Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Nga đang có “cách ứng xử gây mất ổn định” và muốn cùng đồng minh giải quyết vấn đề.
Chỉ trích Nga gây bất ổn
Ngày 6/7, trong khuôn khổ chuyến thăm tới Ba Lan, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ đang phối hợp với Ba Lan giải quyết “cách ứng xử gây mất ổn định” của Nga. Trong khi đó, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda bày tỏ tin tưởng Washington coi trọng vấn đề an ninh của Warsaw.
Trong cuộc họp báo chung, Tổng thống Trump còn cho biết thêm có thể Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 mà trong đó chiến thắng thuộc về ông, song ông nhấn mạnh có thể nhiều nước khác cũng đã can thiệp vào cuộc bầu cử này.
Trả lời câu hỏi của báo giới về vấn đề trên, cụ thể là ông có ý định đưa nghi vấn Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ ra thảo luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp sắp tới hay không, ông Trump nói: “Có nhiều người can thiệp. Việc đó đã diễn ra trong một thời gian dài”.
Ngay lập tức, Điện Kremli đã phản bác đánh giá của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng cách ứng xử của Nga “gây mất ổn định”.
Trả lời báo giới qua điện thoại, người phát ngôn điện Kremli, ông Dmitry Peskov nêu rõ Nga “không đồng ý với cách tiếp cận như vậy”, đồng thời bày tỏ Điện Kremli “lấy làm tiếc về việc giữa Moscow và Washington thiếu sự thấu hiểu về những mong đợi đối với mối quan hệ tương lai giữa hai nước”.
Ông Peskov nhấn mạnh đây chính là lý do Nga mong chờ cuộc gặp đầu tiên sắp tới giữa tổng thống hai nước.
Theo kế hoạch, lãnh đạo Nga – Mỹ sẽ có cuộc gặp trực tiếp bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), diễn ra tại Hamburg, Đức ngày 7-8/7.
Thế kẹt của ông Trump
Về cuộc gặp này, tờ Washington Post cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump từng hứa hẹn với các cử tri rằng ông sẽ đạt được “một thỏa thuận lớn” với Nga và Tổng thống Vladimir Putin. Ông Trump đã nhiều lần gọi cuộc điều tra về vụ Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ là “trò chơi khăm” và thậm chí “khoe khoang” với các quan chức Nga về việc sa thải giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI), người phụ trách cuộc điều tra này.
Tuy nhiên, tờ báo Mỹ cho rằng Tổng thống của họ rơi lâm vào thế khó xử trước cuộc gặp với người đồng cấp Nga. Nếu ông Trump tìm cách nới lỏng các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, Quốc hội Mỹ có thể bất chấp quyết định của ông và theo đuổi các lệnh trừng phạt Nga cứng rắn hơn.
Binh sĩ Nga tại Crimea hồi đầu năm 2014 |
Nếu ông chỉ đưa ra những lời nói “tẻ nhạt” với ông Putin và không đề cập đến vụ Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ, điều này sẽ làm khơi lại những câu hỏi về việc liệu ông Trump có chấp nhận kết quả điều tra của chính các quan chức tình báo của ông hay không.
Ông Nicholas Burns, cựu đại sứ Mỹ tại NATO dưới thời Tổng thống George W. Bush, nói: “Tổng thống Trump đang bị kẹt trong thế khó. Tại sao lại phải đưa ra nhượng bộ trước ông Putin ngay trong cuộc gặp đầu tiên?”.
Theo vị cựu đại sứ này, nếu Tổng thống Trump tỏ ra “xum xoe”, nhượng bộ thì sẽ bị Tổng thống Putin tận dụng lợi thế và sẽ nhận thấy điểm yếu của người đồng cấp Mỹ.
Còn ông Jack Matlock, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Xô dưới thời Tổng thống Ronald Reagan, nói: “Điều này là cực kỳ khó đối với ông Trump, cho dù ông có các phương tiện để làm điều quan trọng đối với lợi ích quốc gia, đó là cải thiện quan hệ với Nga. Việc đối xử với họ như thể họ là kẻ địch là điều hoàn toàn ‘ngớ ngẩn’, nhưng quan điểm đó đang tràn ngập trong Quốc hội”.
Chính quyền của Tổng thống Trump đã thay đổi trên nhiều lĩnh vực để lắng dịu quan điểm của Mỹ với Nga. Ông Trump muốn có sự hợp tác của Nga trong nhiều lĩnh vực như cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria và việc Nga sử dụng lao động Triều Tiên mà tiền lương của họ sẽ trực tiếp chuyển về chính quyền Bình Nhưỡng, bất chấp chương trình vũ khí hạt nhân của họ.
Máy bay Su-25 của Nga tại Syria |
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã cố gắng ngăn chặn Quốc hội áp đặt thêm các lệnh trừng phạt với Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine, và nói rằng việc tỏ ra cứng rắn có thể ảnh hưởng tới hợp tác trên các lĩnh vực khác như cuộc chiến chống IS.
Washington Post cho rằng, bất chấp những thương lượng của ông Trump đưa ra với ông Putin, quan hệ Mỹ-Nga vẫn chưa được cải thiện kể từ khi ông Trump nhậm chức. Ông Putin vẫn kiên quyết bác bỏ việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ và cáo buộc các chính khách Mỹ vẫn giữ tư tưởng thời Chiến tranh Lạnh. Trong khi đó, việc Nga can dự vào Syria tiếp tục làm nảy sinh những hoài nghi trong giới lãnh đạo chính trị Mỹ.
Paul Saunders, phụ trách chương trình Mỹ-Nga tại Trung tâm vì Lợi ích Quốc gia, nói rằng mức độ hoài nghi và thù địch hiện nay tồi tệ như thời Chiến tranh Lạnh.
Ông Trump, người đã bị chỉ trích vì thái độ nồng ấm thái quá với ông Putin, vẫn chưa thể hiện cách tiếp cận của ông với cuộc gặp trong tuần này ra sao. Trước sức ép liên tiếp từ cả hai đảng, các cố vấn Nhà Trắng đã tìm cách giảm bớt những kỳ vọng từ cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, họ đã tiết lộ một số thông tin về những gì sẽ có trong chương trình nghị sự của ông Trump, bao gồm việc liệu ông có kế hoạch đưa ra vấn về Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ hay không.
Binh sĩ và tên lửa Patriot của Mỹ tại Ban Lan |
Khi được hỏi về việc liệu ông Trump có kế hoạch đối đầu với ông Putin hay không, Cố vấn An ninh Quốc gia McMaster nói: “Hiện vẫn chưa có chương trình nghị sự đặc biệt. Nội dung sắp tới sẽ là bất cứ điều gì mà Tổng thống muốn đề cập. Như Tổng thống đã nói rõ, ông muốn Mỹ và toàn bộ phương Tây phát triển quan hệ mang tính xây dựng hơn với Nga. Nhưng Tổng thống cũng nói rõ rằng chúng ta sẽ làm những gì cần thiết để đối phó với hành vi gây bất ổn của Nga”.
Người Mỹ đang lo ngại Tổng thống Trump sẽ lựa chọn khuôn mẫu tự do cho cuộc gặp lần này, hướng sự chú ý khỏi các mục tiêu mà các cố vấn của ông từng vạch ra cho quan hệ song phương.
Washington Post cho rằng nếu ông Trump dành ưu tiên cho mong muốn xây dựng tình thân với ông Putin như với các nhà lãnh đạo khác, thì điều này có thể đẩy ông vào tình thế bất lợi so với cựu điệp viên KGB.
Michael McFaul, cựu đại sứ Mỹ tại Nga, bày tỏ lo ngại rằng: “Ông Putin sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng. Có thể ông Trump chỉ chuẩn bị ứng khẩu, song ông Putin thì không như vậy. Ông Putin là một người đối thoại cực kỳ hiệu quả”.