thích của Mỹ “không đe dọa tới an ninh của Nga”. Ngoài ra còn là sự tức giận của Tổng thống Nga Vladimir Putin khi Liên bang Nga đánh mất vị thế siêu cường.

Theo các nhà quan sát, ít có hy vọng sẽ giảm được căng thẳng trong quan hệ Nga – Mỹ.

Hãng AFP gọi cuộc gặp gỡ giưa Putin và Donald Trump hôm 7/7 là tình huống “cả hai bên cùng thắng” (win – win).

Còn ông Andrei Kolesnikov thuộc Trung tâm nghiên cứu Carnegie ở Mátxcơva nhận định: dù kết quả ra sao, cuộc gặp song phương là một chiến thắng đối với Điện Kremlin. Nếu không có kết quả, Nga sẽ đổ lỗi cho Mỹ. Nếu mọi việc suôn sẻ, ông Putin sẽ được cho là có công.

RELATED ARTICLES

Tin mới